Tổng thống Pháp với cơ hội ngăn chiến tranh Nga - Ukraine

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine có thể trao cho Tổng thống Pháp Macron cơ hội để giữ vị trí trung tâm trong tiến trình ngoại giao hiện nay và xây dựng một trật tự an ninh mới ở châu Âu.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine bước vào giai đoạn quan trọng trong tuần này. Mỹ đã tăng cường lực lượng ở sườn đông NATO trong khi Moscow sẵn sàng điều thêm binh lính tới biên giới với Ukraine. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, các nỗ lực ngoại giao cũng đang được thực hiện và những giải pháp tiềm năng có lẽ đang bắt đầu hình thành.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: EPA

Ngăn chiến tranh Nga - Ukraine

Ngày 7/2, Tổng thống Biden gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và cùng thời điểm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Moscow trước khi tới Kiev. Trong khi chính quyền Tổng thống Biden duy trì lập trường cứng rắn, Đức cố gắng tránh bị cuốn vào căng thẳng thì Tổng thống Putin kiên quyết yêu cầu phương Tây phải có một câu trả lời rõ ràng cho những yêu cầu về an ninh của Nga. Giữa bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Macron định vị vai trò của bản thân như một nhân vật đóng vai trò trung tâm của chính sách ngoại giao châu Âu. Với Nga, Tổng thống Putin đã đánh giá ông Macron là "một người đối thoại ưu tú".

Các quan chức Pháp nhận định, Tổng thống Macron áp dụng 2 hướng tiếp cận trong cuộc gặp với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Hướng tiếp cận đầu tiên là tận dụng Thể thức Normandy - một nhóm gồm Pháp, Đức, Ukraine và Nga nhằm thúc đẩy thỏa thuận Minsk năm 2015. Đây là tài liệu vẫn còn nhiều mơ hồ nhằm hướng tới đảm bảo lệnh ngừng bắn ở phía Đông Ukraine.

Hướng tiếp cận thứ hai là tham vấn chặt chẽ với Tổng thống Biden nhằm hạ nhiệt căng thẳng, đảo ngược việc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Pháp cho biết, tâm điểm căng thẳng giữa phương Tây với Nga nằm ở việc "mở rộng NATO và kết nạp các nước từng thuộc Liên Xô", điều đã tạo ra "tình trạng bất ổn, vốn cần phải giảm bớt". Quan chức này cũng cho biết, Tổng thống Putin đã trao đổi với Tổng thống Macron rằng ông muốn "một cuộc trao đổi thực chất đi vào trọng tâm của vấn đề".

Trên thực tế, có lẽ Pháp sẽ đi đến nhận định rằng, những yêu cầu của Tổng thống Putin, trong đó có việc đề nghị NATO loại bỏ các nước từng thuộc Liên Xô gia nhập liên minh này, sẽ không thể được đáp ứng. Tuy nhiên, Paris sẽ đề cập đến "trọng tâm của vấn đề" liên quan đến việc thừa nhận rằng, sự mở rộng của NATO đã gây ra mối lo ngại lâu dài với Nga. Không thể có chuyện Romania, Litva và những quốc gia khác vốn đã tham gia vào làn sóng mở rộng NATO sẽ rời khỏi liên minh này, và cũng khó có chuyện NATO hủy bỏ tuyên bố của mình năm 2008 ở Bucharest về việc Ukraine "sẽ trở thành" một thành viên của liên minh.

"Chúng tôi có thể thực hiện một số động thái, chẳng hạn như thừa nhận rằng Tổng thống Putin không hoàn toàn sai khi nêu ra những mối lo ngại của mình", Justin Vaïsse, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Pháp bình luận.

Quan chức này cũng cho rằng: "Ukraine không phải một thành viên NATO và có lẽ sẽ không phải là thành viên liên minh này trong một thời gian".

