Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII

Sáng 12/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, một số địa phương cùng 497 đại biểu ưu tú đại diện cho trí tuệ, bản lĩnh chính trị, ý chí, niềm tin và nguyện vọng của hơn 45 vạn đảng viên trong Đảng bộ Thành phố.

Phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Đại hội là một sự kiện chính trị rất quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô; đồng thời thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước.

Đại hội sẽ tập trung thảo luận chiến lược phát triển cho thành phố trong giai đoạn tới với mục tiêu “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và Hệ thống chính trị, trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại…

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn thể cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ Thủ đô những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Toàn cảnh Đại hội.
Toàn cảnh Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội với vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, luôn luôn phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó, nhiều việc chưa có tiền lệ.

Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quyết sách của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố vào cuộc sống.

Đặc biệt, Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ đề ra, với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm, trong đó kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,39%, bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD (gấp 1,8 lần bình quân chung cả nước). Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Thủ đô đang ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, tạo động lực quan trọng đối với phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn "nông thôn mới", với nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều tiến bộ; diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.

Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ... đạt được nhiều kết quả quan trọng; Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh của Thủ đô tiếp tục được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh đạt nhiều kết quả tích cực.

"Hà Nội là một trong những đảng bộ đi đầu trong việc thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, 6, 7 khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh trong cấp ủy và tổ chức đảng các cấp.

Công tác củng cố các cơ sở đảng, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có nhiều cố gắng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, tạo nền tảng xây dựng Đảng bộ Thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. 

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Những kết quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó là: Mặc dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nhìn chung chưa tạo được các "đột phá lớn" và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của Thành phố chưa cao. Các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước.

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động, chưa theo kịp thực tiễn. Những chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô.

Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... có những mặt còn hạn chế. Tình hình tội phạm, an ninh, trật tự trong xã hội còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai... chưa được tập trung xử lý kiên quyết, kịp thời, gây bức xúc dư luận; thậm chí còn để xảy ra một số vụ việc phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn, gây hậu quả nghiêm trọng…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội lần này cần đi sâu phân tích, làm rõ nguyên nhân những kết quả, tiến bộ và những yếu kém, khuyết điểm; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp đúng đắn, phù hợp nhằm phát huy ưu điểm, quyết tâm sửa chữa, nhanh chóng khắc phục có kết quả các khuyết điểm, hạn chế; củng cố, tăng cường niềm tin và sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của khí thiêng dân tộc, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Do đó, Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

“Một câu hỏi đặt ra là: Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới? Tôi cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và của Đảng bộ Thủ đô. Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, có nhiều lợi thế, tiềm năng mà không nơi nào có được.

Do đó, Đảng bộ Hà Nội cần phải có tầm nhìn không chỉ là một hay vài nhiệm kỳ, mà phải nhìn xa hơn thế nữa, với những cách làm, bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn cụ thể và phù hợp với tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng hoa cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng hoa cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cùng với tầm nhìn phát triển, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ trong xu thế phát triển chung của đất nước, Hà Nội cần nêu cao hơn nữa ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành; Thực hiện tốt chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Thực hiện hiệu quả thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn.

Làm tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý trật tự xã hội, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, kỷ cương và văn minh đô thị, tăng cường quản lý khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường... Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, gắn với phát huy truyền thống với đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng Đảng.

“Đảng bộ Hà Nội cần đặc biệt chú trọng tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân. 

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật những cán bộ vi phạm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", Hà Nội cần chủ động hơn nữa, tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng với lịch sử nghìn năm văn hiến - anh hùng, thành phố vì hòa bình, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội sẽ nắm bắt và phát huy tốt mọi thuận lợi, thời cơ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

Tin mới