Tình yêu và trách nhiệm!

Những ngày gần đây, câu chuyện về một quán cà phê ở Đà Nẵng treo biển từ chối phục vụ khách hàng là trẻ em dưới 12 tuổi đã khiến dân mạng “nổi sóng”. Hàng chục nghìn người tiếp cận, theo dõi, bình luận về thông tin trên và đang tiếp tục gia tăng. Theo đó, dư luận chia làm 2 luồng, một là đồng tình ủng hộ với quyết định từ chối tiếp nhận khách trẻ em dưới 12 tuổi đến quán, cho đó là cách ứng xử có văn hóa, xây dựng một môi trường, không gian quán cà phê văn minh, tiên tiến. Còn ở phía đối lập thì cho rằng, đây là một hành động vô văn hóa, thiếu tính nhân văn, không tôn trọng khách hàng, kỳ thị trẻ nhỏ, gay gắt hơn, có nhiều bình luận còn đả kích, công kích và lên án quán là vi phạm quyền trẻ em; Nhiều người, đa phần là phụ huynh có trẻ em dưới 12 tuổi thì dữ dội hơn khi tuyên bố sẽ tẩy chay quán.

Trước những thông tin, phản ứng đó của dư luận, trả lời báo chí, chủ quán cà phê đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình rằng: “Khi đưa ra quy định như vậy quán biết sẽ mất lòng rất nhiều khách nhưng chúng mình chỉ muốn có một không gian cà phê văn minh, lịch sự, đúng với mục đích ban đầu là thư giãn, làm việc, đọc sách, trò chuyện cùng nhau”.

Và cùng thời điểm này, câu chuyện về cô gái trẻ, có một chiếc laptop bị hư do trẻ chạy đùa, làm đổ cốc nước vào máy ở một quán cà phê. Chiếc máy bị hư hỏng nặng, phải thay main hết gần 10 triệu đồng. Điều đáng nói là phụ huynh của cậu bé làm đổ nước vào máy tính của cô gái kia đã chối bỏ trách nhiệm, cho rằng “Có máy mà không biết bảo quản thì tự chịu”. Câu chuyện trên được cô gái chia sẻ lên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến thể hiện sự phẫn nộ trước sự vô trách nhiệm, vô ý thức của bậc phụ huynh kia.

Hai câu chuyện nhưng chung quy lại là một vấn đề: Trách nhiệm của người lớn với hành vi của con trẻ! Có một Facebooker đã thẳng thừng nêu rõ quan điểm cá nhân, rằng: “Đưa con trẻ vào quán xá: Chắc rằng bạn sẽ quản được các con thì hẵng đưa, hãy biết tôn trọng người khác! Con trẻ vô tư, không ai phủ nhận, nhưng việc thả nổi thành vô ý thức trong tương lai, là lỗi của cha mẹ”. Bạn nghĩ thế nào, vào một sáng Chủ nhật đẹp trời, bạn ngồi cùng người yêu trong một quán cà phê lãng mạn ở một góc phố nào đó, cùng thưởng thức cà phê, cùng tận hưởng sự tĩnh lặng, bình yên thì bỗng một đứa trẻ chạy xộc lại, va vào bàn, làm đổ tung tóe nước, văng vào áo quần…? Bạn nghĩ thế nào, khi bạn mời đối tác đi uống cà phê, bàn công việc làm ăn, đang thương thảo với nhau những điều khoản trong một hợp đồng thì những đứa trẻ nô đùa, nghịch ngợm ném giấy lau, vỏ hạt hướng dương, gây ồn ào và xáo trộn? Bạn nghĩ thế nào, khi bạn vào quán, ở đó, bọn trẻ tự do gõ đũa xuống bàn, gõ thìa vào bát náo loạn; Cho tay vào những thùng đá, vặn vòi ở thùng nước chảy nhoe nhoét, rồi vô tư chạy nhảy, nô đùa thái quá khiến bao thực khách giật mình?…

Các bậc phụ huynh cho rằng, trẻ con có quyền được vui chơi; Cho rằng, “chúng chỉ là những đứa trẻ và những người xung quanh phải bao dung, đừng khắt khe, khó chịu với trẻ”. Nhưng, họ có bao giờ nghĩ rằng, những vị khách đó đến quán là họ đã bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ, họ có quyền được hưởng sự riêng tư, thư giãn chứ không phải là sự làm phiền. Chẳng ai cấm trẻ đến những nơi công cộng. Nhưng vấn đề là người lớn đi kèm trẻ phải quản lý, kiểm soát được chúng, không để cho con trẻ quậy phá, làm phiền người khác. Muốn vậy, ngay từ trong mỗi gia đình, bố mẹ phải rèn cho con ý thức tôn trọng người khác, biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình và giữ gìn trật tự nơi công cộng. Và các bậc phụ huynh, cũng hãy luôn nhận thức được rằng, không phải nơi nào cũng là sân chơi của trẻ, và khi những đứa trẻ gây ra bất cứ sự cố nào thì người lớn đi kèm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.


Bài: Tuệ Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu