Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Campuchia, trong khi phe Dân chủ giành thêm ghế ở Hạ viện, nội bộ đảng Cộng hòa lục đục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Theo hãng tin CNN, phi cơ chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh xuống Thủ đô Phnom Penh của Campuchia sáng nay (12/11).

Theo hãng tin CNN, phi cơ chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh xuống Thủ đô Phnom Penh của Campuchia sáng nay (12/11).

Dự kiến, ông Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Campuchia Hun Sen trước khi tham dự một số sự kiện quan trọng sẽ diễn ra tại Phnom Penh cuối tuần này, trong đó, bao gồm các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Tổng thống Mỹ Joe Biden đêm 11/11. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden đêm 11/11. Ảnh: AP

“Ông Biden có ý định nâng cao sự tiếp cận của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Do vậy, sự tham gia của ông ấy trong các cuộc họp của ASEAN và EAS vào cuối tuần này sẽ nêu bật những hành động của Mỹ, trong đó, gồm Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố hồi đầu năm nay, cũng như các nỗ lực về đối tác an ninh”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với báo giới có mặt trên chuyên cơ Không lực Một chở Tổng thống Mỹ.

“Ông Biden muốn tận dụng 36 tiếng sắp tới để xây dựng trên nền tảng đó, nhằm thúc đẩy sự tiếp cận của Mỹ hướng về phía trước. Đồng thời, ông ấy cũng muốn đưa ra một loạt các sáng kiến cụ thể và thiết thực”, ông Sullivan nói thêm.

Sau chuyến thăm Campuchia, ông Biden sẽ khởi hành tới Đảo Bali của Indonesia để dự Hội nghị G20. Tại đây, ông dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 14/11.

* Trong khi đó, tại Mỹ, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden được cho vừa giành thêm 2 ghế ở Hạ viện Mỹ, giúp thu hẹp khoảng cách với đảng Cộng hòa (GOP) trong cuộc đua giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này.

Hạ nghị sĩ Dân chủ David Trone (giữa) chào mừng những người ủng hộ tại một sự kiện vào ngày bầu cử giữa kỳ ở Frederick, bang Maryland. Ảnh: The Washington Post

Hạ nghị sĩ Dân chủ David Trone (giữa) chào mừng những người ủng hộ tại một sự kiện vào ngày bầu cử giữa kỳ ở Frederick, bang Maryland. Ảnh: The Washington Post

Theo ước tính của CNN, Hạ nghị sĩ Dân chủ David Trone vừa đánh bại đối thủ GOP Neil Parrott trong cuộc cạnh tranh gay cấn ở quận 6 thuộc bang Maryland. Trong khi, Hạ nghị sĩ Dân chủ Susie Lee cũng chiến thắng đối thủ April Becker trong cuộc đua ở quận 3 thuộc bang Nevada.

Dự báo kết quả bầu cử giữa kỳ vào Thượng viện Mỹ (trên) và Hạ viện Mỹ (dưới) tính đến 19h30 ngày 11/11 (giờ Mỹ). Trong đó, màu xanh biểu thị cho đảng Dân chủ, màu đỏ biểu thị cho đảng Cộng hòa. Đồ họa: CNN

Dự báo kết quả bầu cử giữa kỳ vào Thượng viện Mỹ (trên) và Hạ viện Mỹ (dưới) tính đến 19h30 ngày 11/11 (giờ Mỹ). Trong đó, màu xanh biểu thị cho đảng Dân chủ, màu đỏ biểu thị cho đảng Cộng hòa. Đồ họa: CNN

Với 2 chiến thắng quan trọng trên, tính đến 19h30 giờ miền Đông nước Mỹ ngày 11/11 (7h30 giờ Việt Nam ngày 12/11), đảng Dân chủ có trong tay 200 ghế tại Hạ viện, kém GOP 11 ghế. Với 211 ghế trong tay, đảng của cựu Tổng thống Donald Trump vẫn cần 7 ghế nữa để thâu tóm quyền lãnh đạo cơ quan lập pháp này.

Hai đảng hiện cũng chỉ chênh lệch 1 ghế nắm giữ ở Thượng viện, khiến rất khó dự đoán bên nào sẽ chiến thắng. Việc đảng nào giành quyền lãnh đạo Thượng viện sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử giữa kỳ của 3 bang Arizona, Georgia và Nevada. Trong đó, trận tái đấu giữa các ứng viên thượng nghị sĩ ở Georgia tới ngày 6/12 mới diễn ra.

Nội bộ đảng Cộng hòa lục đục

Nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa có ảnh hưởng đang kêu gọi hoãn cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo GOP tại Thượng viện vào tuần tới.

CNN đưa tin, mặc dù chính khách Mitch McConnell được nhiều người kỳ vọng sẽ dễ dàng tái cử vị trí trên, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo đảng ở Thượng viện lâu nhất trong lịch sử, ông đang phải đối mặt với một số phản đối trong nội bộ GOP.

Cựu Tổng thống Trump (phải) được cho đang tìm cách đổ lỗi cho lãnh đạo GOP tại Thượng viện Mitch McConnell về thành tích yếu kém của các ứng viên cùng đảng ở bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Vanity Fair

Cựu Tổng thống Trump (phải) được cho đang tìm cách đổ lỗi cho lãnh đạo GOP tại Thượng viện Mitch McConnell về thành tích yếu kém của các ứng viên cùng đảng ở bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Vanity Fair

Thượng nghị sĩ Josh Hawley đến từ bang Missouri nói, ông dự định phản đối ông McConnell và đề nghị hoãn bầu lãnh đạo đảng tại Thượng viện để chờ kết quả tái đấu tại Georgia.

Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio công khai quan điểm tương tự trên Twitter, trong khi các thượng nghị sĩ Ron Johnson thuộc bang Wisconsin, Rick Scott của bang Florida và Mike Lee thuộc bang Utah kêu gọi điều đó trong một lá thư lưu hành ở Washington.

“Chúng ta đều thất vọng vì làn sóng đỏ đã không thành hiện thực. Có nhiều lý do khiến việc đó không thành công. Chúng ta cần có những cuộc thảo luận nghiêm túc trong đảng về lý do tại sao và những gì chúng ta có thể làm để cải thiện cơ hội của mình vào năm 2024”, trích bức thư của 3 nghị sĩ GOP.

Một số thành viên cấp cao của đảng như Phó Thống đốc bang Virginia Winsome Sears và Thượng nghị sĩ sắp nghỉ hưu Pat Toomey của bang Pennsylvania lại quy trách nhiệm một phần cho cựu Tổng thống Trump. Bản thân ông Trump đang chịu nhiều áp lực phải hoãn công bố quyết định tái tranh cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng năm 2024 vào ngày 15/11 cho đến khi có kết quả bầu cử chính thức vào Thượng viện.

Một số nguồn tin GOP tiết lộ, ông Trump đang gọi điện cho các đồng minh ở Thượng viện, các quan chức bầu cử và những nhà lập pháp mới đắc cử cùng đảng để đổ lỗi cho ông McConnell về màn thể hiện yếu kém của các ứng viên GOP trong bầu cử giữa kỳ 8/11.

Tin mới