Định hình trật tự an ninh châu Âu mới

Với ông Macron, cơ hội để dẫn đầu nỗ lực nhằm xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu mới đã đặt ông vào vị trí hàng đầu và trung tâm trong giai đoạn có lẽ là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, chỉ 2 tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Diễn biến hiện nay cũng trao cho Tổng thống Pháp cơ hội để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo lớn hơn đối với toàn châu Âu, cũng như thúc đẩy tầm nhìn của ông về một châu Âu hợp tác nhưng cũng độc lập so với Mỹ.

"Chúng ta muốn một nước Nga hoàn toàn nghiêng về phía Trung Quốc hay một nước Nga cân bằng quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc", Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhận định sau khi Nga và Trung Quốc tuyên bố "không có giới hạn nào" trong quan hệ hai bên, đồng thời kêu gọi NATO "từ bỏ hướng tiếp cận thời Chiến tranh Lạnh".

Tổng thống Pháp Macron hiện có hai mục đích: Đó là ngăn chặn chiến tranh giữa bối cảnh Nga tập trung lực lượng ở biên giới với Ukraine và thứ hai là xoa dịu những lo ngại của Nga về việc NATO mở rộng về phía Đông, với mục đích cuối cùng là đưa Nga vào một hệ thống an ninh châu Âu mới nhằm cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Pháp cần giải quyết việc này một cách thận trọng.

"Một số nước châu Âu, trong đó có Đức, cảm thấy thất vọng với hướng tiếp cận của Tổng thống Macron khi nhà lãnh đạo Pháp chỉ trích họ không làm gì cả. Điều đó đã làm suy yếu lập trường của ông ấy", Jeremy Shapiro, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người hiện là Giám đốc Nghiên cứu thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho hay.

Binh lính Mỹ được điều tới Đông Âu giữa bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine gia tăng. Ảnh: New York Times
Binh lính Mỹ được điều tới Đông Âu giữa bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine gia tăng. Ảnh: New York Times

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron tới Moscow có ý nghĩa quan trọng. Nhà lãnh đạo Pháp, người đã điện đàm với Tổng thống Putin 3 lần trong 10 ngày qua, cho thấy ông sẽ xem xét những mối lo ngại an ninh của Nga, song không từ bỏ ủng hộ chủ quyền Ukraine.

Tổng thống Macron ngày 6/2 đã vạch ra điều ông gọi là hướng tiếp cận "thực tế" trước mối đe dọa chiến tranh, giữa bối cảnh hơn 100.000 binh lính Nga tập trung ở biên giới với Ukraine.

"Mục tiêu địa chính trị của Nga hiện nay rõ ràng không phải là Ukraine mà là làm rõ những quy tắc về việc Moscow sẽ chung sống với NATO và EU như thế nào", ông Macron đánh giá.

Tổng thống Macron muốn khai thác xem rằng liệu những đề xuất của Mỹ vào tháng trước có thể thực hiện bằng các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm thoát khỏi khủng hoảng hay không.

Đề xuất của Mỹ liên quan đến việc minh bạch hơn về triển khai tên lửa ở Đông Âu và kêu gọi các cam kết "có đi có lại" từ Mỹ và Nga nhằm hạn chế triển khai tên lửa và quân đội ở Ukraine. Tổng thống Putin đã bác bỏ hồi đáp của Mỹ về những yêu cầu của ông và gọi những phản ứng này là "không phù hợp".

"Đề nghị kiểm soát vũ trang có thể kết hợp với một số cơ chế tham vấn nhất định đối với những thay đổi về tình trạng của NATO hoặc một số bản ghi nhớ về việc mở rộng NATO hay một vài cách diễn giải mới về thỏa thuận Minsk, cho phép Donbass phủ quyết những gì mà Chính phủ Ukraine thực hiện", ông Shapiro cho hay.

Theo quan chức này, Tổng thống Putin muốn một "tầm nhìn dài hạn" về Ukraine và châu Âu. Điều đó khiến ông Macron phải bước vào một cuộc chơi nguy hiểm khi cố gắng cân bằng "trật tự an ninh châu Âu mới"./.

Tin mới