Tin tức nổi bật trong nước tuần qua

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Brazil; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Trung Quốc;Khai mạc phiên họp thứ 14 Ủy ban thường vụ Quốc hội; Sẽ xây dựng một đô thị đại học tại Hòa Lạc;... là những tin tức trong nước đáng chú ý tuần qua.

1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Brazil

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes Ferreira.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes Ferreira.

Chiều 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Aloysio Nunes Ferreira nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông.

Chào mừng Ngài Bộ trưởng thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng cho rằng đây là chuyến thăm quan trọng nhằm phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Thủ tướng chúc mừng Ngài Bộ trưởng có cuộc hội đàm thành công với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Dù hai bên cách xa nhau về địa lý, nhưng Thủ tướng cho biết, hai nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ đất nước và con người Brazil.

2. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Trung Quốc

Phó Thủ tướng thăm quan các gian hàng tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN
Phó Thủ tướng thăm quan các gian hàng tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN

Sáng 11/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình rời Hà Nội đi thăm Quảng Tây, Trung Quốc và tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 14 tại Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 11-13/9 theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc.

Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS được Trung Quốc và 10 nước ASEAN đồng tổ chức định kỳ hằng năm tại Nam Ninh, Quảng Tây, là một trong 10 hội chợ triển lãm hàng đầu của Trung Quốc.

CAEXPO và CABIS năm nay có chủ đề ‘Cùng xây dựng con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, du lịch thúc đẩy phát triển nhất thể hóa khu vực”,  với quy mô 4.600 gian hàng và sự tham gia của 2.500 doanh nghiệp từ các nước ASEAN và Trung Quốc.

3. Khai mạc phiên họp thứ 14 Ủy ban thường vụ Quốc hội

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Sáng 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ 14 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp sẽ tiến hành trong tám ngày, từ ngày 11/9 đến 20/9 với nhiều nội dung quan trọng cần xem xét và cho ý kiến.

Tại phiên họp thứ 14,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 3 Dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến gồm các Dự án: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Cùng với đó, cho ý kiến về 7 Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp lần thứ 4 gồm các Dự án: Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt; Luật An ninh mạng; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

4. Sẽ xây dựng một đô thị đại học tại Hòa Lạc

Ngay sau buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp thực tế đến thăm cơ sở ĐHQGHN tại Hòa Lạc và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc(.
Ngay sau buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp thực tế đến thăm cơ sở ĐHQGHN tại Hòa Lạc và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội. Tại đây, Thủ tướng cho biết, quyết tâm xây dựng đô thị đại học tại Hà Nội mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của ĐH QGHN là chuyển giao dự án xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN. Đồng thời ủy quyền quyết định là chủ đầu tư cho ĐHQGHN; cho phép ĐHQGHN được quyền điều chỉnh các quy hoạch và dự án thành phần chi tiết 1/500 phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Thủ tướng cũng đồng ý bổ sung vốn đầu tư để GPMB xây dựng đô thị đại học; đồng ý việc lập dự án vay vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) theo cơ chế cấp phát để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách cho ĐHQGHN tại Hòa Lạc; đồng ý phê duyệt dự án vay ODA từ Nhật Bản cho việc xây dựng Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

5. Bão số 10 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Nghệ An khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Nghệ An khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10.

Ngày 15/9, cơn bão số 10 trong năm nay đã bổ bộ vào các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Trị gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến 5h ngày 16/9, bão Doksuri làm hơn 100.000 nhà hư hỏng, hàng nghìn ha hoa màu bị ảnh hưởng.

Ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến Hà Tĩnh và Nghệ An kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại địa phương.

Thủ tướng đánh giá tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc tiếp thu tinh thần chỉ đạo ứng phó với bão số 10 của trung ương nên đã hạn chế thiệt hại, nhất là bảo vệ tính mạng cho người dân. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Nghệ An tiếp tục huy động các lực lượng trên địa bàn vào cuộc để dọn vệ sinh môi trường, kết hợp với lực lượng quân đội, công an dưới sự phân công cụ thể của tỉnh để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra như nhà bị tốc mái, sửa chữa các trường học bị hư hỏng đảm bảo điều kiện học tập vào ngày thứ 2 (18/9); đảm bảo điện, nước sinh hoạt cho nhân dân.

6. Hai tử tù trốn khỏi trại tạm giam T16

Chân dung 2 tử tù bỏ trốn.  Ảnh: Công an Hà Nội
Chân dung 2 tử tù bỏ trốn. Ảnh: Công an Hà Nội

Ngày 13/9, Bộ Công an cho biết hai tử tù đang bị giam tại trại tạm giam T16 để chờ thi hành án đã bỏ trốn khỏi phòng biệt giam. Một giám thị có trách nhiệm tại trại tạm giam T16 cho biết 2 tử tù bỏ trốn vào đêm 10/9. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, trại tạm giam đã báo cáo lên Bộ công an để xin phương án truy tìm các tử tù này.

Danh tính của 2 tử tù được xác định là Lê Văn Thọ (biệt danh Thọ sứt) 37 tuổi, trú tại xóm 6, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương và Nguyễn Văn Tình, trú tại xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội.

Thọ có 4 tiền án về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đưa hối lộ, trộm cắp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tình có 1 tiền án về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. 

Ngày 16/9, hai tử tù trên đã  bị  bắt, một đối tượng bị bắt tại Hải Dương, và một đối tượng bị bắt tại Hòa Bình.

7. Đại án OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị án tử hình

Nguyễn Xuân Sơn được dẫn giải tới tòa
Nguyễn Xuân Sơn được dẫn giải tới tòa

Hôm 14/9, ngày thứ 12 xét xử “đại án” kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) Nguyễn Xuân Sơn bị Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị tử hình, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị đề nghị mức án chung thân.

Theo đại diện Viện KSND TP.Hà Nội, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (55 tuổi), lợi dụng chức vụ của mình và lợi thế của PVN là cổ đông chiến lược, yêu sách áp đặt chi lãi ngoài, đã chiếm đoạt số tiền lớn. Trong quá trình điều tra, bị cáo chưa thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, thái độ coi thường, thách thức pháp luật.

Cần xử lý nghiêm khắc nhằm đảm bảo răn đe phòng chống tội phạm. Sơn bị đề nghị mức án tử hình bởi tội tham ô tài sản, chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 16-18 năm tù tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp mức hình phạt là tử hình.

8. Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ qua đời

Nhà thơ Thanh Tùng tại sinh nhật 80 của ông
Nhà thơ Thanh Tùng tại sinh nhật lần thứ 80 của ông.

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả bài thơ “Thời hoa đỏ” nổi tiếng vừa qua đời lúc 21h50 ngày 12/9 tại nhà riêng ở TP HCM sau gần 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà thơ Thanh Tùng tên thật là Doãn Tùng, sinh ngày 7/11/1935 tại làng Cầu Gia, xã Gia Hoà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, lớn lên làm công nhân ở Hải Phòng, có thời gian gắn bó với Hà Nội. Cuối đời ông hành phương Nam, sống và sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Thanh Tùng là nhà thơ tiêu biểu xuất thân từ công nhân, tác giả những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, đặc biệt là Thời hoa đỏ. Năm 1997, ông được Hội Nhà văn Việt Nam cử sang Hy Lạp đại diện giao lưu, đọc thơ với đại biểu các nước khác.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới