Toàn cảnh Covid-19: Thế giới tiếp tục chao đảo vì đại dịch

(Baonghean.vn) - Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở cấp độ toàn cầu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng bất kể là tại các quốc gia đang phát triển hay là ở các nước giàu.

Ở nhiều nơi, vắc-xin phòng Covid-19 được xem là chìa khóa hữu hiệu để đạt miễn dịch cộng đồng, do đó chiến dịch tiêm chủng đang chạy đua với thời gian hòng kìm hãm số ca dương tính và tử vong ở mức cao chưa từng có từ trước đến nay.

Trên toàn thế giới, đến ngày 15/8 đã ghi nhận 207.547.335 ca nhiễm Covid-19, trong đó 186.044.403 ca đã khỏi bệnh, 17.135.501 ca hiện đang dương tính và 4.367.431 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, theo số liệu đến ngày 12/8, đã có 4.428.168.759 liều vắc-xin được tiêm chủng cho người dân ở các nước, trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt, hạn chế tới mức tối thiểu tổn thất và thương vong trước nguy cơ đặt ra bởi các biến thể nguy hiểm.

Mỹ: Số ca bệnh nhi chạm mức kỷ lục

Xét nghiệm Covid-19 cho học sinh tiểu học tại California, Mỹ hôm 12-8. Ảnh: Reuters
Xét nghiệm Covid-19 cho học sinh tiểu học tại California, Mỹ hôm 12/8. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết, số trẻ em nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục, vượt 1.900 ca trong ngày 14/8 (giờ địa phương). Đáng lo ngại là, các bệnh viện tại các bang phía Nam nước này đang phải gồng mình chống chọi với các ổ dịch do biến thể Delta gây ra.

Theo số liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, biến thể Delta hiện đang lan nhanh trong nhóm dân số chưa tiêm chủng, khiến số ca nhập viện vì Covid-19 tăng cao trong vài tuần trở lại đây. Với 1.902 ca, trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% số trường hợp nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ. Vì trẻ dưới 12 tuổi không được tiêm vắc-xin, nên đây hiện là nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm biến thể mới với tốc độ lây nhanh, mạnh này.

Sally Goza - Cựu Chủ tịch của Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết: “Đây không còn là dịch Covid như năm ngoái. Dịch hiện nay còn khủng khiếp hơn và con em của chúng ta là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất”.

Bên cạnh đó, số liệu từ Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) cũng cho biết, số bệnh nhân mới nhập viện vì Covid-19 trong các độ tuổi 18-29, 30-39 và 40-49 cũng đạt kỷ lục trong tuần qua. Thực tế này làm dấy lên tranh luận về việc liệu có nên quy định đeo khẩu trang đối với trẻ khi tựu trường trong tháng 8 này hay không.

Theo thống kê của Reuters, Mỹ hiện ghi nhận trung bình khoảng 129.000 ca mới mỗi ngày, số trường hợp nhập viện điều trị ở mức cao nhất trong 6 tháng, và bình quân 600 ca tử vong hằng ngày, gấp đôi con số ghi nhận hồi cuối tháng 7.

Các bang Arkansas, Florida, Louisiana, Mississippi, và Oregon có số ca nhập viện vì Covid-19 cao nhất trong tháng này, khiến hệ thống y tế phải hoạt động quá công suất. Tại Florida, các bệnh viện đang cố gắng tăng cường nhân lực và giường bệnh, thậm chí sử dụng cả phòng họp và nhà ăn làm nơi điều trị. Tại Oregon, Thống đốc Kate Brown phải điều động thêm 500 thành viên vệ binh quốc gia để hỗ trợ các bệnh viện quá tải. Tại Mississippi, các nhân viên y tế liên bang đang tăng viện cho các đội ngũ nhân lực thiếu thốn ở địa phương, bố trí trung tâm phân loại gồm 20 giường đặt tại bãi đỗ xe nhiều tầng của Bệnh viện Đại học Mississippi để đáp ứng lượng bệnh nhân Covid-19 quá tải.

Đến ngày 14/8, Mỹ đã phân bổ 415.915.655 liều, tiêm 355.768.825 liều vắc-xin Covid-19 cho người dân. 197.685.048 người tại nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi, và 168.090.925 người đã tiêm đủ liều vắc-xin.

Nga: Số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay

Tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: Reuters
Tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: Reuters

Số ca tử vong hàng ngày vì Covid-19 tại Nga đã ở mức cao nhất từ trước tới nay khi ghi nhận 819 trường hợp hôm 14/8. Trước đó 1 ngày, cơ quan Y tế của Moskva công bố số ca tử vong theo tháng cao nhất tại thành phố này tính từ lúc khởi phát dịch bệnh.

