Tổng Thanh tra: Chưa phát hiện người kê khai tài sản không trung thực

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Sáng 21/9, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, số người đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 là hơn 1 triệu người, đạt tỷ lệ  99,1% so với số người phải kê khai; số bản kê khai đã công khai là hơn 993.000 bản, đạt tỷ lệ 98,9%.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm, chỉ một số ít được yêu cầu xác minh là do trong quá trình công khai có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Đề cập đến quy định nộp lại quà tặng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, qua theo dõi cho thấy, quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, không quy định về chế tài, thiếu khả thi. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế cũng rất khó kiểm soát do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Trong năm 2016 chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Về công tác cán bộ, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. 

Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã xây dựng và phát động thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của hơn 2.100 cơ quan, tổ chức tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện và xử lý 100 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Theo báo cáo trong việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác hơn 5.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực và địa bàn gặp nhiều khó khăn do các quy định về vấn đề này chưa sát với đặc điểm tình hình, cần được xem xét điều chỉnh.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong năm đã có 17 đơn yêu cầu cơ quan nhà nước giải trình. Số đơn đã được giải trình là 17 đơn. Có 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng; đã có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó 5 người bị xử lý hình sự (tăng 1 người so với năm 2015); 5 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 8 người đang xem xét các hình thức xử lý.

Theo báo cáo, việc nâng cao trách nhiệm giải trình và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng theo quy định đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định, nhưng thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. 

Báo cáo về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%.

Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.

Theo Infonet.vn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới