Tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè ở tp. Vinh (Bài 2): Hệ lụy thực phẩm hàng ăn uống vỉa hè

(Baonghean) - Kinh doanh thực phẩm hàng ăn uống “diện” lấn chiếm vỉa hè, với đa số người là một cách sinh kế bất đắc dĩ... Nhưng rồi, đôi khi được ngụy biện là tiện lợi cho người tiêu dùng; và ngẫm ra, cũng là tiện lợi thật! Có khi, được “đẩy” lên tầm “văn hóa ẩm thực phố”, là nét bản sắc của một đô thị... Nhưng có một “ẩn họa” tiềm tàng cần cảnh báo: mất an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ăn vỉa hè...
Quán hàng giải khát vỉa hè trên đường Lê Hoàn (TP. Vinh).
Quán hàng giải khát vỉa hè trên đường Lê Hoàn (TP. Vinh).
“Loạn” thực phẩm vỉa hè
Khi TP. Vinh chưa có quy hoạch, bố trí các tuyến phố, điểm kinh doanh cho đội ngũ hùng hậu các hàng ăn uống vỉa hè, thì đồng nghĩa họ thuộc “diện” lấn chiếm, và đã là lấn chiếm thì thường xuyên trong tình trạng chờ đuổi thì đi, xong rồi tái lấn chiếm... Cứ thế nên tạm bợ, cẩu thả tất tật, kể cả chụp giật coi thường sức khỏe khách hàng miễn là được lợi; nên việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là không phải bàn cãi!
Cứ sau giờ tan tầm, tại các địa điểm có khoảng không gian, vỉa hè thông thoáng như khu vực trước Trường Đại học Vinh, sân Bưu điện tỉnh, trước cổng công viên Nguyễn Tất Thành, sân bóng phường Hưng Dũng…nhanh chóng “mọc lên” các “quán trời” vỉa hè với đủ loại thức uống từ nước chè thanh nhiệt, nước mía, chanh muối,  trà chanh, chè thập cẩm… Hầu hết là những quán ăn, giải khát lưu động và “địa chỉ” chính là lề đường, lề chợ đông xe cộ qua lại, có khi nằm ngay trên miệng cống! Qua quan sát, có thể thấy đa số các hàng quán vỉa hè không có dụng cụ, cách thức bảo quản nguyên liệu khoa học, vệ sinh mà phơi bày ngay trong làn khói bụi giao thông, dưới tiết trời mùa hè nóng nực. Về khâu chế biến, hiếm khi gặp người bán hàng nào dùng bao tay để chế biến đồ ăn uống cho khách hàng. Khu vực chế biến không phải lúc nào cũng hợp vệ sinh. 
Điểm qua một số loại hình kinh doanh thực phẩm, giải khát vỉa hè “thịnh hành”, trước tiên phải kể đến giải khát nước mía. Thời gian gần đây, máy ép nước mía siêu sạch ra đời thay thế máy ép truyền thống, thu hút được nhiều hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự thật đằng sau cái mác “siêu sạch” lại không “sạch” như ta nhầm tưởng. Loại máy ép này được thiết kế gọn gàng, kín đáo, nhìn bên ngoài không thể trông thấy quy trình ép, dễ lau chùi bên ngoài nhưng thực chất rất khó vệ sinh bên trong. Một người bán nước mía tại khu vực sân bóng phường Hưng Dũng tiết lộ: “Loại máy cũ lộ thiên, người bán mà để bẩn một tí là khách hàng nhìn thấy ngay. Còn với loại siêu sạch được thiết kế che toàn bộ lốc máy bên trong”. Khi được dò hỏi về cách vệ sinh máy ép mía siêu sạch, anh này cũng cho hay, chỉ cần đưa vòi xịt nước vào bên trong máy là được, có muốn chùi rửa kỹ càng cũng khó vì cấu tạo không như các loại máy thông thường.
Chi cục Quản lý thị trường bắt giữ thực phẩm bẩn.
Chi cục Quản lý thị trường bắt giữ thực phẩm bẩn.
Một món ăn vỉa hè khác cũng được lòng các “thượng đế” là đồ nướng. Từ mùa đông vừa qua, số lượng quán đồ nướng vỉa hè trên các tuyến phố nội thành Vinh gia tăng một cách đáng kể. Vào các buổi tối, nhất là ngày cuối tuần, ngày lễ, lượng khách (đa phần là giới trẻ) lui tới những nơi này luôn đông nghịt. Các quán nướng thường bắt đầu kinh doanh từ 17h đến 23h giờ. Tại đây, thực khách được phục vụ từ nầm, chân gà đến các loại nội tạng lợn, bò như lòng, tràng, dạ dày, nõn đuôi, cổ hũ... Mùi vị thơm lừng của những đĩa nội tạng đã được các chủ quán “phù phép” bằng cách tẩm ướp gia vị và phẩm màu. Và món lẩu nướng khá đa dạng, thông dụng nhất là lẩu thịt bò, thịt lợn ba chỉ, mực, sò… giá từ 150.000 - 250.000 đồng/khay. Khi được hỏi về sự an toàn của những món ăn này, một nam nhân viên quán nhậu đồ nướng trên đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh) trả lời hồn nhiên: “Nếu cứ băn khoăn xem chúng có nguồn gốc xuất xứ từ đâu thì chắc sẽ chẳng ai dám đi ăn ở các quán ăn vỉa hè nữa đâu chị ạ...”. 
