Tinh gọn bộ máy: Khẩn trương nhưng không nóng vội!

(Baonghean) - Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đang được triển khai tích cực trên toàn tỉnh. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai về nội dung này.

PV: Để thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương (khóa XII), Thị ủy Hoàng Mai đã triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Văn Dũng: Mặc dù không phải là đơn vị thuộc chỉ đạo điểm của tỉnh, song triển khai Nghị quyết số 18, Ban Thường vụ (BTV) Thị ủy đã lãnh đạo thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết tâm chính trị cao. BTV Thị ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tổ giúp việc.

Trên cơ sở các kế hoạch, BTV đã xây dựng kế hoạch chi tiết, các mẫu khảo sát cho tất cả các cơ quan, đơn vị, xã, phường, đảng bộ, chi bộ theo biểu mẫu của tỉnh. Mục tiêu khảo sát là căn cứ hiện trạng trên cơ sở đối chiếu với đề án sắp xếp vị trí việc làm, những nội dung tinh thần Nghị quyết số 18 để từng cấp, tổ chức chủ động xây dựng kế hoạch cho mình. Trong khảo sát, BTV Thị ủy yêu cầu phải đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ ưu điểm của bộ máy hiện nay và những tồn tại, nhược điểm, khó khăn.

Cái quan trọng nhất là chỉ ra những khó khăn, vướng mắc ở đâu, từ đó từng tổ chức tự đề xuất phương án, để BTV Thị ủy, Ban chỉ đạo tổng hợp và ban hành Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo làm cơ sở để thực hiện.

Cán bộ phường Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) trao đổi với người dân. Ảnh: Thành Duy
Cán bộ phường Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) trao đổi với người dân. Ảnh: Thành Duy

Đây cũng là giải pháp để thống nhất tư tưởng của từng tổ chức, cá nhân. Vì sắp xếp lại bộ máy tinh gọn sẽ tác động nhiều mặt về nhiệm vụ chính trị, yếu tố con người, cán bộ, nếu không làm thông về mặt nhận thức ngay từ đầu thì về sau sẽ khó triển khai.

PV: Vậy trên cơ sở khảo sát đó, đến nay tiến độ xây dựng đề án thực hiện của Hoàng Mai như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Võ Văn Dũng: Đến nay, BTV Thị ủy đã 2 lần nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án và tiếp tục nghe và cho ý kiến lần thứ 3 trước khi thông qua. Quan điểm chung trong chỉ đạo thực hiện được BTV Thị ủy xác định là: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng và pháp luật Nhà nước, đảm bảo tính thống nhất lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong sắp xếp bộ máy; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn làm mục tiêu hàng đầu để sắp xếp.

Chúng tôi cũng xác định phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; vừa có tính kế thừa, ổn định, vừa đảm bảo tính đổi mới, phát triển; gắn đổi mới bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế; chú trọng về chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trọng dụng người có năng lực, có tài thực sự.

Khi sắp xếp tổ chức bộ máy phải đảm bảo nguyên tắc, một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, nhất là nêu cao vai trò người đứng đầu.

Tinh thần chung là thực hiện khẩn trương, chắc chắn, những việc rõ thì làm sớm, chưa rõ thì làm thí điểm từng bước, không nóng vội.

PV: Đồng chí có thể cho biết một số mục tiêu cụ thể của thị xã?

Đồng chí Võ Văn Dũng: Từ quan điểm tổng quát, từ năm nay đến năm 2021, thị xã đặt mục tiêu: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm tối đa cấp phó; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.

Thị xã không thành lập thêm phòng, ban, đơn vị trực thuộc cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền thị xã, trừ trường hợp đặc biệt do cấp trên chỉ đạo; không thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trừ trường hợp thật cần thiết do tăng quy mô dân số, học sinh, yêu cầu thật cần thiết trong công tác quản lý Nhà nước; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo lộ trình Đề án đề ra.

Trong thời gian này, thị xã cũng hoàn thành việc bố trí, sắp xếp lại cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền, các đơn vị sự nghiệp thị xã, trọng tâm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế, lao động, thương binh và xã hội; ban quản lý dự án; ban giải phóng mặt bằng; các hội; các trung tâm nghề nghiệp và xã hội; phát thanh truyền hình; giáo dục và đào tạo...

Ví dụ như: Hợp nhất các đơn vị sự nghiệp kinh tế: Trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND thị xã; sắp xếp thống nhất mô hình ở thị xã chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng thực hiện các nhiệm vụ: y tế dự phòng, dân số, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác;… Đồng thời, thị xã cũng sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập các khối, thôn chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Cán bộ phường Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) trao đổi với người dân về công tác quy hoạch. Ảnh: Thành Duy
Cán bộ phường Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) trao đổi với người dân về công tác quy hoạch. Ảnh: Thành Duy

Về biên chế, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến hết năm 2018, 100% các cơ quan, đơn vị hoàn thành xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, khung năng lực từng vị trí việc làm theo quy định.

Hoàng Mai sẽ chú trọng luân chuyển cán bộ, gồm cả luân chuyển từ thị xã xuống và luân chuyển ngang cấp xã với nhau, trong đó thực hiện luân chuyển giữa bí thư đảng ủy hoặc chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, giảm số lượng hoạt động không chuyên trách thấp hơn mức quy định.

Từ năm 2018 - 2021 thí điểm bố trí cán bộ kiêm nhiệm, nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo ở thị xã, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện. Ví dụ như: nhất thể hóa một số chức danh cấp huyện: Chủ nhiệm UBKT cấp ủy với Chánh thanh tra, Trưởng ban Tổ chức cấp ủy với Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng Ban Dân vận cấp ủy với Chủ tịch Ủy ban MTTQ cùng cấp (khi tỉnh có chủ trương triển khai rộng).

Bố trí kiêm nhiệm đối với nhân viên thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư… trong các trường học, chuyển nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học sang trạm y tế cấp xã (trừ khối mầm non); hoặc mỗi đơn vị cấp xã bố trí tối đa 8 người cho các chức danh hoạt động không chuyên trách; thực hiện một văn phòng cấp xã phục vụ chung cho cả Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể…

Về tài chính phấn đấu giảm bình quân 15% ngân sách chi trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 -2015 theo lộ trình của tỉnh…

Trên cơ sở mục tiêu đó, khi ban hành, Đề án sẽ chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng cấp để làm căn cứ lãnh đạo, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Tin mới