Tỉnh Nghệ An chỉ đạo đẩy lùi tín dụng đen

(Baonghean.vn)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh vừa ký văn bản chỉ đạo tăng cường phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), Chi nhánh TCTD trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ đến người dân về các chính sách, chương trình tín dụng, dịch vụ tài chính của ngành ngân hàng.
Trang trại chăn nuôi của gia đình Nguyễn Thị Thảo ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) được vay vốn phát triển sản xuất. Ảnh: Việt Phương
Trang trại chăn nuôi của gia đình Nguyễn Thị Thảo ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) được vay vốn phát triển sản xuất. Ảnh: Việt Phương
 Chỉ đạo các TCTD, Chi nhánh TCTD triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng theo quy định; thực hiện có hiệu quả các hình thức cho vay thông qua các tổ tiết kiệm/ tổ liên kết vay vốn của các tổ chức nhận ủy thác; thẩm định hồ sơ và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân nhằm hạn chế tình trạng người dân tìm đến các nguồn, kênh tín dụng không chính thức, qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như chỉ đạo các TCTD, Chi nhánh TCTD tăng cường công tác kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý các cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời, có hiệu quả với ngành ngân hàng để đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo quy định; đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng để hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 113 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính. Ảnh:Tư liệu
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 113 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, 102 cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính. Ảnh:Tư liệu
Yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng trực thuộc và chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với ngành ngân hàng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất theo đúng quy hoạch nhằm hạn chế rủi ro khi xảy ra hạn hán, mất mùa, mất giá… gây thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại địa phương; hỗ trợ ngành Ngân hàng trong quá trình xác minh, thẩm định nhu cầu vốn chính đáng, cấp bách của người dân nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức; 
UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tăng cường trích ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội theo chỉ đạo tại Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 17/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và Kế hoạch 463/KH-UBND ngày 30/7/2015 của UBND tỉnh Nghệ An.

Tin mới