'Tôi là Dũng - một người con Nghệ An'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Là chuyên gia khoa học sức khoẻ, sở hữu nhiều giải thưởng cao quý nhờ các công trình nghiên cứu khoa học giá trị ở châu Âu, song khi nói về mình, TS Lê Đức Dũng vẫn chỉ miêu tả giản dị: Tôi là Dũng - một người con Nghệ An.

Dù đã sống và làm việc ở Cộng hòa Liên bang Đức nhiều năm, Tiến sĩ (TS) Lê Đức Dũng (SN 1981) vẫn cháy bỏng một tình yêu quê hương, đất nước và luôn nỗ lực hiện thực hóa tình yêu ấy bằng những hoạt động kết nối, thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế hướng về Nghệ An, Việt Nam.

TS Lê Đức Dũng. Ảnh: NVCC

TS Lê Đức Dũng. Ảnh: NVCC

Bắc nhịp cầu gắn kết quê hương

Biết TS. Lê Đức Dũng đã lâu qua nhiều bài viết đăng trên các tờ báo uy tín, song mới đây, khi tình cờ “gặp” anh trên một chia sẻ trong nhóm Nghệ Nhân, tôi mới quyết định bắt chuyện. Là bởi nhận ra cái tình thiết tha của một người Nghệ thành danh trên đất khách, quê người, vẫn không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để bắc nhịp cầu gắn kết những tri thức, công nghệ tiên tiến, hữu dụng với quê hương.

Anh chia sẻ, vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2023, anh sẽ cùng đoàn giáo sư, bác sĩ của Đức về Hà Nội làm việc theo lời mời của Bộ Y tế Việt Nam để bàn thảo các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đức; trong dự án này, phía Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và chuyển giao công nghệ các phương pháp điều trị hiện đại để chữa các bệnh về máu và ung thư… Đây là dự án phi lợi nhuận - thành quả mà anh kết nối được trong suốt 2 năm ròng rã, và mong muốn của TS. Lê Đức Dũng là có một vài bệnh viện ở Nghệ An tham gia vào dự án hữu ích này.

Đây không phải là dự án đầu tiên mà TS. Lê Đức Dũng có vai trò kết nối, thúc đẩy hướng về quê hương. Gần 20 năm sống và làm việc ở Đức, theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực miễn dịch, ung thư và huyết học, TS. Dũng hiểu rằng, đây là chuyên ngành khó và thực tế là tại các bệnh viện ở Việt Nam, chuyên ngành này cũng còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, các dự án mà anh tập trung kết nối chủ yếu là lĩnh vực huyết học và ung thư cho cả người lớn và trẻ em.

Theo anh, qua những dự án như thế, phía Việt Nam sẽ được tiếp cận và học hỏi, ứng dụng các phương pháp điều trị hiện đại, các bác sĩ có cơ hội được tiếp xúc với nền khoa học tiên tiến, mở rộng các mối quan hệ quốc tế chất lượng cao, từ đó, từng bước thiết lập liên kết trong nghiên cứu đào tạo và chuyên môn về lâu dài.

TS Lê Đức Dũng. Ảnh: NVCC

TS Lê Đức Dũng. Ảnh: NVCC

“Khi được tiếp xúc với nền khoa học hiện đại tại châu Âu, tôi luôn nghĩ về Việt Nam, do vậy, tôi đã cố gắng thiết lập các mối quan hệ với các đồng nghiệp tại quê nhà để nắm bắt tình hình phát triển cũng như các nhu cầu về khoa học công nghệ của Việt Nam. Hai mảng này của Việt Nam mặc dù có tiến bộ, nhưng rõ ràng vẫn còn một khoảng cách quá lớn so với các nước phát triển, khoảng cách này chắc chắn không thể rút ngắn nhanh được, mà phải có kế hoạch đầu tư rất lâu dài. Trong đó, mở rộng hợp tác quốc tế chính là cách nhanh nhất và tốt nhất để chúng ta cải thiện và cập nhật nền khoa học của mình. Tìm được đối tác tốt chính là tìm được người thầy tốt, người dẫn đường tốt” – TS. Dũng chia sẻ.

