'Tình cha' ở một ngôi nhà có hơn 40 cậu con trai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  3 ông bố và một gia đình gồm 44 cậu con trai ở độ tuổi từ 13 đến 18 - đó là những miêu tả ngắn gọn nhất về Lưu xá nam thanh niên - Làng trẻ em SOS Vinh. Bằng tình yêu thương của một người bố và trách nhiệm của một người thầy, những người đàn ông quản lý ở đây đã xây dựng được một gia đình ấm áp cho những đứa con không cùng huyết thống của mình.

Nghề làm… bố

Tôi gặp anh Phạm Ngọc Hoà lần đầu cách đây hơn 3 năm. Khi đó anh còn là nhân viên giáo dục của lưu xá nam thanh niên. Tôi ấn tượng với anh bởi sự mộc mạc, ân cần và tôn trọng mà anh dành cho các cháu những thanh, thiếu niên ở Lưu xá nam thanh niên, Làng trẻ em SOS Vinh. Lần đó, cuộc trò chuyện của chúng tôi bị gián đoạn liên tục vì anh cần phải nghe điện thoại, khi thì của các cháu, khi thì của người nhà các cháu, khi thì của các bác sỹ... Đêm trước đó, một thiếu niên trong Làng gặp tai nạn trên đường đi học về, anh là người trực tiếp đưa cháu đến bệnh viện, tìm bác sỹ giỏi để điều trị cho cháu, chăm sóc cho cháu như con.

“Xin lỗi phóng viên về những cuộc điện thoại nhé, những người như chúng tôi luôn không bao giờ được tắt điện thoại và luôn nhấc máy 24/7, kể cả khi nửa đêm. Bởi chúng tôi chăm sóc rất nhiều trẻ và cần hỗ trợ các cháu ngay lập tức, bất cứ lúc nào các cháu cần” - anh Hoà đã nói với tôi như vậy.

Một buổi giao lưu cờ vua của các chú, các cháu Lưu xá nam thanh niên - Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: CSCC

Một buổi giao lưu cờ vua của các chú, các cháu Lưu xá nam thanh niên - Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: CSCC

Sau chuyến thăm lần đó, tôi ấn tượng mãi với những câu chuyện được nghe từ người phụ trách khu lưu xá lúc đó - anh Trần Minh Thành. Chuyện về những cậu bé mồ côi lần đầu đến lưu xá, nhớ nhà, nhớ quê, xin được ngủ cùng các chú và rồi coi các chú như bố của mình. Chuyện về năng lực “trinh thám” của các chú khi nắm bắt tâm lý và quản lý giờ giấc, chi tiêu của các con. Chuyện các chú xây dựng mạng lưới “thông tin viên” để đón đầu những tình huống bất ngờ ở tuổi ẩm ương của các cháu…

Có thể nói, những “ông bố” ở đây tạo dựng được sự tin yêu của bao thế hệ con trẻ như một người bạn, dẫn dắt, làm gương cho trẻ như một người cha. Rất nhiều thiếu niên trong khu lưu xá đã trưởng thành, tìm thấy thành công trong cuộc sống nhờ những định hướng đó. Rồi chính những lứa trẻ thành công đó lại trở về, sẵn sàng dẫn bước, dìu dắt cho thế hệ các em.

Lần gặp này, ban quản lý khu lưu xá gồm 3 thành viên: anh Phạm Ngọc Hoà - phụ trách chính, anh Nguyễn Mạnh Hùng và anh Nguyễn Cảnh Lương. Vẫn gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền khô, anh Hoà chỉ cho tôi những thay đổi trong khuôn viên của khu lưu xá thời gian gần đây rồi lại vội vàng, tất bật chuẩn bị tổ chức trận đá bóng giao lưu giữa thiếu niên trong khu lưu xá và các anh chị sinh viên tình nguyện học sinh.