Số ca tử vong theo ngày do virus corona đang trên đà gia tăng sau khi các ca nhiễm đạt đỉnh hồi tháng 7. Giới chức nước này cho rằng, nguyên nhân là bởi biến thể Delta, và bên cạnh đó là tỷ lệ tiêm vắc-xin còn ở mức thấp. Hôm 13/8, Moskva cho biết, tỷ lệ tử vong của thành phố này hồi tháng 7 cao hơn 70% so với trước đại dịch năm 2019 và cao hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, 17.237 ca tử vong tại Moskva trong tháng 7 là con số ghi nhận theo tháng cao nhất từ khi đại dịch bùng phát. 

Các nhà chức trách Nga cho biết, tổng số ca tử vong vì Covid-19 của nước này hiện là 170.499. Ngày 15/8, nước này ghi nhận thêm 21.624 ca dương tính mới, đã giảm nhiều so với đỉnh dịch vào tháng 7, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 6.600.836. 

Australia: Tăng mức phạt vi phạm lệnh phong tỏa trong giai đoạn “kinh khủng nhất” của dịch

Cảnh sát tuần tra trong thời gian áp lệnh phong tỏa để phòng Covid-19 ở Sydney, Australia hôm 12/8. Ảnh: Reuters
Cảnh sát tuần tra trong thời gian áp lệnh phong tỏa để phòng Covid-19 ở Sydney, Australia hôm 12/8. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Australia đã tăng mức phạt đối với những người vi phạm các quy định phong tỏa tại Sydney nói riêng và bang New South Wales nói chung. Cùng với đó, người dân trên toàn bang được yêu cầu ở trong nhà, khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại đây ở mức cao kỷ lục.

Cụ thể, cảnh sát bang sẽ phạt tối đa 5.000 AUD, tương đương 3.700 USD đối với trường hợp vi phạm quy định ở trong nhà, hoặc khai báo không trung thực với đội ngũ làm công tác truy vết tiếp xúc. Trước đó, mức phạt cũ là 1.000 AUD.

Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian thừa nhận bang này nói riêng, Australia nói chung đang trải qua thời kỳ khủng khiếp nhất kể từ khi xuất hiện dịch. Số ca nhiễm cộng đồng ở bang New South Wales tăng kỷ lục 466 ca trong 24 giờ qua, 4 ca tử vong mới, nâng tổng số trường hợp tử vong trong đợt dịch này lên 42 người.

Sydney sẽ khó có thể kết thúc 9 tuần phong tỏa vào ngày 28/8 như dự định, giới chức sở tại cho biết có thể sẽ nới lỏng một số hạn chế trong trường hợp tỷ lệ tiêm chủng đủ và số ca nhiễm giảm. Thống đốc Berejiklian phát biểu: “Chúng tôi sẽ vượt qua điều này, nhưng tháng 9 và tháng 10 tới sẽ rất khó khăn. Đây thực sự là một cuộc chiến, và chúng tôi chưa từng trải qua cuộc chiến nào ở mức độ thế này”.

So với các nước phát triển khác, Australia hiện vẫn có số ca nhiễm Covid-19 thấp hơn đáng kể, lũy kế ghi nhận 38.600 ca bệnh và 952 ca tử vong.

Canada: Lao động khu vực công bắt buộc phải tiêm vắc-xin

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Ontario, Canada. Ảnh: Reuters
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Ontario, Canada. Ảnh: Reuters

Tuần qua, Canada cho biết sẽ sớm yêu cầu toàn bộ nhân viên khu vực công và nhiều người lao động khác phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Nước này đang nỗ lực tăng tỷ lệ tiêm chủng, vốn đã đứng đầu thế giới, trong bối cảnh biến thể Delta gây ra nhiều ca nhiễm mới.

Giới chức Canada cho biết, quy định này cũng sẽ áp dụng với cả người lao động và hành khách đi lại bằng đường không, đường sắt và đường biển. Yêu cầu tiêm chủng đối với lao động khu vực công sẽ bắt đầu từ cuối tháng 10. Đây được xem là cách tốt nhất để chấm dứt đại dịch và cho phép nền kinh tế Canada tiếp tục hoạt động một cách an toàn. Với những trường hợp không thể tiêm chủng vì lý do y tế, sẽ áp dụng xét nghiệm và các biện pháp khác.

Canada hiện có 300.000 lao động khu vực công và hàng trăm nghìn lao động làm việc tại các tập đoàn thuộc sở hữu hoặc do chính phủ quản lý. Nước này đã tiêm chủng mũi thứ nhất cho hơn 82% người dân đủ điều kiện, và 71% dân số trưởng thành đã tiêm đủ mũi. Tuy vậy, số ca dương tính vẫn tăng gấp đôi trong 2 tuần qua trong đợt dịch thứ tư mà biến thể Delta gây ra.