Anh cũng bày tỏ quan điểm: Để xây dựng các mối quan hệ hợp tác hiệu quả bao giờ cũng cần có những người ở giữa xúc tiến. Những người Việt đang học tập và làm việc tại những đơn vị ở nước ngoài chính là những người lý tưởng nhất có thể tác hợp các mối hợp tác, hỗ trợ của nước ngoài dành cho Việt Nam, vì chính họ là những người hiểu cả 2 nền văn hóa, biết rõ tình hình phát triển của cả 2 nước.

Với tâm niệm, không phải sinh sống, làm việc ở quê hương mới tạo ra được những điều tốt đẹp cho quê hương, và đóng góp không nhất định phải chờ đợi những cơ hội lớn lao, từ hơn 10 năm nay, TS. Dũng vẫn luôn hào hiệp sẻ chia những tri thức hữu ích hướng về Việt Nam, như tư vấn, giảng dạy cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh; thường xuyên viết bài đăng trên các tờ báo lớn của Việt Nam về các chủ đề khoa học và giáo dục; thẳng thắn bày tỏ quan điểm mang tính xây dựng về các chính sách y tế, khoa học…

TS Lê Đức Dũng. Ảnh: NVCC

TS Lê Đức Dũng. Ảnh: NVCC

Tự hào là người Nghệ

TS. Lê Đức Dũng sinh năm 1981, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; quê gốc ở huyện Thanh Chương. Sau khi học xong THPT ở Nam Đàn, anh thi đậu vào ngành Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Huế; tiếp đó, đi du học ở CHLB Đức. Chàng trai quê Nghệ ấy đã ghi dấu ấn trên đất khách, khi tại Hannover, CHLB Đức, anh học và tốt nghiệp ngành Sinh học do cả cả 3 trường đại học là Đại học Y khoa, Đại học Thú y và Đại học Tổng hợp cùng đào tạo. Sau đó, anh vinh dự được nhận học bổng toàn phần cho Chương trình Tiến sĩ Sinh Y tại Đại học Y khoa Hannover và Bệnh viện Đại học Saarland, theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu chuyên sâu về miễn dịch học. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, anh chuyển đến Bệnh viện Đại học Würzburg để làm việc và nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên sâu về miễn dịch, ung thư và huyết học.

Nhiều năm làm việc tại nhiều bệnh viện đại học và viện nghiên cứu, anh đã đạt khá nhiều giải thưởng của Đức, châu Âu và Mỹ cho các đóng góp và công trình khoa học. Đặc biệt, vào tháng 3/2021, TS. Dũng được vinh danh với giải thưởng rất uy tín cho công trình khoa học xuất sắc nhất của Hiệp hội ghép tế bào máu và tủy châu Âu (EBMT). Anh cho biết, đó là công trình mà anh và đồng nghiệp nghiên cứu trong 5 năm, cũng là thành quả của cả các hợp tác quốc tế với đồng nghiệp từ Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Marseille (Pháp) và nhiều trường đại học khác tại Đức.

Gần 20 năm sống và làm việc ở CHLB Đức, là một người châu Á có ngoại hình nhỏ bé hơn so với cộng đồng người bản địa, song trong ấn tượng của nhiều đồng nghiệp, đối tác, TS. Lê Đức Dũng luôn là một người đàn ông đáng tin cậy, chững chạc, bền bỉ trong mọi việc. Những đức tính ấy, theo TS. Dũng tự nhận, là thuần túy tính cách Nghệ.

“Dĩ nhiên, một số tính cách Nghệ mà tôi nhận thấy cần điều chỉnh, ví dụ như nóng tính, bảo thủ, quá kiên định: kiên định trong một số thứ thì tốt, nhưng trong các vấn đề liên quan đến kiến thức, học thuật thì nên cởi mở để tiếp nhận cái mới và đa dạng góc nhìn” - TS. Lê Đức Dũng nói.

Đã đón nhiều cái Tết xa quê, năm nay, anh cùng gia đình của mình lại thêm một cái Tết Nguyên đán trên xứ tuyết xa xôi. Dẫu vậy, trong ngôi nhà ấm cúng vẫn được sắm sửa đủ đầy những món ăn, thức quà truyền thống. Xa quê nhưng chẳng cách lòng, trong TS. Lê Đức Dũng, vẫn vẹn nguyên ký ức và tình yêu với mảnh đất nắng gió miền Trung khắc nghiệt nhưng xiết bao nghĩa tình, để rồi dẫu sinh sống, làm việc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, anh vẫn vững một niềm tự hào là người con quê Nghệ.

Tin mới