­Tìm lại ký ức cho người 'đi B'

(Baonghean) - Sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, những hồ sơ, kỷ vật gắn với cuộc đời của cán bộ “đi B” đã được về với chủ nhân. Những bộ hồ sơ “đi B” gợi lại những câu chuyện cảm động, thiêng liêng,…
Giản dị và thiêng liêng 
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt hằn nếp nhăn theo thời gian, đôi tay bà Dương Thị Đàn, ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) run run khi nâng niu, lật từng trang hồ sơ của chồng mình - liệt sỹ Đặng Xuân Thịnh.  Ông Thịnh hy sinh năm 1972 tại chiến trường miền Nam.
Ôm bộ hồ sơ vào lòng, người góa phụ không ngăn được dòng ký ức ùa về. Lấy vợ vỏn vẹn được 3 ngày, chàng trai trẻ Đặng Xuân Thịnh nhận nhiệm vụ đặc biệt, lên đường trong bí mật. Một năm sau người vợ trẻ Dương Thị Đàn nhận được tin dữ. Chồng chị đã hy sinh mà chưa một lần biết mặt con.
Nén nỗi đau vào trong, thiếu phụ ấy quyết ở vậy nuôi con, chăm mẹ già. “Thực sự cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ chúng tôi có được những hồ sơ, kỷ vật vô cùng quý báu này. Đây là kỷ vật thiêng liêng, chúng tôi sẽ cất giữ cẩn thận để con cháu biết và tự hào về cha ông mình, từ đó noi gương phát huy truyền thống cách mạng của gia đình”- bà Đàn xúc động nói.
Các cán bộ “đi B” tham quan hồ sơ, kỷ vật. Ảnh: Thanh Lê
Các cán bộ “đi B” tham quan hồ sơ, kỷ vật. Ảnh: Thanh Lê
Còn với ông Ngô Đức Tiến - nguyên Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành, khi nhìn thấy những hồ sơ, kỷ vật năm xưa, quá khứ một thời khói lửa nhưng đầy hào hùng lại hiện về. Ông bồi hồi nhớ lại những dấu ấn khó phai của những ngày công tác, chiến đấu trên chiến trường miền Nam ác liệt.
Nhớ các bạn bè, đồng chí đã nằm xuống mà chưa một lần được chạm tay vào những kỷ vật – “miền ký ức” thiêng liêng một thời lửa đạn. Quên sao được những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vai mang súng, ba lô trên lưng  vượt qua bao gió núi, mưa ngàn, vượt qua cả những cơn sốt rét ác tính, đói rét giữa đại ngàn để chi viện cho chiến trường miền Nam. 
Các cán bộ đi B vui mừng xúc động khi nhận lại hồ sơ của mình sau hàng chục năm. Ảnh: Thanh Lê
Các cán bộ đi B vui mừng xúc động khi nhận lại hồ sơ của mình sau hàng chục năm. Ảnh: Thanh Lê

Ngày ấy, khi đang dạy học ở xã Thanh Văn (Thanh Chương), tháng 3/1969, ông Ngô Đức Tiến được Ty Giáo dục Nghệ An điều động ra Hà Nội tập trung để học tập chính trị và nghiệp vụ quân sự. Đến cuối năm 1969 cùng với các đồng đội, ông vượt Trường Sơn vào Nam bộ. Tại đây, người cán bộ trẻ tham gia  công tác giáo dục ở các vùng giải phóng và cả khu vực xen kẽ giữa ta và địch.

Cuối năm 1973, ông về cơ quan Tiểu ban Giáo dục giải phóng miền Nam (B3) đóng ở chiến khu Sa Mát  (Tây Ninh). Sau Hiệp định Paris 1973, ông Tiến còn được phân công tham gia viết tin, bài phục vụ công tác tuyên truyền trên Đài Phát thanh Giải phóng phát vào thứ Hai và thứ Năm hàng tuần. “Nay được tỉnh giao lại những hồ sơ “đi B” mà tự tay mình viết cách đây tròn 50 năm (1969), tôi rất cảm động vì thấy mình vẫn được nhớ tới, được gặp một số bạn cũ ở chiến trường, được thấy những kỷ vật của những năm tháng đẹp của tuổi trẻ” – ông Tiến chia sẻ.

