Tổng thống Nga đối thoại trực tuyến với người dân; Đức công bố dự luật đoàn tụ gia đình

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua với nhiều tin tức nổi bật như: Tổng thống Nga V.Putin giao lưu trực tuyến lần thứ 16 với toàn dân; Trung Quốc kêu gọi các nước hỗ trợ truy tìm tội phạm tham nhũng; Iraq không kích mục tiêu IS tại Syria; Đức công bố dự luật đoàn tụ gia đình gây tranh cãi...

Tổng thống Nga V.Putin giao lưu trực tuyến lần thứ 16 với toàn dân

duong day truc tiep voi putin nguoi dan nga quan tam toi kinh te hinh 1
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Sputnik
Ngày 7/6, tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giao lưu trực tuyến, trả lời các câu hỏi của toàn thể nhân dân về các vấn đề họ quan tâm đối với đất nước. 

Đây là cuộc giao lưu trực tuyến đầu tiên của lãnh đạo nước Nga từ khi ông tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư 2018 - 2024 và là cuộc thứ 16 kể từ năm 2001, trong đó, 11 lần ông giao lưu với tư cách Tổng thống và 4 lần với tư cách Thủ tướng nước Nga. Tính đến ngày 6/6, hơn 1,6 triệu câu hỏi đã được gửi đến người đứng đầu đất nước, trong đó người dân Nga quan tâm nhất đến vấn đề hưu trí, tỷ lệ nghèo, giá xăng và bước phát triển vượt trội về kinh tế mà Tổng thống V.Putin đề ra khi nhậm chức. Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu, người dân vẫn được tiếp tục gửi câu hỏi đến. Như vậy Tổng thống V.Putin sẽ giải đáp “tại chỗ” những vấn đề khác nhau nhất trong mọi mặt đời sống. 

Thổ Nhĩ Kỳ phạt tù hơn 2.000 nghi can tham gia đảo chính quân sự 2016

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại Istanbul. Ảnh: AFP/TTXVN
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại Istanbul. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/6 thông báo các tòa án nước này đã tuyên án tù đối với hơn 2.000 đối tượng tình nghi có liên quan đến vụ đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi năm 2016.

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul cho biết 2.140 bị cáo đã bị tuyên án tù và 1.487 người trong số này đã được trả tự do. Dự kiến đến cuối năm 2018, Ankara sẽ hoàn tất các vụ xét xử còn lại.

Trung Quốc kêu gọi các nước hỗ trợ truy tìm tội phạm tham nhũng

Trung Quốc kêu gọi các nước hỗ trợ truy tìm tội phạm tham nhũng

Trung Quốc công bố danh tính của 50 kẻ tình nghi tham nhũng. Ảnh: Caixin Global

Trung Quốc vừa công bố thông tin, hình ảnh của 50 kẻ đào tẩu bị nghi ngờ là tội phạm có liên quan đến thuế vụ và kinh tế. Theo báo cáo từ một Cơ quan phụ trách hồi hương của những kẻ chạy trốn và khôi phục tài sản thuộc nhóm Điều phối Chống tham nhũng Trung ương Trung Quốc, thông tin của những kẻ tình nghi bao gồm giới tính, số chứng minh thư, địa chỉ cũ, ngày trốn khỏi Trung Quốc và tội danh đi kèm.

Tuyên bố cho biết, 23 kẻ đào tẩu có thể đã chạy trốn sang Hoa Kỳ, Canada và New Zealand – những quốc gia có khả năng cao nhất. Phần lớn những kẻ chạy trốn bị nghi ngờ về tham nhũng hoặc hối lộ. Trong số 50 người được công bố, có 21 kẻ đã lẩn trốn hơn 10 năm.

Iraq không kích mục tiêu IS tại Syria

Tổng thống Nga đối thoại trực tuyến với người dân; Đức công bố dự luật đoàn tụ gia đình ảnh 4

Binh sĩ Iraq gác tại khu vực biên giới giữa Iraq và Syria. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Sáng 7/6 các máy bay chiến đấu F-16 của Iraq đã ném bom vào một trung tâm chỉ huy của IS tại thành phố Hajin ở Syria, nơi tập trung các thủ lĩnh và các tay súng của tổ chức khủng bố này. 

Kể từ năm ngoái, được sự chấp thuận của chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và sự hậu thuẫn của liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu, lực lượng không quân Iraq đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào tổ chức khủng bố này tại Syria.

Đức công bố dự luật đoàn tụ gia đình gây tranh cãi

Người di cư chờ làm thủ tục tại trung tâm đăng ký lưu trú ở Berlin ngày 15/10/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
Người di cư chờ làm thủ tục tại trung tâm đăng ký lưu trú ở Berlin ngày 15/10/2015. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/6, tại cuộc họp của Chính phủ Liên bang Đức, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đã trình bày trước Quốc hội Liên bang dự luật về chính sách đoàn tụ gia đình cho người tị nạn sau các cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng qua. Theo dự luật, kể từ ngày 1/8 tới, mỗi tháng sẽ chỉ có tối đa 1.000 người di cư được phép định cư tại Đức với điều kiện họ có quan hệ họ hàng trực tiếp với những người tị nạn đang sống và làm việc tại Đức.

Bộ trưởng Seehofer kêu gọi Quốc hội Liên bang tiến hành các cuộc tranh luận đầu tiên về dự luật, xem xét những quy định mới đối với người tị nạn, trong đó tính đến các khía cạnh nhân đạo và lợi ích của những người được hưởng từ dự luật này.

Đội tiền trạm Hàn Quốc tới Kaesong lập văn phòng liên lạc liên Triều

Khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Nguồn: AFP/TTXVN
Khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Nguồn: AFP/TTXVN

Theo Tân hoa xã, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 7/6 cho biết đội tiền trạm của nước này sẽ đến thăm Kaesong, một thị trấn biên giới của Triều Tiên, để thành lập một văn phòng liên lạc chung với Bình Nhưỡng. Thỏa thuận đã được nhất trí trong các cuộc gặp cấp cao liên Triều trước đó trong tháng này. 

Theo bộ trên, đội tiền trạm gồm 14 thành viên này do Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung dẫn đầu, sẽ đến thăm Kaesong vào ngày 8/6 để tiến hành các cuộc kiểm tra tại chỗ khu công nghiệp liên Triều ở Kaesong khi phía Triều Tiên đã đồng ý với chuyến thăm này. 

Thủ tướng Thái Lan khẳng định vẫn cấm các hoạt động chính trị

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Nguồn: AFP/TTXVN
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha. Nguồn: AFP/TTXVN

Truyền thông Thái Lan ngày 7/6 dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-ocha cho biết các lệnh cấm các hoạt động chính trị sẽ vẫn được giữ nguyên dù tất cả các đạo luật liên quan đến bầu cử đều đã được Tòa án Hiến pháp thông qua.

Tướng Prayut tái khẳng định rằng bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 2/2019 và người dân Thái Lan sẽ có quyền quyết định tương lai của đất nước.

Tuy nhiên nhà lãnh đạo chính quyền quân sự cũng nhấn mạnh đích thân ông sẽ xem xét từng trường hợp các hoạt động liên quan đến bầu cử trong đó có các chiến dịch vận động tranh cử của các đảng phái chính trị để quyết định có cho phép tiến hành hay không.

Tin mới