Tổ chức ngày Sách Việt Nam để cứu nền văn hóa đọc

Đó là phát biểu của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan tại Hội thảo nội dung và hình thức tổ chức Ngày sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 17-3, tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 21- 4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với nâng cao nhận thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.
Ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo đã giúp những người tổ chức có định hướng triển khai có hiệu quả Ngày sách Việt Nam. Theo Giáo sư Lê Văn Lan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về Ngày sách Việt Nam và đã có một đề án về vấn đề này nên rất thuận lợi cho những người thực hiện. Điều cần phải bàn trong hội thảo là vấn để tổ chức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao.
Giáo sư Lê Văn Lan cho rằng, nếu tổ chức ngày sách Việt Nam tại Văn Miếu sẽ không thích hợp, địa điểm tổ chức cần lưu ý ở những nơi công cộng, có địa hình rộng thì mới phù hợp để nhiều độc giả đến tham dự. Phải xác định, tổ chức ngày sách để cứu nền văn hóa đọc, văn minh đọc, nghĩ của dân tộc Việt Nam lúc này.
Hội thảo nội dung và hình thức tổ chức ngày sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.
Hội thảo nội dung và hình thức tổ chức ngày sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Theo bà Nguyễn Thanh Mai- Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), ngày sách Việt Nam mang tính chất quốc gia lần đầu tổ chức phải tạo ra “quả đấm thép” thì mới thu hút nhiều độc giả. Hơn nữa, hoạt động này phải kéo dài trong một tuần và có nhiều hoạt động điểm nhấn. Lễ khai mạc nên diễn ra vào tối Chủ nhật (20-4). Đây là sự kiện của quốc gia, cộng đồng, khuyến khích phong trào đọc nên lễ công bố phải được tổ chức ở địa điểm ngoài trời, đồng thời, triển khai các hoạt động hưởng ứng tại hệ thống thư viện của 63 tỉnh, thành. Các trường phổ thông, đại học cần phải hưởng ứng nhiệt tình sự kiện này. Phải tôn vinh bốn đối tượng trong Ngày sách Việt Nam gồm: Tác giả, những người làm ra cuốn sách, những người đưa sách báo đến cộng đồng xã hội, bạn đọc. Hơn nữa, 3 cơ quan giữ vai trò chủ đạo hoạt động này phải gồm ba bộ: Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Mối quan hệ giữa báo và sách như anh em ruột thịt, báo tạo điều kiện cho sự ra đời của sách. Báo chí quảng bá để sách đi vào quần chúng nhiều hơn. Ở phương Tây, những quyển sách được quảng bá rộng rãi có sự đóng góp của cơ quan báo chí truyền thông. Việc đầu tiên phải làm lúc này là thành lập ban tổ chức chủ trì Ngày sách Việt Nam, đồng thời, phải tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự kiện này",  nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị.
Ngày sách Việt Nam phải được tổ chức quy mô lớn, khoa học, xây dựng những phố sách... Có như vậy mới thu hút nhiều độc giả và trở thành một ngày hội tao nhã, nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Theo QĐND 

Tin mới