Những chiến sỹ lên đường chi viện cho chiến trường Miền Nam khi tuổi đời mới vừa tròn 18, 20. Ảnh: tư liệu
Những chiến sỹ lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam khi tuổi đời mới vừa tròn 18, 20. Ảnh tư liệu

Tập hồ sơ thật giản dị, chỉ là: Đơn tình nguyện đi B, Giấy cắt tiêu chuẩn gạo từ trường bồi dưỡng của Bộ Giáo dục ở Bần Yên Nhân lên trường huấn luyện của Ủy ban Thống nhất Hòa Bình, Giấy giới thiệu đối tượng Đảng... Chỉ vậy thôi, nhưng đó mãi là hành trang chân thực nhất về một thời thanh xuân, về những năm tháng gian khổ, hào hùng đẹp đẽ giàu ý nghĩa của tuổi trẻ. “ Tôi dự định sẽ viết hồi ký về những năm tháng tham gia chiến tranh, đây là tư liệu quý giá giúp tôi hoàn thành tâm nguyện này”- ông Ngô Đức Tiến nói thêm. 

Lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước trao hồ sơ cho các cán bộ đi B. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trao hồ sơ cho các cán bộ "đi B". Ảnh: Thanh Lê

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, hàng vạn cán bộ miền Bắc đã tình nguyện, lặng lẽ vượt Trường Sơn, chi viện sức người cho miền Nam. Họ có mặt trên khắp các chiến trường, mặt trận, lĩnh vực. Đó là nhiệm vụ cách mạng bí mật nhưng cao cả, chỉ gói gọn trong 2 từ “đi B”. Chính sự tham gia đầy nhiệt huyết của lực lượng “đi B” đã góp phần làm nên nền độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.  

Sáng niềm tin cách mạng 
Sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Sở Nội vụ đã tổ chức lễ trao trả hồ sơ và kỷ vật cho cán bộ “đi B” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Đây là nhiệm vụ chính trị, song cao hơn nữa là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của những người làm công tác lưu trữ mong muốn góp phần lưu giữ những ký ức, giá trị cao đẹp của dân tộc nhằm giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Chúng tôi hy vọng việc làm này sẽ góp phần tri ân, vinh danh đóng góp của cán bộ “đi B”, cung cấp thông tin để cá nhân và thân nhân gia đình cán bộ giải quyết chế độ, chính sách. Mặt khác, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các cấp chính quyền giải quyết chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng. Còn những cán bộ từng “đi B” nhưng chưa có hồ sơ, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan, ban, ngành các cấp để tìm kiếm, trao trả lại cho cán bộ và thân nhân của họ”- Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) chia sẻ. 
Bà Dương Thị Đàn ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) xúc động nâng niu từng trang hồ sơ của chồng mình. Ảnh: Thanh Lê
Bà Dương Thị Đàn ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) xúc động nâng niu từng trang hồ sơ của chồng mình. Ảnh: Thanh Lê
Hồ sơ cán bộ đi B được trao tận tay cho cá nhân và thân nhân các đồng chí. Ảnh: Thanh Lê
Hồ sơ cán bộ "đi B" được trao tận tay cho cá nhân và thân nhân các đồng chí. Ảnh: Thanh Lê

Những kỷ vật, tư trang của người “đi B” gồm: Lý lịch cán bộ; Lý lịch đảng viên; Giấy chuyển công tác; Huân, Huy chương cùng các vật dụng cá nhân như: tranh ảnh, nhật ký, thư từ,… nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn. Hơn thế, đây còn là nguồn tài liệu, sử liệu đa dạng minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn với số phận của hàng vạn con người trong điều kiện chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình bị ly tán.

Trả lại kỷ vật cho cán bộ “đi B” và thân nhân của họ là việc làm thiết thực, qua đó tỏ lòng tri ân thế hệ cán bộ, chiến sỹ cách mạng đã cống hiến máu, xương vì độc lập dân tộc. Từng bộ hồ sơ dần được trao trả về đúng chủ nhân và người thân như nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử rất đỗi trân trọng và tự hào. 

Bộ Nội vụ thực hiện chủ trương chứng thực, bàn giao toàn bộ gần 56.000 hồ sơ, kỷ vật cán bộ “đi B” thuộc 89 tỉnh, thành (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945 - 1975) về cho các tỉnh, thành phố để tiếp tục trao trả cho cán bộ và thân nhân gia đình cán bộ “đi B”. Tỉnh Nghệ An đón nhận 1.967 hồ sơ cán bộ “đi B”. 

Tin mới