Với những thiếu niên ở khu lưu xá nam thanh niên Làng trẻ em SOS Vinh, các bác các chú trong ban quản lý đã thật sự là những ông bố sát sao, quan tâm, thấu hiểu. Ảnh: CSCC

Với những thiếu niên ở khu lưu xá nam thanh niên Làng trẻ em SOS Vinh, các bác các chú trong ban quản lý đã thật sự là những ông bố sát sao, quan tâm, thấu hiểu. Ảnh: CSCC

Để thuận tiện việc theo dõi, chăm sóc trẻ, gia đình anh Hoà đã chuyển vào ở trong ngôi nhà công vụ ngay trong khuôn viên. Sân trước, ban quản lý đã trồng thêm cây, đặt thêm bàn bóng bàn, khoảnh đất trống phía sau nhà, các anh đã mua mấy chuồng chim bồ câu về nuôi, xây thêm chiếc ao nhỏ để nuôi cá. Anh Hoà giải thích: “Thay đổi này, trước là để cải tạo cảnh quan, sau là để các cháu có thêm niềm vui lao động, thi đua, thêm nguồn thức ăn sạch cải thiện sức khoẻ”.

Dạo quanh khu lưu xá và gặp gỡ với nhiều nam thiếu niên ở đây, tôi biết thêm nhiều câu chuyện về các em. Đó là cậu thiếu niên nhỏ tuổi nhất được gửi sang lưu xá sớm vì không nghe lời các mẹ. 3 tháng ở lưu xá là 3 tháng em trở thành một cậu bé hiểu chuyện và chủ động làm việc nhà, khiến ai cũng bất ngờ. Hay sự tiến bộ ngoạn mục của một học sinh cá biệt, từ xếp hạng cuối lớp lên thứ 8 trong lớp chỉ sau 1 năm… Không một lời quát mắng hay những hình phạt hà khắc, các em được cảm hoá bởi sự gương mẫu, cảm thông, động viên của các chú, các anh.

Một buổi sinh hoạt của các cháu trong Lưu xá nam thanh niên với sự tham gia của các cháu trong ban quản lý. Ảnh: CSCC.

Một buổi sinh hoạt của các cháu trong Lưu xá nam thanh niên với sự tham gia của các cháu trong ban quản lý. Ảnh: CSCC.

Giai đoạn thành phố Vinh cao điểm vì bùng phát dịch, có những thời điểm các anh cách ly để chăm cùng lúc 24 cháu bị Covid-19. Những ông bố đông con trong khu lưu xá đảm nhận cả công việc của những bà mẹ, vừa đi chợ, vừa thuốc men, cháo sữa… “Các con là những đứa trẻ rất nhạy cảm, tất cả những gì chúng tôi làm, các con không nói ra nhưng cảm nhận được hết. Chỉ mong sao, những điều này sẽ giúp các con sống tốt hơn, có một cuộc đời hạnh phúc hơn” - anh Lương trải lòng.

Lúc ở nhà bố cũng là thầy giáo

Một trong những niềm vui lớn nhất của Khu lưu xá nam thanh niên - Làng trẻ em SOS Vinh trong năm học 2022-2023 vừa qua là thành tích tiến bộ vượt bậc chưa từng có của các cháu. 32/35 cháu đạt khá, giỏi, chỉ 2 cháu đạt trung bình. Đặc biệt, nhiều cháu đạt điểm thi tốt nghiệp THPT, thủ khoa toàn trường. Đó là niềm tự hào, cũng là trái ngọt xứng đáng cho phương pháp dạy dỗ, định hướng của những người làm công tác giáo dục tại đây.

Niềm vui ngày sinh nhật ở một gia đình chỉ có bố và con trai. Ảnh: CSCC

Niềm vui ngày sinh nhật ở một gia đình chỉ có bố và con trai. Ảnh: CSCC

Hầu hết các anh đều từng là một giáo viên nhưng giá trị lớn nhất mà những người thầy này truyền dạy cho trẻ ở không phải là những kiến thức cụ thể. Các anh truyền cảm hứng cho các con về ý nghĩa của việc học và phương pháp học hiệu quả. Em Văn Hiếu (18 tuổi) và em Công Lợi (17 tuổi) là một trong những điển hình thay đổi từ quan điểm giáo dục này. Xuất phát điểm là những cậu bé rụt rè, nhút nhát, cả 2 em nay đã trở thành những cán sự gương mẫu của nhóm thanh niên tự quản khu lưu xá.

