Tồn đọng hàng trăm án tín dụng, ngân hàng chưa được thi hành

(Baonghean) - Chống đối việc thi hành án, ngăn cản chấp hành viên, bán đấu giá nhiều lần không có người mua, không có tài sản thi hành án... đó là những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự đối với những vụ liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Chuyển 184 án sang kỳ sau

Trong 6 tháng (từ ngày 1/10/2016 đến 31/3/2017), trên địa bàn tỉnh có 202 việc phải thi hành cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng, tương ứng với tổng số tiền 481,6 tỷ đồng, tăng 67 việc và 193 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 170 việc có điều kiện thi hành với số tiền gần 402,3 tỷ đồng; 32 việc chưa có điều kiện thi hành với số tiền xấp xỉ 79,4 tỷ đồng.  

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 18 việc với số tiền thi hành được gần 61,5 tỷ đồng. Như vậy, còn 184 việc phải chuyển kỳ sau, với số tiền hơn 420,1 tỷ đồng. Cùng với đó, cơ quan THADS đã thực hiện việc kê biên, định giá và đang bán đấu giá tài sản đối với 34 việc, với số tiền 133,6 tỷ đồng.

Giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quỳnh Lan
Giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quỳnh Lan

Theo dõi qua các việc thi hành án lĩnh vực tổ chức tài chính, ngân hàng thì đa số các vụ đều liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở nên việc kê biên, xử lý nơi ở của gia đình người phải thi hành án rất khó khăn, thậm chí gặp sự trốn tránh, chống đối quyết liệt của đương sự. Nhiều trường hợp, người phải thi hành án cố tình khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, gây cản trở cho việc tổ chức thi hành án.

Điển hình  vụ Công ty TNHH Hải An phải thi hành trả cho Ngân hàng Công thương chi nhánh Nghệ An 10,1 tỷ đồng, cơ quan THADS mời nhưng đơn vị không đến giải quyết, đến khi cưỡng chế thì đe dọa Chấp hành viên. 

Ngoài ra, còn có những tồn tại khác như tài sản bảo đảm còn lại giá trị thấp do trượt giá và do giá thẩm định cho vay ban đầu của ngân hàng cao hơn giá trị thực của tài sản, khiến THADS gặp khó khăn. Đơn cử, tại Chi cục THADS thành phố Vinh có 9 hồ sơ số tiền phải thi hành án rất lớn hơn 33,1 tỷ đồng, nhưng tài sản bảo đảm thời điểm hiện nay có giá trị thấp hơn rất nhiều. Cơ quan thi hành án đã kê biên, xử lý hết các tài sản bảo đảm và các tài sản khác cũng không thể thu hồi hết số nợ cho ngân hàng (như ở Công ty CP xây lắp điện Tân Thành An, Công ty TNHH Thái Lợi, Công ty CP Việt Thái, Công ty CP chế biến thực phẩm Hoàng Long...).

17 lần bán đấu giá không ai mua

Ông Phạm Quốc Nam - Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho rằng, mặc dù án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ không nhiều (chiếm 2% so với tổng số việc thụ lý), song số lượng tiền chiếm rất lớn (60,7% so với tổng số tiền thụ lý). Trong đó, chủ yếu nhằm vào tài sản thế chấp, bảo lãnh nên quá trình thi hành án gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Vướng mắc chủ yếu hiện nay là do việc xử lý thế chấp phải theo các trình tự, thủ tục phức tạp, đặc biệt là tài sản về đất đai. Hơn nữa, người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách như thay đổi hiện trạng tài sản, không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án... 

Một buổi cưỡng chế thi hành án tại TX. Hoàng Mai. Ảnh: P.V
Một buổi cưỡng chế thi hành án tại TX. Hoàng Mai. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá thi hành án dẫn đến việc khả năng thành công ở lần đầu đưa ra bán đấu giá rất thấp, mà chủ yếu phải đấu giá nhiều lần, nhưng nhiều trường hợp vẫn không có người mua. Mặc dù thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng trong thực tế sự đóng băng kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và tính thanh khoản của thị trường, nhất là thị trường bất động sản nên việc bán tài sản để đảm bảo việc thi hành án còn nhiều hạn chế.

Hiện nay có 34 việc/133,6 tỷ đồng kê biên đang bán đấu giá. Trong đó, có vụ việc bán nhiều lần chưa có người mua như vụ Nguyễn Phan Hà, Nguyễn Thị Thảo (TP. Vinh)  đã bán 17 lần; vụ Hồ Trọng Lương, Trần Thị Thể (Diễn Châu) đã bán 9 lần, vụ Lê Trọng Mão (TX. Cửa Lò) đã bán 10 lần. 

Ngoài ra, một số ngân hàng khi cho vay không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản thế chấp nhưng ngân hàng đã tự xử lý, nay yêu cầu thi hành án nhưng người phải thi hành án không có bất kỳ tài sản nào khác để đảm bảo thi hành án. Một số vụ việc người phải thi hành án đã già cả, bỏ đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, chỉ có tài sản duy nhất là nhà đất mà số tiền phải thi hành án rất ít nên không cưỡng chế đất được.

Tại Chi cục THADS thành phố Vinh có 3 việc, tương ứng số tiền 22,5 tỷ đồng (Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam cho Công ty TNHH Thái Lợi, địa chỉ số 320, đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Vinh) vay số tiền gần 1,7 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam cho Công ty CP Việt Thái, địa chỉ số 2B, đường Lê Lợi (TP. Vinh) vay hơn 2,6 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương chi nhánh Nghệ An cho Công ty CP chế biến thực phẩm Hoàng Long tại số 58, đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh) vay số tiền 18,2 tỷ đồng). Hiện nay các công ty này không còn hoạt động, và cũng không có bất kỳ tài sản nào để đảm bảo thi hành án. 

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Cục THADS tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS các vụ việc có liên quan đến ngành Ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác xử lý nợ xấu; hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; đồng thời tổ chức kiểm tra về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, Cục THADS tỉnh cũng thành lập tổ công tác chuyên về án tín dụng, ngân hàng để đôn đốc, nắm tình hình và kiên quyết xử lý những án còn tồn đọng, vướng mắc. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với việc chậm thi hành án dân sự nói chung và các việc liên quan án tín dụng, ngân hàng nói riêng, kiên quyết xử lý những án còn tồn đọng.

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới