Tìm giải pháp ngăn ngừa cháy nổ ở vùng miền núi

(Baonghean.vn) - Các vụ cháy gần đây khiến nhiều ngôi nhà của người dân ở vùng miền núi Kỳ Sơn trở thành đống tro tàn. Để ngăn chặn tình trạng này, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng Kỳ Sơn đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn người dân tự bảo vệ tài sản của mình.

Liên tiếp những vụ cháy

Gần đây nhất, ngày 1/8, tại xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) xảy ra vụ cháy khiến 3 ngôi nhà gần kề nhau bị thiêu rụi. Khoảng 16 giờ chiều 1/8, trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ hỏa hoạn khiến 3 ngôi nhà bị thiêu rụi. Vụ cháy bắt nguồn từ nhà ông La Văn Hải ở bản Cánh của xã Tà Cạ, sau đó lan sang 2 ngôi nhà bên cạnh của 2 ông La Văn Thiên và Vi Văn Thành. “Lúc thấy lửa bốc lên từ nhà anh La Văn Hải mọi người đã hô hoán nhau để dập. Tuy nhiên do nhà làm bằng gỗ nên bắt lửa rất nhanh. Phải sau hơn 2 giờ đồng hồ các lực lượng trong xã được huy động đến mới không chế được đám cháy”, ông Vi Văn Mằn - Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho hay. Tuy nhiên, sau khi ngọn lửa được dập tắt thì cả 3 ngôi nhà hầu như đã trở thành đống tro tàn, nhiều tài sản giá trị của cả 3 hộ gia đình đã tan theo khói lửa.

Vụ cháy khiến 3 ngôi nhà ở xã Tà Cạ bị thiêu rụi. Ảnh tư liệu Vi Cường
Vụ cháy khiến 3 ngôi nhà ở xã Tà Cạ bị thiêu rụi. Ảnh tư liệu Vi Cường

Trước đó không lâu, vào khoảng 15h ngày 27/7, tại bản Xằng Trên của xã Mỹ Lý, ngôi nhà của ông Kha Văn Nhật trong giai đoạn thi công, hoàn thiện một số hạng mục bất ngờ xảy ra hỏa hoạn. Khi ngọn lửa bốc cao, khói nghi ngút thì mới được người dân sống gần đó phát hiện. Mặc dù đã được nhiều lực lượng nỗ lực dập lửa, nhưng do thời tiết nắng nóng, gió thổi mạnh nên ngôi nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Những gì còn sót lại sau khi lửa tắt chỉ là những thanh gỗ cháy đen nham nhở cùng các đồ đạc đã bị biến dạng.

Cũng lâm vào cảnh mất nhà cửa do hỏa hoạn như gia đình ông Kha Văn Nhật, anh Lương Văn Thây ở bản Phia Khăm (xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn) cho biết, ngôi nhà của gia đình anh chỉ sau 1 đêm đã biến mất sau khi xảy ra cháy vào khoảng 2 giờ sáng ngày 14/5/2021. Lúc đó cả gia đình đang nằm ngủ ở tầng dưới của ngôi nhà sàn thì lửa bốc lên ngùn ngụt khiến mọi người phải hô hoán nhau chạy thoát thân. “Ngôi nhà này vợ chồng tôi dành dụm, chắt góp bao năm rồi vay ngân hàng một khoản lớn nữa mới dựng lên được cách đây vài tháng. Lửa bốc lên nhanh và rất lớn, chúng tôi chỉ kịp ôm nhau chạy thoát ra ngoài và bất lực đứng nhìn đồ đạc bị cháy” - anh Thây buồn bã chia sẻ.

Các lực lượng hỗ trợ ông Nhật khắc phục hậu quả vụ cháy tại xã Mỹ Lý. Ảnh tư liệu Anh Bách
Các lực lượng hỗ trợ ông Nhật khắc phục hậu quả vụ cháy tại xã Mỹ Lý. Ảnh tư liệu Anh Bách

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã xảy ra 3 vụ cháy, làm 5 ngôi nhà bị thiêu rụi hoàn toàn, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong năm 2020, tại các xã như Bắc Lý, Đoọc Mạy, Na Ngoi…cháy nhà khiến nhiều gia đình mất nhà cửa, tài sản, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Xác định nguyên nhân

Theo cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương nơi có xảy ra hỏa hoạn ở các hộ dân, nguyên nhân gây cháy nhiều nhất là do chập điện. Ở Kỳ Sơn, vẫn còn số lượng lớn các bản chưa có điện lưới. Vì vậy, nhiều hộ dân tự chế hệ thống điện cù từ dòng chảy của khe, suối. “Đặc điểm của điện cù là tính không ổn định, lúc mạnh lúc yếu nên rất dễ xảy ra chập, cháy. Thêm vào đó, các hộ dân thường sử dụng các loại dây dẫn điện kém chất lượng, có sức tải yếu cũng là một trong những nguyên nhân gây cháy, chập điện. Vụ cháy nhà ông Kha Văn Nhật là một ví dụ” - một cán bộ xã Mỹ Lý cho biết.

