Tổng tuyển cử Iran: Phép thử khó cho Tổng thống!

(Baonghean) - Cuối tuần qua, nước Cộng hòa hồi giáo Iran tổ chức cuộc tổng tuyển cử quan trọng nhằm bầu ra 290 thành viên mới của Quốc hội cho nhiệm kỳ 4 năm.

Theo giới quan sát, đây được đánh giá là phép thử khó khăn đối với liên minh cải cách và ôn hòa của chính quyền đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021 đang tới gần. Đồng thời, kết quả cuộc tổng tuyển cử lần này được đánh giá cũng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị và chính sách đối ngoại của Iran, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân Iran và mối quan hệ Mỹ - Iran vốn đã nhiều trắc trở.

Một phòng bỏ phiếu bầu Quốc hội Iran ở Thủ đô Tehran ngày 21/2. Ảnh: AFP
Một phòng bỏ phiếu bầu Quốc hội Iran ở Thủ đô Tehran ngày 21/2. Ảnh: AFP

Lật ngược thế cờ

Trái với bầu không khí cuộc bầu cử Quốc hội Iran hồi năm 2016 với chiến thắng vang dội lần đầu tiên sau 12 năm dành cho liên minh cải cách và ôn hòa, cục diện cuộc tổng tuyển cử năm nay tại Iran đã hoàn toàn thay đổi. Ngay trước bầu cử, các nhà quan sát đã nhận định, cuộc tổng tuyển cử lần này là cuộc đua gay cấn giữa phe những người bảo thủ ủng hộ cựu Thị trưởng Thủ đô Tehran Mohammad Bagher Ghalibaf và phe ôn hòa, cải cách của đương kim Tổng thống Hassan Rouhani.

Và không bất ngờ khi theo kết quả sơ bộ do Bộ Nội vụ Iran công bố, những nhân vật trung thành với đường lối cứng rắn của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei khả năng lớn sẽ giành được thế đa số trong Quốc hội. Mặc dù kết quả bầu cử chính thức cuối cùng sẽ phải chờ công bố trong tuần này, nhưng thực tế chưa cần đợi đến cuộc tổng tuyển cử, sự thay đổi thái độ của cử tri với các phe phái trên chính trường Iran đã bộc lộ rõ suốt thời gian vừa qua.

Cử tri Iran bỏ phiếu bầu Quốc hội. Ảnh: Foreign Brief
Cử tri Iran bỏ phiếu bầu Quốc hội. Ảnh: Foreign Brief

Nhìn lại cuộc bầu cử Quốc hội năm 2016, liên minh ôn hòa, cải cách của Tổng thống Rouhani được người dân ủng hộ mạnh mẽ là do chính quyền Tehran khi đó vừa đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc. Sau nhiều năm bị cô lập và trừng phạt, Iran dường như bắt đầu được nới lỏng, mở cửa hợp tác với bên ngoài. Bên cạnh đó, cá nhân ông Rouhani từ khi đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên năm 2013 đã liên tục đưa ra những cam kết cải cách kinh tế, đời sống xã hội.

Cử tri Iran khi đó đều vô cùng kỳ vọng vào “chiến thắng của sự ôn hòa” trước chủ nghĩa cực đoan - vốn đã nắm quyền chi phối hoàn toàn trong rất nhiều năm tại nước này. Kỳ vọng và niềm tin cũng chính là động lực để cử tri tiếp tục bỏ phiếu cho ông Rouhani trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017. Thế nhưng, chiến thắng áp đảo một cách dễ dàng của ông Rouhani cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 đã không đi kèm với việc hiện thực hóa mong đợi của người dân.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và liên minh cải cách, ôn hòa đang vấp phải sự phản đối và chỉ trích của dư luận và chính giới Iran. Ảnh: AFP
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và liên minh cải cách, ôn hòa đang vấp phải sự phản đối và chỉ trích của dư luận và chính giới Iran. Ảnh: AFP

Sau gần 2 nhiệm kỳ Tổng thống, cử tri Iran đã bày tỏ sự thất vọng hoàn toàn với chính quyền ông Rouhani khi chứng kiến nền kinh tế nghèo nàn, các lệnh trừng phạt quốc tế vẫn tiếp tục đè nặng lên quốc gia hồi giáo, khiến nền kinh tế của Iran rơi vào tình trạng khó khăn, lạm phát lên tới 33,5% và tăng trưởng giảm ít nhất 6%. Trong khi đó, quan hệ với Mỹ và phương Tây không những không cải thiện mà còn leo thang căng thẳng cùng những chính sách đối nội, đội ngoại bị đánh giá là sai lầm.