Chia sẻ về sự thay đổi này, Công Lợi nói: “Ban đầu cháu vốn rất lười biếng. Sau một thời gian theo dõi, nhắc nhở, các chú đã chuyển cháu sang ngôi nhà có nhiều bạn ngoan, chỉ cho cháu ý nghĩa của việc học tập. Để có một công việc phù hợp và tương lai tốt đẹp, cháu hoàn thiện mình và nỗ lực học tập hơn. Ở đây, chúng cháu được lắng nghe, được tôn trọng, được chăm sóc, được định hướng và được tin tưởng”.

Với sự quan tâm của các bác, các chú, trẻ ở Lưu xá nam thanh niên được cân đối thời gian giữa việc học tập, lao động và vui chơi. Ảnh: CSCC.

Với sự quan tâm của các bác, các chú, trẻ ở Lưu xá nam thanh niên được cân đối thời gian giữa việc học tập, lao động và vui chơi. Ảnh: CSCC.

“Chúng tôi tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các con, bao gồm tìm sự giúp đỡ từ các bạn sinh viên tình nguyện, đăng ký các khoá học phù hợp, liên kết với một số thầy giáo về dạy tại lưu xá, luôn sẵn sàng máy in, máy tính, giấy để phục vụ các con luyện đề, tổ chức các hoạt động thư giãn, tăng khẩu phần ăn uống… Ngoài ra, chúng tôi xây dựng đôi bạn cùng tiến để tạo môi trường thi đua” - anh Hùng nói.

Ngoài trẻ mồ côi ở làng, lưu xá nam thanh niên còn là nơi ở của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập tốt, được nhận học bổng của Làng trẻ em SOS Vinh. Tận dụng lợi thế đó, ban quản lý bố trí các em học sinh giỏi kèm cặp, hỗ trợ học sinh yếu rồi tạo sự thi đua giữa các nhà với nhau. Sẽ những sự tiến bộ mất đến hàng tháng, hàng năm trời với hàng trăm cuộc nói chuyện. Quan trọng là các anh luôn kiên trì với niềm tin: các con sẽ tốt lên và đạt được điều các con muốn.

Buổi giao lưu bóng đá giữa trẻ ở Lưu xá nam thanh niên Làng trẻ em SOS Vinh và sinh viên tình nguyện Đại học Vinh. Ảnh: Diệp Thanh

Buổi giao lưu bóng đá giữa trẻ ở Lưu xá nam thanh niên Làng trẻ em SOS Vinh và sinh viên tình nguyện Đại học Vinh. Ảnh: Diệp Thanh

Trong lần thăm khu lưu xá nam này, tôi gặp Xuân Sáng. Hôm đó là ngày cuối cùng Sáng ở lại khu lưu xá. Sáng vào làng từ khi còn rất nhỏ và chuyển sang khu lưu xá đã 1 năm nay. Em và gia đình vừa gửi nguyện vọng xin được ra khỏi làng để sống cùng ông bà đã trên 80 tuổi. Hướng đôi mắt rơm rớm về phía các bạn, Sáng buồn rầu: “Em biết mình đang đánh mất cơ hội được chăm sóc, yêu thương, rèn luyện, học tập một cách tốt nhất và em biết mình sẽ rất tiếc khi rời nơi này. Nhưng em không có sự lựa chọn, ông bà cần em”.

Biết chặng đường phía trước của Sáng sẽ vô cùng vất vả, anh Hoà chỉ có thể lén lau những giọt nước mắt, căn dặn: “Sau này, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, đừng ngại liên lạc với các chú. Hãy nhớ rằng, cháu luôn là một thành viên trong gia đình này và các chú luôn ở đây, luôn giúp đỡ cháu khi cháu cần. Mong cháu thật vững vàng, hạnh phúc trong cuộc sống”. Trong trận bóng giao lưu hôm đó, bên ngoài sân cỏ, nhiều đôi mắt đỏ hoe…

Tin mới