Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

(Baonghean) - Nghệ An chỉ có thể có đột phá phát triển thực sự khi tiến hành đạt kết quả tốt công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của bất cứ quốc gia nào (hay địa phương nào) cũng đặt ra một đòi hỏi tất yếu, khách quan là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Nhiều diện tích ở Thanh Chương được sử dụng máy cấy, giải phóng sức lao động. Ảnh Trần Đình Hà
Nhiều diện tích ở Thanh Chương được sử dụng máy cấy, giải phóng sức lao động. Ảnh Trần Đình Hà

Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp đã và đang là một quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, của Đảng bộ và chính quyền Nghệ An. Vấn đề đặt ra là Nghệ An cần làm gì và làm như thế nào để sớm đạt được kết quả. 

Mục đích của tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An là chuyển sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tản mạn, sản xuất hàng hóa nhỏ (có nơi mới đang là sản xuất tự túc, tự cấp) sang một nền sản xuất nông nghiệp tập trung cao, liên kết chặt chẽ mang tính chất sản xuất hàng hóa lớn; Chuyển sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng hạ tầng và kỹ thuật trung bình (có nơi là thấp kém, lạc hậu) thành nền sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng hạ tầng và kỹ thuật tiên tiến, đi đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Với một nền nông nghiệp như thế, mới có sản lượng hàng hóa nông sản lớn, chất lượng tốt, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh cả ở thị trường trong nước, thị trường khu vực và quốc tế.

Việc đầu tiên của tổ chức lại sản xuất nông nghiệp là quy hoạch lại từng tiểu ngành trong nông nghiệp. Về trồng trọt bao gồm cây lương thực, cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây ăn quả, rau… Về chăn nuôi gồm đại gia súc (lấy thịt, lấy sữa), tiểu gia súc, gia cầm; khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt…

Quy hoạch lại phải dựa trên các yếu tố: Điều kiện đất đai, mặt nước, khí hậu thời tiết (có tính đến tác động của biến đổi khí hậu); Thị trường theo dự báo cả thị trường trong và ngoài nước; Liên kết ngành, vùng lãnh thổ, liên kết tạo chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị; Khả năng tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ mới từ sản xuất đến chế biến; Cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần thiết tối thiểu... Có được một quy hoạch tốt là nền tảng xuất phát để thực hiện các việc tiếp theo, từ đó tổ chức lại sản xuất nông nghiệp đạt kết quả mong muốn.

Tiếp đó, là tổ chức liên kết cho sản xuất nông nghiệp. Trước hết là tổ chức liên kết giữa các hộ nông dân với nhau ở trong một quy hoạch, cùng sản xuất một cây, một con nào đó. Sự liên kết này có thể hình thành với nhiều cách thức tổ chức khác nhau: Hợp tác xã (kiểu mới), tổ hợp tác, hội, câu lạc bộ, liên minh… Kế đó, tổ chức liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp (doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp dịch vụ thương mại) để có cơ sở thực hiện chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị. Từ mối liên kết “hai nhà” này mở rộng liên kết với các nhà khoa học và Nhà nước để có liên kết “bốn nhà”. Điều quan trọng là liên kết “hai nhà”, “ba nhà” hay “bốn nhà” phải có cơ sở pháp lý nghiêm ngặt và thông qua các hợp đồng kinh tế cụ thể.

Đồi chè rộng 2 ha trồng được 15 năm ở vùng rú Đất Đỏ của gia đình ông Phi.
Thu hoạch chè bằng máy. Ảnh tư liệu

Tỉnh (và huyện) cần có các cơ chế, chính sách có sức thu hút cao để có ngày một nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Lấy các doanh nghiệp này làm hạt nhân, làm trung tâm cho nông nghiệp của vùng, tạo bước phát triển đột phá cả về quy mô sản xuất lẫn trình độ công nghệ. Việc này đặc biệt có ý nghĩa đối với vùng nguyên liệu tập trung, vùng trung du và vùng miền núi của tỉnh ta.

Cùng với việc tiếp tục phát triển và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, điện gắn với xây dựng nông thôn mới phải tiến hành một cuộc cách mạng cả trong tư duy, nhận thức và hành động về thủy lợi (nhất là khâu tưới); áp dụng càng nhanh càng tốt công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào việc tưới cho các loại cây trồng (điển hình là công nghệ của Israel). Nhất thiết phải vượt qua tư duy và cách làm truyền thống về thủy lợi. Chỉ có cơ sở hạ tầng thủy lợi công nghệ cao mới đối phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra năng suất mới, chất lượng mới cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cho ngành trồng trọt.

Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần là cuộc cách mạng về nông nghiệp, mà còn là một cuộc cách mạng ở nông thôn, cuộc cách mạng đối với nông dân. Từ người nông dân truyền thống trở thành người nông dân hiện đại. Nền nông nghiệp hiện đại “đẻ” ra người nông dân hiện đại. Người nông dân hiện đại kiến tạo ra nền nông nghiệp hiện đại. Với ý nghĩa đó, cần tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa trong nông dân, cho nông dân, của nông dân. Bằng và qua cuộc cách mạng này làm cho nông dân ta vượt qua được tư duy và cách làm nông nghiệp dựa vào kinh nghiệm và thói quen; tiếp cận được với tư duy, cách làm nông nghiệp hiện đại không chỉ về kỹ thuật công nghệ, mà rất quan trọng là tiếp cận được với kinh tế thị trường, kinh tế sản xuất hàng hóa lớn, kinh tế hội nhập sâu, rộng. Do đó, các ngành, cơ quan tư tưởng, văn hóa, cùng tổ chức Hội Nông dân phải vào cuộc chứ không thể đứng ngoài, hoặc chạy quanh quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Tổ chức lại nền nông nghiệp tỉnh nhà, là trách nhiệm chính trị của các tổ chức Đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó giữ vai trò tham mưu và chỉ đạo là 2 sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương. Hai sở này cần kết hợp chặt chẽ để xây dựng các quy hoạch tiểu ngành có chất lượng cao và có tính thực thi tốt. Để có quy hoạch như vậy, hai sở này cần tranh thủ tối đa sự chỉ đạo và hướng dẫn của 2 bộ ở Trung ương; Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các hội chuyên ngành liên quan thuộc Liên hiệp các hội KHKT tỉnh; Tập hợp và lấy ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các doanh nghiệp và đông đảo nông dân (qua tổ chức Hội Nông dân) toàn tỉnh; Học hỏi một số tỉnh bạn để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm...

Trương Công Anh

TIN LIÊN QUAN

Tin mới