Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự với cử tri về tuổi thơ vất vả của mình

Trò chuyện với cử tri đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, khi học cấp 2, địa phương không có trường học ông phải đi bộ một mình quãng đường xa, trời rét, đi đất để sang học nhờ ở huyện Gia Lâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sáng 8/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 1 gồm 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Tham gia ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 có 5 ứng viên, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu quận Ba Đình đến tất cả các phường trên địa bàn 3 quận.

Trình bày chương trình hành động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, chương trình hành động, kể cả lời hứa nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội đã gửi đến các cử tri nên ông xin không nhắc lại văn bản.

“Trong không khí thân tình, xin được tâm sự ôn nghèo, kể khổ, xin không nhắc lại văn bản đã gửi đến các bác, các anh, các chị” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Tổng Bí thư chia sẻ, ông sinh năm 1944, tức năm Giáp Thân mà “lâu nay, tôi vẫn nói vui, người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, thân em thì ngậm ngùi tuổi Thân”.

Vào năm 1944, lúc bấy giờ đất nước đang khó khăn. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công rất vĩ đại, nhưng “đói ghê lắm”.

Đến năm 1946, toàn quốc kháng chiến, gia đình ông phải tản cư lên Thái Nguyên. 

“Lúc đó, tôi mới 2 tuổi. Mẹ tôi kể lại, lúc đó tôi một bên, chị tôi một bên thúng ngồi, gánh đi bộ từ huyện Đông Anh lên Thái Nguyên ở nhờ nhà người quen” - Tổng Bí thư kể.

Khi 6 tuổi, Tổng Bí thư trở về quê, bắt đầu đi học tại trường ở làng. Sang cấp 2, địa phương không có trường học, nên phải đi bộ sang học nhờ ở huyện Gia Lâm. Để đi học, Tổng Bí thư phải đi bộ quãng đường xa, qua đò sông Đuống. 

“Khi đó, tôi mới 11, 12 tuổi mà đi bộ từ nhà sang Gia Lâm học. Đi một mình, trời rét, đi đất, mặc bộ quần áo nâu, đi qua bãi tha ma sợ lắm.

Nhà không có đồng hồ, chẳng biết giờ nào đi học nên cứ gà gáy thì bố gọi dậy đi” - Tổng Bí thư chia sẻ kỷ niệm.

Ông học cấp 2, cấp 3 ở trường Nguyễn Gia Thiều, rồi đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc, được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp khoa Văn. Sau khi tốt nghiệp, Tổng Bí thư được phân về Tạp chí Cộng sản từ năm 1967. 

Trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kinh qua nhiều chức vụ như: Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư.

Nói về hiện tại, Tổng Bí thư cho biết, năm nay ông đã 77 tuổi, tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua ông đã xin thôi nhưng Ban Chấp hành Trung ương quyết định, Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, bầu giữ chức Tổng Bí thư khóa XIII, là đảng viên được Đảng giao phải chấp hành.

“Lần này, tôi tiếp tục được Trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trước đó, khi tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng - PV), tôi đã nói, có được tiến bộ như thế này là có sự giúp đỡ của Nhân dân, sự giáo dục của Đảng, sự đồng lòng của tất cả các đồng chí, anh em đồng nghiệp” - Tổng Bí thư bày tỏ.

Ông nói thêm, tại quận Ba Đình, ông cũng tiếp xúc cử tri nhiều lần và lắng nghe ý kiến của các cử tri, lần này nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự. “Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình”.

“Bây giờ sức khỏe có hạn, tuổi cao, các bác góp ý kiến. Lần này lại được làm đại biểu Quốc hội thì là vinh dự lớn nhưng vẫn ngậm ngùi tuổi Thân” - Tổng Bí thư chia sẻ.

Tin mới