Tỏa sáng gương học và làm theo Bác trên quê hương Người

(Baonghean.vn) - Mỗi người một ngành nghề, một lĩnh vực, nhưng ở những người dân Nghệ An đều có điểm chung, đó là thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ trong mỗi hành động, việc làm dù nhỏ nhất, với những việc làm ý nghĩa, mang lại hiệu quả cho cộng đồng, xã hội. Họ là những điển hình trong học tập và làm theo Bác cần được lan tỏa, nhân rộng.

LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU 

Là bác sỹ trẻ giữ trọng trách Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh - sọ não - cột sống, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An, anh Trần Văn Biên luôn nêu cao vai trò gương mẫu, tận tâm với người bệnh, được đồng nghiệp tin yêu, bệnh nhân quý mến. Khoa của bác sỹ Biên chuyên đảm nhận các trường hợp liên quan đến: chấn thương sọ não, chấn thương cột sống và tủy sống, bệnh lý các dây thần kinh ngoại biên...

Bác sỹ Trần Văn Biên (giữa phải) thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Thanh Lê
Bác sỹ Trần Văn Biên (giữa phải) thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Thanh Lê

Nhiệm vụ của một bác sỹ ngoài việc tận tụy khám, chữa bệnh cho bệnh nhân còn phải có ý thức tự trau dồi kiến thức, học hỏi từ các đàn anh đi trước để nâng cao trình độ chuyên môn...

Bác sỹ Trần Văn Biên

Chấn thương cột sống - tủy sống là tai nạn phổ biến do ngã từ trên cao, tai nạn giao thông… làm cột sống bị gãy gập. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, có thể dẫn đến tình trạng bị liệt, hạn chế, mất sức lao động… Với tình yêu nghề và mong muốn đem đến cho bệnh nhân những phương pháp điều trị hiệu quả nhất, bác sỹ Biên đã cùng với đồng nghiệp tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới trong điều trị các bệnh lý liên quan đến thần kinh sọ não và cột sống, bệnh lý về thần kinh, cột sống như: Phẫu thuật bắt vít qua da điều trị chấn thương cột sống; phẫu thuật gù vẹo cột sống tự phát; bơm xi măng sinh học tạo hình thân đốt sống…

Đồng thời anh tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao như đề tài: “Đánh giá điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng phẫu thuật lối trước và hàn xương với lồng peek tại Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An năm 2019”. Bác sỹ Trần Văn Biên chia sẻ: Đối với tôi nhiệm vụ của một bác sỹ ngoài việc tận tụy khám, chữa bệnh cho bệnh nhân còn phải có ý thức tự trau dồi kiến thức, học hỏi từ các đàn anh đi trước để nâng cao trình độ chuyên môn, vững tay nghề và ứng dụng khoa học nhằm phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Đặc biệt là phải rèn luyện bản thân thực hiện đúng 12 điều quy định về y đức, nhất là thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.

NHÂN LÊN TÌNH TƯƠNG THÂN TƯƠNG ÁI

Luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, sống tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân, không nề hà vất vả, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, từ nhiều năm nay ông Phan Đình Đường ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, luôn nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình các hộ khó khăn trong xã vươn lên trong cuộc sống.

Vợ chồng ông Phan Đình Đường kiểm tra dây chuyền chế biến chè. Ảnh: Thanh Lê
Vợ chồng ông Phan Đình Đường kiểm tra dây chuyền chế biến chè. Ảnh: Thanh Lê

Khi mình phát triển kinh tế thành công thì mình phải có trách nhiệm đóng góp các phong trào của địa phương nhất là giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phan Đình Đường

Đặc biệt ông Đường được biết đến là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình thi đua yêu nước nhiều năm qua của tỉnh Nghệ An. Ông là một nông dân biết khai thác thế mạnh về đất đai, nguồn nguyên liệu của địa phương, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, mở rộng hệ thống quy mô nhà xưởng sản xuất đến nay gia đình đã có một giây chuyền chế biến chè hiện đại, sản phẩm chè của gia đình được xuất ra nhiều thị trường trong và ngoài nước, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động.

