Tiêu thoát ngập úng tại các vùng màu chuyện 'nói mãi'

(Baonghean)- Nghệ An hiện có trên 20.000 ha sản xuất rau, màu và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hệ thống tưới tiêu cho các vùng màu chưa được đầu tư đúng mức và còn nhiều bất cập. 

Bà Trần Thị Phượng, xóm 17, xã Nghi Thuận, Nghi Lộc đang tháo nước để trồng lại ngô đã bị chết trên hai sào đất vùng màu.
Bà Trần Thị Phượng, xóm 17, xã Nghi Thuận, Nghi Lộc đang tháo nước để trồng lại ngô đã bị chết trên hai sào đất vùng màu.

Sau mấy ngày mưa từ ngày 13 - 14/9, hai sào ngô gieo trỉa gần 1 tháng của gia đình chị Lê Thị Phương, xóm 17, xã Nghi Trung (Nghi Lộc) mất trắng. Vừa đưa cuốc khơi dòng chảy cho nước thoát, chị Phương cho biết: “Trước mưa, ngô đã lên xanh tốt và có 6 lá rồi. Nhưng sau khi bị ngập trắng 3 ngày, chiều 14/9 nước rút cũng là lúc ngô rạp xuống chết hết. Mình khơi thông nước, chờ nắng lên đất khô mới trỉa lại được…”.

Ông Trần Hải Dương - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Kênh tiêu chính trên địa bàn xã là kênh Rào Trường, chạy từ Sân bay Vinh, qua các xã Nghi Liên, Nghi Ân và Nghi Long, ra Nghi Xá rồi xuống bara Nghi Quang tiêu thoát ra biển. Dù là tuyến kênh chính, quan trọng nhưng hiện tuyến kênh tiêu này mới được bê tông hơn 1 km ở hai đầu xã Nghi Trung, còn lại đoạn giữa vẫn đang là kênh đất. Mấy ngày mưa vừa qua, xã phải thuê máy hết mấy chục triệu đồng để vớt bèo tây từ các xã khác tràn về theo kênh gây tắc dòng chảy.

Máy xúc vớt bèo ùn tắc do mưa lụt trên tuyến kênh tiêu chính đi qua mấy xã của Nghi Lộc và TP Vinh.
Máy xúc vớt bèo ùn tắc do mưa lụt trên tuyến kênh tiêu chính đi qua mấy xã của Nghi Lộc và TP Vinh.

Nghi Lộc là một trong những địa phương có diện tích vùng màu lớn của tỉnh, với trên 4.000 ha, trong đó lạc gần 3.000 ha và rau các loại trên 1.000 ha. Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, trên địa bàn chỉ có ít xã vùng màu đất cao và dễ tiêu thoát, còn lại gần như tất cả các xã vùng màu tập trung của huyện, nằm phía Đông QL1A như: Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Thuận… đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thoát nước, không chỉ trong sản xuất vụ đông mà cả vụ xuân.

Sau năm 2000, từ dự án tiêu úng vùng màu của tỉnh, toàn bộ các tuyến kênh chính vùng màu như kênh Nhà Biên, kênh Nhà Na, kênh đông Nghi Phong, tây Nghi Phong… đều cơ bản được mở rộng, tuy nhiên chỉ khoảng 10% chiều dài nằm ở các vị trí xung yếu đã được bê tông hóa, còn lại vẫn đang là kênh đất.

Những đợt mưa to, dòng chảy lớn nhưng phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống bara Nghi Quang, Nghi Thạch, có nhiều lúc cần tiêu thì triều lên, trong khi đó lượng nước dồn về Nghi Lộc để tiêu ra biển không chỉ của địa phương mà cả của TP. Vinh. “Nhiều năm, chỉ cần trận mưa tiểu mãn từ 100 - 150 mm, lạc xuân vào thời kỳ chắc củ rồi nhưng do ngập thời gian dài nên diện tích lạc bị mất, thiệt hại lên đến 50 - 70% diện tích. Còn trong sản xuất vụ đông, nông dân rất ngại làm và ngại thay đổi cơ cấu cây trồng trên đồng màu vì sợ thiệt hại do ngập úng.

Người dân xã Diễn Thành (Diễn Châu) nhổ lạc bị chết do úng ngập để trồng lại.
Người dân xã Diễn Thành (Diễn Châu) nhổ lạc bị chết do úng ngập để trồng lại.

Còn tại huyện Diễn Châu có 55 km kênh tiêu chính cho các vùng màu của huyện, đến nay từ nguồn của các dự án, ngoài hệ thống mương nhánh hầu hết vẫn đang là mương đất, đã có khoảng gần 40% chiều dài được bê tông hóa kiên cố, chỉ ở những tuyến quan trọng, còn lại chỉ làm cầu cống trên kênh và nạo vét. 

Toàn tỉnh hiện có 800 km kênh tiêu phục vụ cho các vùng màu, trong đó mới chỉ có 200 km (chủ yếu là kênh chính) được kiên cố hóa, còn lại là kênh đất nội đồng. Các công trình tưới tiêu vùng màu do giải ngân vốn không kịp thời nên tiến độ không đạt kế hoạch, khả năng tiêu úng thấp, hệ thống kênh tiêu không đồng bộ nên hạn chế trong công tác tiêu thoát nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Văn - Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh, thì để giải quyết những bất cập về thủy lợi trong sản xuất vùng rau màu, về lâu dài, cần quy hoạch và xây dựng thêm các công trình thuỷ lợi nhỏ, nhất là ở những địa bàn có cánh đồng mẫu lớn, khu sản xuất tập trung. Đồng thời, chính quyền địa phương cần vào cuộc, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia vào chiến dịch làm thủy lợi nội đồng một cách  hiệu quả hơn.

Rất nhiều năm cánh đồng lạc xã Diễn Thịnh, Diễn Châu bị thiệt hại do úng ngập.
Rất nhiều năm cánh đồng lạc xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) bị thiệt hại do úng ngập.

Tuy nhiên, trong khi hệ thống tiêu úng đồng màu còn khó khăn, nguồn vốn quá lớn chưa được đáp ứng đủ, thì giải pháp kỹ thuật cần được coi trọng. Một số chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả sản xuất vùng màu trong điều kiện tiêu thoát kém, thì một số địa phương cần đẩy sớm lịch thời vụ.

Đối với vùng màu bãi hay vùng màu đồi ở các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Đô Lương cần đẩy thời vụ gieo trồng lên từ trong tháng 8 và càng sớm càng tốt vì mưa chủ yếu sau 2/9, khi đó cây trồng đã có khả năng chống đỡ với mưa lụt. Với vùng ven sông Lam, căn cứ vào địa hình cụ thể, những vùng bãi sâu làm chậm lại, thậm chí có những vùng bãi thấp ở Anh Sơn, Tân Kỳ… phải chờ hết lụt, qua tháng 10 mới gieo trồng để giảm thiểu thiệt hại.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN
 

Tin mới