Bên cạnh các nguyên nhân gây cháy do chập điện, thì nhiều trường hợp xảy ra hỏa hoạn lại bắt nguồn từ ý sự thiếu ý thức, chủ quan của chính chủ nhà. Ví như trường hợp cháy nhà của ông Moong Văn Lâm ở bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý vào ngày 21/11/2020. Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, cán bộ UBND xã Bắc Lý cho biết, nguyên nhân được xác định do buổi sáng chủ nhà dậy nấu ăn, sau đó quên tắt lửa bếp nên ngọn lửa bén sang vật dụng bắt lửa gây cháy. Rất may khi ngọn lửa bốc cao thì người dân có mặt gần đó đã đến ứng cứu, dập lửa kịp thời nên ngôi nhà hai gian và nhiều đồ đạc bị cháy rụi một nửa.

Tăng cường tuyên truyền

Lãnh đạo Công an huyện Kỳ Sơn thăm hỏi gia đình bị hỏa hoạn tại xã Tà Cạ. Ảnh: Vi Cường
Lực lượng Công an huyện Kỳ Sơn tham gia chữa cháy tại xã Tà Cạ. Ảnh: Công an Kỳ Sơn cung cấp

Những vụ hỏa hoạn ở Kỳ Sơn hầu như đều gây thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt là nhà cửa cho người dân nơi đây. Sau những vụ việc như vậy, chính quyền các cấp cũng như các lực lượng chức năng đã tìm hiểu, xác định nguyên nhân để kịp thời khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa.

“Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của mình bằng cách hạn chế, ngăn chặn các nguyên nhân gây cháy với phương châm phòng hơn chống. Đặc biệt là phòng chống cháy nổ do chập điện. Bởi với đặc thù khí hậu Kỳ Sơn khô nóng, địa hình đồi núi đi lại rất khó khăn, xa xôi cách trở. Thêm vào đó là thiết bị chữa cháy thô sơ, nguồn nước khan hiếm, nhà của người dân lại chủ yếu làm bằng nhiều vật liệu gỗ dễ cháy. Thêm vào đó, hiện nay Đội Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp của lực lượng công an đang đóng tại huyện Con Cuông, cho nên việc điều động phương tiện đến chữa cháy trên địa bàn Kỳ Sơn hầu như không có hiệu quả do di chuyển mất quá nhiều thời gian” - Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết.

Các lực lượng chức năng hỗ trợ chữa cháy, thăm hỏi gia đình bị hỏa hoạn tại xã Tà Cạ. Ảnh: Công an Kỳ Sơn cung cấp
Các lực lượng chức năng hỗ trợ chữa cháy, thăm hỏi gia đình bị hỏa hoạn tại xã Tà Cạ. Ảnh: Công an Kỳ Sơn cung cấp

Theo các cơ quan chức năng Kỳ Sơn, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ để tự bảo vệ tài sản của chính mình, đặc biệt là phòng chống cháy nổ do chập điện. Bởi đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ hỏa hoạn trên địa bàn huyện thời gian gần đây.

MỘT SỐ LƯU Ý KHI LẮP ĐẶT, SỬ DỤNG ĐIỆN:

- Khi lắp đặt các hệ thống điện, các thiết bị sử dụng điện cần phải tính toán, thiết kế đúng tiêu chuẩn, chất lượng, không để bị quá tải. Cần lắp đặt cầu dao điện tổng và thiết bị tự động ngắt điện khi quá tải cho đường dây.

- Không được co, kéo dây điện hay treo các vật nặng lên dây. Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không được để bị hoen gỉ. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, không để hở các mối nối dây điện.

- Bên cạnh đó, những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà… quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để có kế hoạch đại tu hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện, hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải đóng ngắt các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.

- Lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu dễ cháy như giấy, vải, nilon... để bao che bóng điện. Không đặt các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy...) gần các thiết bị, dụng cụ điện như đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm, chấn lưu đèn huỳnh quang... Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.

- Trước khi ra khỏi nhà phải đóng ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt... Đồng thời cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

Tin mới