Tô Hiệu là tấm gương sáng về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất

Cuộc đời ngắn ngủi nhưng hào hùng, phẩm chất cách mạng cao đẹp của chiến sĩ cách mạng Tô Hiệu mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu (1912 - 2022), sáng 6/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” với hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì Hội thảo. 

Tô Hiệu là tấm gương sáng về người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo khoa học. (Ảnh: TTXVN)

Ông Tô Hiệu sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, năm 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng tại Nhà tù Côn Đảo, đánh dấu bước ngoặt quyết định con đường hoạt động cách mạng.

Đáng chú ý, trong Cao trào Mặt trận Dân chủ những năm 1936 - 1939, ông đã cùng Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo thành công các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, tổ chức lực lượng và nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng của quần chúng nhân dân và trực tiếp gây dựng cơ sở, phát triển tổ chức Đảng ở các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

PGS.TS Trần Minh Trưởng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, ông Tô Hiệu là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt đóng góp quan trọng trong việc tái lập xứ ủy Bắc Kỳ, tái lập lại cơ sở cách mạng, hệ thống cơ sở đảng. Chính vì thế đã tạo nên một phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ một cách sôi nổi, cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939.

"Vì thế các phong trào cách mạng từ các địa phương của Bắc Kỳ vào Trung Kỳ được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, tạo tiền đề cơ sở, hệ thống cơ sở cách mạng, hệ thống tổ chức đảng lãnh đạo nhân dân ta trong cuộc đấu tranh từ 1936-1939” -PGS.TS Trần Minh Trưởng nói.

Năm 1939, ông Tô Hiệu tích cực chỉ đạo, củng cố hệ thống tổ chức Đảng ở nhiều địa bàn trọng yếu, đưa phong trào cách mạng vùng duyên hải Bắc Bộ phát triển mạnh, gây tiếng vang với nhiều cuộc bãi công của công nhân và quần chúng lao động, đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng trong công nhân ở Hải Phòng và bị bắt giam tháng 12/1939.

Trong lần thứ 2 bị giam cầm, tra tấn, đày ải trong lao tù đế quốc, ông Tô Hiệu tích cực tham gia hoạt động và trở thành hạt nhân lãnh đạo Chi bộ Nhà tù. Ông đã chỉ đạo xây dựng và phát triển tổ chức đảng, cùng các chiến sĩ cộng sản biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, huấn luyện, đào tạo nhiều cán bộ ưu tú góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, khi vào tù, ông Tô Hiệu biết có chi bộ lâm thời và sau đó ông cố gắng thành lập chi bộ chính thức. Ông Tô Hiệu đã thấy được vai trò của Đảng lãnh đạo chi bộ. Đồng thời, trong quá trình lãnh đạo, ông cùng lãnh đạo chi bộ tổ chức hội nhà tù để đấu tranh đòi quyền lợi, biến nhà tù của đế quốc  thành trường học Chủ nghĩa Cộng sản, chính là giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng và ông tuyên truyền để cho tù nhân thấy được chế độ hà khắc, tàn bạo của nhà tù.

Ông Tô Hiệu hy sinh vào ngày 7/3/1944 tại Nhà tù Sơn La, với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tất thắng của cách mạng.

Tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, ông Tô Hiệu là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng hào hùng, phẩm chất cách mạng cao đẹp của ông mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

"Từ một thanh niên yêu nước chân chính, nhiệt thành, ông Tô Hiệu đã đến với lý tưởng cộng sản và trở thành đảng viên cộng sản kiên trung trọn đời phấn đấu hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Dù bị giam cầm, hành hạ trong những nhà tù khét tiếng tàn bạo của thực dân Pháp như Côn Đảo, Sơn La, bị tra tấn hết sức dã man, xong ông đã nêu cao ý chí bất khuất, giữ vững bản lĩnh cách mạng và khí tiết của người cộng sản trước kẻ thù, kiên quyết giữ bí mật về tổ chức đảng và phong trào cách mạng” - ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Hội thảo cũng tập trung luận giải và làm rõ ông Tô Hiệu là người con ưu tú của quê hương Hưng Yên giàu truyền thống văn hiến và tinh thần yêu nước, cách mạng.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của ông Tô Hiệu với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu, xây dựng và phát triển quê hương Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc./.

Tin mới