Tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục: Quyết liệt nhưng không cực đoan

(Baonghean.vn) - Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT khi trả lời về giải pháp thực hiện tinh giản biên chế của ngành với đoàn giám sát HĐND tỉnh.
Chiều 9/5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An đã tiến hành giám sát về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đối với Sở Giáo dục và Đào tạo.  
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Thị Minh Sinh; Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi. Ảnh: Thành Duy
Năm 2015, Sở GD&ĐT có 12 phòng chuyên môn và 99 đơn vị công lập trực thuộc. Song đến thời điểm hiện tại, Sở chỉ còn có 10 phòng chuyên môn, 74 đơn vị công lập trực thuộc và Ban Quản lý Dự án chuyên ngành GD&ĐT (hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính và nhân sự).

Tính theo số đơn vị trực thuộc Sở quản lý, thời điểm hiện tại so với năm 2015, biên chế của Sở đã tinh giản 222 người, đạt 3,72% so với quy định, trong đó nghỉ hưu 85 người, nghỉ chế độ theo Nghị định 108/NĐ-CP là 39 người, sắp xếp lại quy mô trường lớp 98 người.

Ngoài ra, có 395 biên chế của 25 đơn vị trực thuộc chuyển về UBND các huyện, thành, thị quản lý do sắp xếp lại bộ máy. Tuy nhiên, con số biên chế tinh giản trong ngành GD&ĐT hiện còn thấp so với yêu cầu đặt ra là đến năm 2021 phải đạt tối thiểu 10%.

Học sinh trường
Giờ học của học sinh Trường THPT 1-5, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Thành Cường
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão đặt câu hỏi: Để thực hiện tinh giản được 10% đến năm 2021 thì giải pháp của ngành GD&ĐT như thế nào? 

Giải trình về vấn đề này, lãnh đạo phòng Tổ chức cán bộ của Sở GD&ĐT thừa nhận, đây là bài toán khó khi đặt trong điều kiện ngành Giáo dục. Vì cùng trong một thời điểm đều cần giáo viên đứng lớp, nhất là những môn nếu chỉ có 2 hoặc 3 giáo viên mà 1 người nghỉ hưu, nếu không tuyển thêm sẽ không đảm bảo số giáo viên đứng lớp...

Làm rõ hơn vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, thời điểm này ngành đang rất tích cực chỉ đạo để thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và kế hoạch, đề án của tỉnh.

Thẳng thắn thừa nhận đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng song cũng rất nặng nề vì đối tượng viên chức của ngành GD&ĐT chiếm tỷ lệ cao so với tổng số viên chức trong tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay, ngành đang xây dựng lộ trình để thực hiện giảm 10% biên chế đến năm 2021.

Theo đó, ngành GD&ĐT đang xây dựng và sắp hoàn chỉnh Đề án rà soát, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, trong đó có 2 đề án “con” là đề án vị trí việc làm và đề án tinh giản biên chế; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, truyền thông để thấm nhuần tư tưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành.

“Ngành chỉ đạo làm quyết liệt nhưng không cực đoan, không làm theo cơ học” - người đứng đầu Sở GD&ĐT khẳng định khi đề cập đến tinh giản biên chế và sắp xếp lại tổ chức bộ máy. 

Bà Nguyễn Thị Kim Chi cũng nêu một loạt các giải pháp gồm: Rà soát lại mạng lưới trường, lớp; nâng cao sỹ số học sinh/lớp theo hướng tiệm cận dần sỹ số tối đa theo quy định; nâng dần tỷ lệ tự chủ của các đơn vị trực thuộc.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đặc biệt, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh đến việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt đề án vị trí việc làm, trong đó hoàn thành sắp xếp lại vị trí việc làm đối với các vị trí như: nhân viên kế toán, thủ quỹ, y tế, văn thư… và tổ trưởng, tổ phó theo đúng định mức quy định tại các đơn vị trực thuộc ngay khi năm học này kết thúc.  

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường ghi nhận những kết quả của ngành trong những năm qua; đồng thời đề nghị ngành GD&ĐT luôn coi trọng công tác xây dựng, tổ chức bộ máy; tuyển dụng, thuyên chuyển cán bộ đảm bảo công khai, minh bạch, kỷ cương. 

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu Sở rà soát, hướng dẫn xây dựng, bổ sung Đề án vị trí việc làm tại các đơn vị trực thuộc và cơ quan Sở, gắn đề án vị trí việc làm với việc xây dựng bộ máy, quản lý được công chức, viên chức theo đúng quy định, tiêu chuẩn, định mức và từng bước thực hiện lộ trình tinh giản biên chế.

Tin mới