Điều kiện vệ sinh kém là điều dễ nhận thấy ở hầu hết những hàng kinh doanh ăn uống vỉa hè, song vấn đề đáng quan tâm hơn là “lỗ hổng” kiến thức VSATTP của những người kinh doanh loại hình này. Chủ một hàng cháo, miến lươn trên đường Hồ Sỹ Dương vô tư cho biết: “Những quy định VSATTP là dành cho các nhà hàng, quán ăn lớn, chứ ngồi trên vỉa hè bán nồi cháo cho mọi người ăn sáng như chúng tôi thì tính làm gì”. Trên thực tế, nguyên liệu ở các quán đồ nướng vỉa hè gần như không được “nhà chức năng” quản lý về nguồn gốc, xuất xứ. Nhìn vào lượng khách cũng như lượng thực phẩm mà các quán nướng vỉa hè tiêu thụ, không ít người đặt câu hỏi các chủ hàng lấy đâu nguồn cung cấp nội tạng động vật dồi dào đến vậy, và nguồn gốc của những loại thực phẩm này có an toàn hay không? Và điều đáng lo ngại là đối với các món lẩu, nướng, thức ăn sống đã được tẩm ướp nhiều gia vị nên sau khi chế biến, thực khách khó mà nhận ra liệu có vấn đề gì đối với nguồn nguyên liệu trước chế biến hay không. 
Trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế, nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Nắm bắt được tâm lý đó của khách hàng, các quán hàng vỉa hè “thi nhau” mọc lên mà không cần lo ngại đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại cả... đôi bên!
Mất an toàn vệ sinh thực phẩm hàng ăn uống vỉa hè dường như không là mối bận tâm nhất của người tiêu dùng - chủ yếu là giới trẻ. Em Phan Anh Tuấn, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật cho biết: “Từ đầu hè đến nay, chúng em thường rủ nhau ngồi quán trà đá để uống nước chè thanh nhiệt. Loại nước này vừa mát lại hợp với túi tiền sinh viên; còn chuyện nó có hợp vệ sinh hay không thì tụi em không bận tâm lắm”. Ngay như chị Nguyễn Thị Thúy (y tá khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cũng nói: “Nếu đòi hỏi hợp vệ sinh thì chỉ có ở nhà tự chế biến, còn đã đi ăn ở hàng quán bên ngoài, nhất là quán ăn vỉa hè thì chỉ cần hợp khẩu vị của mình là được, vấn đề vệ sinh đành chấp nhận “khuất mắt cho qua”. Cùng quan điểm trên, chị Lê Thị Phương - giáo viên Trường Mầm non Họa Mi cho hay: “Hầu như cuối tuần nào nhóm bạn chúng tôi cũng có một buổi tụ họp đi ăn vặt, nói chuyện vãn xả stress sau một tuần làm việc. Không nhất thiết chọn hàng này quán kia, hàng vỉa hè cũng được, miễn là có không gian ngồi và không khí cuộc họp mặt được vui vẻ”...
“Nhẹ” nhận thức cộng đồng?
Kiểm soát ATVSTP đối với hàng quán ăn vỉa hè là một bài toán khó, cần có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất của các đơn vị quản lý và nhất là ý thức của người dân. Trong khi các cơ quan quản lý chưa thể “với” tới những đối tượng kinh doanh hàng rong, quán cóc vỉa hè, người dân cần chủ động tự bảo vệ sức khoẻ của mình và cộng đồng bằng cách trở thành những người tiêu dùng thông thái. 
Dưới góc độ dinh dưỡng, lãnh đạo Trung tâm Y tế Thành phố Vinh khuyến cáo: Các trường hợp ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn đường phố sẽ cao hơn trong mùa nắng nóng, do đây là môi trường tốt cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển nhanh. Vì vậy, khi sử dụng thức ăn đường phố, người tiêu dùng cần lựa chọn những điểm bán bằng cách quan sát thực tế như phải được bảo quản kỹ để tránh bụi, tránh ruồi muỗi, nhiệt độ bảo quản phải đảm bảo yêu cầu, nơi bán cách xa nguồn ô nhiễm. Cũng cần chú ý đến thời điểm mua hàng để tránh mua phải thức ăn thừa, tránh mua thực phẩm bảo quản ở những nơi có nhiệt độ không đảm bảo để đề phòng nguy cơ rối loạn tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng.
Theo đánh giá của ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An: “Có một thực tế là công tác kiểm soát ATVSTP ở các quán bán hàng ăn vỉa hè vô cùng khó khăn. Bởi lẽ các quán này chỉ kinh doanh vài, ba giờ buổi sáng hoặc buổi chiều tối và mang tính tự phát "... Thế nên, có thể giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề ATVSTP của hàng ăn uống vỉa hè hiện nay là cải thiện ý thức của người tiêu dùng; có nghĩa là ở mỗi chúng ta. Và, cũng cần hiểu để kiểm soát ATVSTP hàng ăn uống vỉa hè, thì liên quan trách nhiệm rất nhiều cấp, ngành và cả cộng đồng. Phải có giải pháp dài hơi, đồng bộ giải quyết đồng thời mọi hệ lụy về trật tự mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, giải quyết việc làm...   
Ngọc Anh - Thục Anh
Theo Điều 8, Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý thức ăn đường phố quy định: “Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về VSATTP và có giấy xác nhận; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe; người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm; nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh…”.
TIN LIÊN QUAN

Tin mới