Tình cảm của Bác Hồ với người cao tuổi Việt Nam

(Baonghean.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với những người cao tuổi, Người dành cho thế hệ “cây cao bóng cả” của dân tộc một sự kính trọng và niềm tin sâu sắc. Bởi đây là thế hệ có vai trò quan trọng đối với việc gìn giữ, phát huy, kết nối các giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống; những người “giữ hồn cho dân tộc”.

“Kính trên, nhường dưới”, “Kính lão, đắc thọ” là một trong những truyền thống lâu đời, nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trong gia đình, dòng họ, làng xóm, lớp người “cây cao, bóng cả” luôn luôn được kính trọng và lắng nghe; có vai trò quan trọng trong việc kết nối các giá trị truyền thống, là lớp người có công lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Vì vậy, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm sâu sắc, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của lớp người cao tuổi.

Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về  thăm Pác Bó, Xuân Tân Sửu 1961. Ảnh internet.jpg
Bác Hồ bắt tay các cụ già khi về thăm Pác Bó, Xuân Tân Sửu 1961.

Tháng 6/1941, Bác viết một bức thư bằng chữ Hán có tiêu đề: “Nguyễn Ái Quốc ký thư chư thị ái chư phụ lão” (Nguyễn Ái Quốc - thư gửi tới các cụ phụ lão trong cả nước). Mở đầu thư, Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề...”.

Bác đánh giá cao vai trò của các tầng lớp nhân dân trong kiến thiết và bảo vệ nền độc lập nước nhà, trong đó có vai trò tiềm năng của lớp người cao tuổi. Theo Bác, để lớp người cao niên trong xã hội phát huy được vai trò của mình thì việc tiên quyết là phải đưa người cao tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định và khi đó tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” đã ra đời.

Người kêu gọi: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ  gìn nền độc lập của nước nhà”.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người cao tuổi Thủ đô Hà Nội trong một dịp đón.jpg
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người cao tuổi Thủ đô Hà Nội.

Người chỉ rõ: Đối với người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao. Có thể thấy, cốt lõi của tư tưởng, quan điểm tiến bộ, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi là sự kính trọng và niềm tin sâu sắc “người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”.  

Lòng kính trọng của Bác Hồ đối với người cao tuổi không chỉ thể hiện rõ trong tư tưởng, quan điểm mà còn được thể hiện qua từng bài viết, bài nói, tỏa sáng trong mọi việc làm, hành động, cử chỉ, ứng xử của Bác.

Với tình cảm yêu quý, kính trọng NCT, Bác nhắc nhở mọi người phải cung kính với các cụ già, trong Đảng, Bác căn dặn: “Các đồng chí già là rất quý, là tấm gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”.

Là Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng, bận trăm công ngàn việc, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn luôn dành cho các bậc cao niên, phụ lão những tình cảm đặc biệt, sự cổ vũ, động viên kịp thời, trân trọng. Cứ mỗi khi nhận được tin tức về những việc làm có ý nghĩa, những thành tích trong kháng chiến và sản xuất của các cụ phụ lão, Hồ Chủ tịch đều kịp thời có thư động viên, thăm hỏi, lời chúc mừng, tặng Huy hiệu,  tặng lụa cho các cụ già.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích, động viên người cao tuổi phải tự mình học tập, nâng cao dân trí,  tích cực tham gia vào đời sống xã  hội, vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo, bởi "Công việc ngày càng nhiều, càng mới nên đảng viên già phải cố gắng mà học", để "chẳng những làm kiểu mẫu, siêng năng cho con cháu mà còn tỏ ý chí hùng  mạnh của dân tộc Việt Nam".

Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi .
Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi .

Trong kháng chiến, ai không cầmđược súng gươm giết giặc, vì già cả không làm được công việc nặng nhọc thì khua gậy đi trước, khuyến khích thanh niên và san sẻ những kinh nghiệm cho họ, làm gương cho con cháu…

Bên cạnh việc động viên, khen ngợi, Người còn phê phán quan niệm tuổi già thì tài hết, tuổi già nên ở yên. Người chủ trương “vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”, trong đó người cao tuổi có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong kháng chiến chống  Pháp, Người đã có những vần thơ mộc mạc, nôm na mà đầy hào khí “Tặng các cụ lão du kích Cao Bằng” bởi có thành tích góp phần đánh chặn bước tiến của giặc. Người cũng nêu rõ: “Các cấp đảng bộ, mặt trận ở các địa phương ra sức giúp các cụ phụ lão tổ chức, củng cố và phát triển các đội Bạch đầu quân. Đó cũng là một lực lượng khá to trong công cuộc chống Mỹ cứu nước”.

Lần đầu tiên, khi nói đến tuổi già của chính mình, Bác đã viết bài thơ “Không đề” vào năm 1949, khi ấy Bác 59 tuổi:

“Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà,

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già…”

Khi tròn 60 tuổi vào năm 1950, Bác lạc quan viết những vần thơ:

“Sáu mươi tuổi hãy còn Xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên...”.

Sau đó là những bài thơ viết về tuổi sáu mươi, sáu ba và năm 1964, khi đã ở tuổi 74 “xưa nay hiếm”, trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Người vẫn lạc quan nói rằng: “... Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi: "Bảy mươi tư tuổi vẫn không già/Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta...” .

Ngày 20/5/1968, khi 78 tuổi, trong không khí tổng tiến công như vũ bão của Tết Mậu Thân, Bác cảm hứng viết bài thơ về tuổi tác của mình với một tinh thần lạc quan, hứng khởi:

“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm

Vẫn giữ hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước! Ta cùng con em ta”.

Những vần thơ hào sảng của Bác đã cho chúng ta thấy một tấm gương sáng về tuổi già mà “không chịungồi không”, “càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”, tinh thần lạc quan cách mạng, yêu đời, cống hiến không mệt mỏi vì dân, vì nước, vì sự nghiệp cách mạng quên tuổi già, quên cả bản thân, “dù phải từ biệt thế giới này” vẫn không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” …Chính vì thế mà trong những năm tháng hoạt động cách mạng và cho đến khi Bác đi xa, trong các dịp khác nhau Bác thường nói: “Tuổi cao chí khí càng cao, chống Mỹ - cứu nước già nào kém ai”; “Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.

Bác Hồ với đại biểu phụ lão và thiếu nhi đến chào mừng Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951
Bác Hồ với đại biểu phụ lão và thiếu nhi đến chào mừng Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951

Trong tư tưởng, quan điểm của Hồ Chủ tịch về người cao tuổi, Bác đã khẳng định lớp người cao tuổi là lực lượng nòng cốt trong công cuộc cách mạng, là nhân tố góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù trong gia đình hay đối với làng xóm, xã hội, là thời chiến hay thời bình, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác “tuổi cao - gương sáng”, lớp người cao tuổi là những bậc tôn trưởng, luôn nêu gương, kiên trì hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp tục có những đóng góp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy sức mạnh của những lời hiệu triệu, tiên phong của các bậc phụ lão trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng và phát triển đất nước có ảnh hưởng to lớn đến tinh thần đoàn kết toàn dân. Tinh thần đoàn kết ấy có thể “góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”, là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Thái Bình (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới