Tinh giản bộ máy ở Bộ Công an: Người bị đụng chạm lợi ích cần phải đề cao trách nhiệm!

(Baonghean.vn) - Bộ Công an là đơn vị đầu tiên tinh giản bộ máy với phương án bỏ cấp tổng cục và giảm cấp cục qua việc sáp nhập nhiều đơn vị. PGS.TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học - Bộ Công an đã chia sẻ với Báo Nghệ An với góc nhìn của một sĩ quan công an có hơn 40 năm công tác trong ngành.

PV: Thưa Thiếu tướng, với tư cách là một cán bộ sĩ quan có nhiều năm công tác trong ngành lực lượng công an, ông đánh giá như thế nào về thay đổi mô hình tổ chức của Bộ Công an?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về việc “sắp xếp bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, theo đó, Bộ Công an sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa đã khiến cho dư luận và nhân dân cả nước có nhiều ý kiến quan tâm.

Minh họa của báo Tuổi trẻ. Nguồn TTO.
Tranh minh họa của báo Tuổi trẻ. Nguồn TTO.

Hơn 40 năm công tác trong ngành, qua 6 đời Bộ trưởng, tôi đã được chứng kiến Bộ Công an trải qua nhiều lần điều chỉnh tổ chức. Qua những lần Bộ Công an điều chỉnh tổ chức đều làm phình to bộ máy trung gian, từ năm 1980 đến nay, từ 4 tổng cục tăng lên 8 đơn vị cấp tổng cục, hơn 50 cấp vụ cục thành 120 vụ cục...

Tuy nhiên, lần này lại hoàn toàn ngược lại khi Bộ Công an là đơn vị đầu tiên tinh giản bộ máy với phương án bỏ cấp tổng cục và thu gọn còn 60 cấp vụ cục. Đề án này được Bộ Chính trị nghiên cứu và xem xét rất cẩn thận, nghiêm túc để đi đến quyết định cuối cùng và đồng ý với mô hình mới của Bộ Công an. Vì vậy, tôi đánh giá cao và cho rằng đây là một cuộc cách mạng tổ chức mà Đảng ủy công an Trung ương và tập thể Bộ Công an đã dũng cảm đi đầu trong lĩnh vực này.

PV: Bộ Công an là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 quyết liệt nhất. Dư luận cho rằng mô hình này khác với những mô hình trước. Thiếu tướng có thể cho biết căn nguyên nào mà Bộ công an làm điều này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng đây là một cuộc cách mạng về tổ chức, để làm được điều này thì Bộ Công an, Đảng ủy công an Trung ương và đặc biệt người đứng đầu là đồng chí Thượng tướng Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, tính nghiêm túc của đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Thượng tướng Tô Lâm. Nguồn: VNE.
Thượng tướng Tô Lâm. Nguồn: VNE

Đây chính là điều kiện tối cần thiết để thay đổi tổ chức, nhưng chưa đủ. Để thực hiện nghị quyết phải cần thêm điều kiện đủ nữa là "bàn tay sạch và cái tâm sáng". Bởi lẽ "đụng" đến tổ chức bộ máy là "đụng" đến con người, đến lợi ích khi hàng trăm cán bộ cao cấp, tướng tá không có chỗ làm việc. Vì thế những người quyết định như đồng chí Tô Lâm và Đảng ủy Công an Trung ương, nếu không có bàn tay sạch và tâm sáng thì không thể làm được.

PV: Theo ông, việc triển khai mô hình mới này của Bộ Công an gặp thuận lợi và khó khăn gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong quá trình hình thành, triển khai mô hình mới này thì Bộ Công an, lực lượng công an có được sự ủng hộ trực tiếp từ Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Đặc biệt, đối với vấn đề này thì vai trò của đồng chí Tổng Bí thư là vô cùng quan trọng. Việc thay đổi mang tính mô hình cách mạng của Bộ Công an đã được thảo luận rất nhiều lần, hết sức cẩn thận và cân nhắc. Vì ngành công an liên quan đến sinh mệnh của Đảng, an ninh của đất nước.

Trước sự đổi mới này, Bộ Công an được người dân quan tâm, ủng hộ và theo dõi sát sao. Bởi, sự đổi mới này không chỉ giúp cho ngành Công an tinh giản bộ máy, giúp lực lượng phục vụ công tác tốt hơn, mà còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước. Người dân ngày càng thấy rõ nét hơn dấu ấn của Thượng tướng Tô Lâm, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, trong từng quyết sách, hành động chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia, hợp tác an ninh quốc tế, chống tội phạm cả bên ngoài và bên trong lực lượng.

Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ được rằng thuận lợi lớn nhất của triển khai mô hình mới này của Bộ Công an là được Đảng và nhân dân ủng hộ.

Tuy nhiên, nếu sáp nhập, bỏ cấp trung gian, sẽ tác động trực tiếp tới hàng chục sĩ quan cấp tướng trong ngành, là những người giữ vị trí tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục trưởng, cũng như các sĩ quan cấp tá các cục, các phòng. Việc tinh gọn, triệt để về tổ chức ở Bộ Công an cũng dẫn tới yêu cầu phải sắp xếp lại nhiều đơn vị thuộc công an cấp tỉnh, thậm chí cấp huyện… Mặc dù đây không phải là việc dễ dàng để thực hiện một cách tổng thể nhưng tôi tin rằng họ sẽ vượt qua được.

PV: Theo Thiếu tướng, để vượt qua khó khăn này thì Bộ Công an và cán bộ sĩ quan công an cần phải làm gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, Bộ Công an và Đảng ủy Công an trung ương cần phải làm công tác tư tưởng cho cán bộ, đặc biệt là những cán bộ sĩ quan liên quan đến quyền và lợi ích của họ trong mô hình mới. Vì vậy việc làm tư tưởng hết sức quan trọng và phải mang tính thuyết phục. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an, nhất là đồng chí Bộ trưởng phải xây dựng quy chế làm việc mới, mỗi mô hình tổ chức phải có quy chế vận hành của nó, xác định rõ ràng quyền và trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng… Tôi cho rằng đây là xương sống của vấn đề mà đồng chí Tô Lâm phải giải quyết.

Qua đó, các sĩ quan công an cao cấp, trung cấp và những người bị đụng chạm tới lợi ích cần phải đề cao trách nhiệm hơn bao giờ hết. Vì đây chính là những người được tôi luyện, đào tạo trong ngành công an, là điều kiện cọ xát để họ thực hiện lời thề danh dự trước khi vào Đảng.

Đề án được triển khai sẽ có cuộc điều chuyển cán bộ, nhiều cán bộ công an ở bộ thì về các các tỉnh, thành phố. Công an các tỉnh, thành phố đưa về quận, huyện. Công an quận, huyện đưa về các xã, phường, tăng cường vùng sâu vùng xa... Làm cho bộ máy trung ương ở bộ gọn hơn, tăng cường cho cơ sở, nắm chắc tình hình. Để vượt qua khó khăn này, Bộ Công an cần tận dụng thuận lợi sự ủng hộ của Đảng, ủng hộ của người dân./.

Tin mới