Với 32ha đất rừng trồng cây nguyên liệu, mỗi năm mô hình chế biến tiêu thụ chè công nghiệp xuất khẩu sang các nước khu vực Trung Đông của ông  Phan Đình Đường có doanh thu gần 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. Từ ngày có xưởng chế biến chè của gia đình ông Đường, bà con trồng chè ở vùng Hạnh Lâm rất phấn chấn, bởi chính gia đình ông là đầu mối bao tiêu tin tưởng, có trách nhiệm chứ không ép giá như tư thương ở nơi khác.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Đường còn thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo bằng cách tạo việc làm, cho mượn đất, thành lập tổ nghề nghiệp để hướng dẫn cho họ cách sản xuất, cách thức trồng chè đạt năng suất cao để vươn lên thoát nghèo bền vững. “Khi mình phát triển kinh tế thành công thì mình phải có trách nhiệm đóng góp các phong trào của địa phương nhất là giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vì đó là tình thương, là văn hóa nhân văn của con người Việt Nam”- ông Phan Đình Đường tâm sự.

XUNG KÍCH SÁNG TẠO

Ấp ủ muốn trở về lập nghiệp trên quê hương mình, vừa thực hiện ý tưởng mở nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho người dân xung quanh, anh Hồ Xuân Vinh ở huyện Quỳnh Lưu đã mạnh dạn mở nhà máy sản xuất máy ép gạch không nung tự động hoàn toàn. Năm 2017, anh phát triển dòng máy ép gạch cơ lên dòng máy ép gạch công nghệ thủy lực 2 chiều, nâng công suất ra gạch từ 10.000 viên/ca lên 12.000 viên/ca. Năm 2018 tiếp tục nghiên cứu cải tiến lên đời máy ép gạch thứ 9 với tính năng vượt trội là tự động hoàn toàn. Sản phẩm đã đạt Giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An 2017. Từ 2 dòng sản phẩm ban đầu, hiện nhà máy cơ khí Hồ Hoàn Cầu đã có 9 danh mục sản phẩm; đến năm 2020, máy ép gạch Hồ Hoàn Cầu đã có mặt tại tất cả 63 tỉnh thành, và xuất khẩu đi 7 nước trên thế giới.

Máy tách sợi xơ dứa, bẹ chuối đầu tiên tại Việt Nam vừa được kỹ sư trẻ Hồ Xuân Vinh sáng chế thành công. Ảnh: Thanh Lê
Máy tách sợi xơ dứa, bẹ chuối đầu tiên tại Việt Nam vừa được kỹ sư trẻ Hồ Xuân Vinh sáng chế thành công. Ảnh: Thanh Lê

Với những sáng kiến cải tiến mới trong lĩnh vực sáng tạo công nghệ có ích cho cộng đồng, năm 2017, anh Hồ Xuân Vinh được phụ trách Chủ nhiệm dự án Chống biến đổi khí hậu với đề tài: “Giảm sử dụng đất sét nông nghiệp, giảm khí thải, giảm lượng chất đốt tiêu thụ của sản xuất gạch không nung bằng giải pháp đúc gạch không nung Hồ Hoàn Cầu” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ.

Năm 2018, anh Vinh được Quỹ Tâm Tài tỉnh Nghệ An trao tặng danh hiệu “Tâm Tài”. Ngoài giải thưởng vinh dự trên, anh Vinh còn được Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020, Bằng khen Giải Nhất của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”,… Cùng với hàng nghìn người trẻ khác,  Hồ Xuân Vinh đã và đang học tập và làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thanh niên, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích tham gia phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh còn nhiều nữa những gương điển hình, với những việc làm tốt, ý nghĩa, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, thông qua việc triển khai Chỉ thị 05 đã làm cho nhận thức, ý thức, tâm hồn, nhân cách, trách nhiệm của mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên ngày càng tốt lên, nhân tâm ngày càng trong sáng hơn, góp phần cho xã hội phát triển.

Tin mới