Trung Quốc: Số ca nhiễm cộng đồng giảm ngày thứ tư liên tiếp

Người dân đeo khẩu trang tại ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải hôm 5/8. Ảnh Reuters
Người dân đeo khẩu trang tại ga tàu điện ngầm ở Thượng Hải hôm 5/8. Ảnh Reuters

Ngày 14/8, Trung Quốc cho biết nước này ghi nhận thêm 30 ca nhiễm mới trong cộng đồng, giảm ngày thứ tư liên tiếp, cho thấy khả năng đợt dịch kéo dài suốt tháng qua có thể đang giảm dần. 

Nước này đã ghi nhận 66 ca Covid-19, giảm so với 99 ca ngày trước đó, trong đó có 36 ca bệnh nhập cảnh. Số ca bệnh trong cộng đồng giảm từ 47 ca ngày trước đó xuống mức thấp nhất kể từ hôm 30/7, không có ca tử vong mới. 

Biến thể Delta lây lan tại Trung Quốc đã khiến giới chức nước này kích hoạt các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, bao gồm xét nghiệm đại trà, khoanh vùng các khu vực nguy cơ và hạn chế đi lại tại các thành phố có dịch.

Thái Lan: Số ca nhiễm có thể tăng gấp đôi đầu tháng tới

Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan hôm 15/7. Ảnh Reuters
Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan hôm 15/7. Ảnh Reuters

Lực lượng đặc trách Covid-19 tại Thái Lan cho biết, nước này có thể ghi nhận số ca mắc mới virus Corona tăng gấp đôi, lên thành 45.000 ca mỗi ngày vào đầu tháng 9, kể cả khi duy trì các biện pháp phong tỏa hiện nay. Các nhà chức trách kêu gọi người dân ở nhà để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Thái Lan đang trải qua đợt dịch nặng nề nhất từ trước tới nay, với trung bình 20.000 ca nhiễm mớ, 180 ca tử vong mỗi ngày, so với chưa đầy 70 ca nhiễm mới và số ca tử vong theo ngày ở mức 1 con số cách đây 5 tháng.

Taweesin Wisanuyothin, người phát ngôn lực lượng đặc trách Covid-19 của Thái Lan cho biết: “Lệnh phong tỏa có hiệu quả 20% nhưng các ca nhiễm tiếp tục tăng, dự kiến đạt khoảng 45.000 ca mỗi ngày vào đầu hoặc giữa tháng 9”.

Viện dẫn dự báo của Bộ Y tế, ông này cho biết, nếu lệnh phong tỏa có thể phát huy hiệu quả thêm 5% và các nhóm đối tượng được tiêm chủng nhanh hơn, thì trong 2 tháng nữa có thể sẽ ghi nhận 20.000 ca mỗi ngày.

Thái Lan đã thành công kiềm tỏa Covid-19 trong phần lớn năm 2020, nhưng đợt dịch gần đây nhất do các biến thể Alpha và Delta gây ra đã khiến nước này bị ảnh hưởng nặng nề, trong thời điểm tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp. 

Dịch bệnh đã gây sức ép lên các cơ sở y tế ở thủ đô Bangkok, từ tháng 7 đến nay khoảng 129.000 bệnh nhân đã được chuyển về các tỉnh thành để giảm gánh nặng giường bệnh tại Bangkok. Đầu tuần tới, Thủ tướng Thái Lan sẽ họp với lực lượng đặc trách và có khả năng điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch. 

Indonesia: Số thai phụ tử vong vì Covid-19 tăng 

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại Indonesia. Ảnh minh họa: AP
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại Indonesia. Ảnh minh họa: AP

Indonesia đang cố gắng kiềm chế đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai tại nước này, nhưng các chuyên gia đang lo ngại trước thực trạng số phụ nữ mang thai tử vong vì Covid-19 tại nước này đang trên đà gia tăng. Điều này dẫn tới nhiều nguy cơ về sức khỏe, cũng như lo lắng đối với những người đang nuôi con nhỏ.

Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Indonesia, từ khi dịch xuất hiện, ít nhất đã có 536 trường hợp tử vong là các bà mẹ, chiếm 18% tổng số ca tử vong ở thai phụ tại nước này hiện nay.

Người đứng đầu hiệp hội trên Kusuma Januarto cho biết: “Số trường hợp thai phụ tử vong tăng thấy rõ, và chúng tôi biết rằng biến thể Delta đang lây lan tại Indonesia rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng hiểu rằng phụ nữ đang mang thai có nguy cơ cao”.

Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 5, hiệp hội này đã xét nghiệm cho khoảng 15.000 phụ nữ mang thai tại Jakarta, ghi nhận 1.600 trường hợp dương tính. Ông cho biết thêm, cứ 9 trường hợp thai phụ mắc Covid-19 thì 1 trường hợp có triệu chứng nặng.

Tính đến ngày 14/8, Indonesia đã có hơn 115.000 ca tử vong và hơn 3,8 triệu ca mắc Covid-19.

Tin mới