Cao điểm của sự bất mãn là các cuộc biểu tình chống chính sách tăng giá xăng dầu của chính phủ bùng phát vào cuối năm ngoái trên toàn quốc, với sự tham gia của hàng triệu người. Chưa hết, cuộc tổng tuyển cử Iran lần này còn diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối diện không ít các vấn đề nghiêm trọng, như dịch Covid-19 khiến ít nhất 6 người thiệt mạng; hay sự việc Iran hôm 11/1 vừa qua thừa nhận đã vô tình bắn rơi máy bay của hãng hàng không Ukraine làm toàn bộ 176 người thiệt mạng. Sự việc đã thổi bùng ngọn lửa chống chính quyền, đặc biệt sau cái chết của Tướng Qasem Soleimani - một biểu tượng sức mạnh của Quốc gia Hồi giáo. Đáng nói là sự việc được cho là hậu quả của căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ - Iran dưới thời Tổng thống Hassan Rouhani, làm dấy lên tinh thần “chống Mỹ” mạnh mẽ trong toàn quốc.

Người Iran tưởng nhớ tướng Soleimani khi ông bị ám sát. Ảnh: New York Times
Người Iran tưởng nhớ tướng Soleimani khi ông bị ám sát. Ảnh: New York Times

Cánh cửa khép dần

Bất chấp kết quả bầu cử cuối cùng sẽ còn phải đợi Hội đồng Giám hộ Iran phê duyệt và thông qua, nhưng với việc hàng loạt ứng viên phe ôn hòa đã bị truất quyền ứng cử; cộng thêm thực tế xã hội Iran hiện nay, chiến thắng của phe bảo thủ đã gần như chắc chắn. Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp liên minh bảo thủ tại Iran giành chiến thắng đúng như dự đoán, cánh cửa sẽ dần khép lại trong quan hệ giữa Mỹ và Iran, với thỏa thuận hạt nhân lịch sử và với cả tương lai chính trị của cá nhân Tổng thống Hassan Rouhani, khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2021 đang đến gần.

Cần nhắc lại, Quốc hội Iran là cơ quan chịu trách nhiệm thông qua luật pháp, phê duyệt ngân sách hàng năm, phê chuẩn các hiệp định và hiệp ước quốc tế, bỏ phiếu bất tín nhiệm bộ trưởng thậm chí luận tội Tổng thống. Tất nhiên sau đó, tất cả các đạo luật sẽ cần được thông qua tại Hội đồng Bảo vệ và Tổng thống phê chuẩn. Nhưng theo giới quan sát, việc phe bảo thủ, cứng rắn chiến thắng giành thế đa số trong Quốc hội sẽ khiến Tổng thống theo đường lối ôn hòa Rouhani khó khăn trong việc thực hiện mọi quyết sách. Từ việc bổ nhiệm thành viên nội các, thông qua các kế hoạch cải cách kinh tế, tài chính… Tất yếu, ông Rouhani đã nhìn thấy trước những bất lợi trong cuộc đua vào vị trí Tổng thống cho nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 2021, dù ít nhất đã 2 lần ông từ chối và bác bỏ việc từ chức trước sức ép của dư luận thời gian qua.

Quan hệ Mỹ - Iran dự kiến sẽ gia tăng căng thẳng nếu phe bảo thủ giành thế đa số tại Quốc hội Iran. Ảnh: CNN
Quan hệ Mỹ - Iran dự kiến sẽ gia tăng căng thẳng nếu phe bảo thủ giành thế đa số tại Quốc hội Iran. Ảnh: CNN

Bên cạnh đó, dù Quốc hội được đánh giá là có vai trò khá hạn chế trong các vấn đề đối ngoại của Iran, nhưng rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại gây áp lực tâm lý, áp đặt trừng phạt đối với các quan chức Iran ngay trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Bởi một khi phe bảo thủ trở lại nắm quyền kiểm soát Quốc hội, xu hướng chống Mỹ sẽ được “hồi sinh”, khiến quan hệ Mỹ - Iran trở nên khó đoán định. Thậm chí, thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được năm 2015 cũng có khả năng bị chính Iran phá bỏ, do phe bảo thủ chắc chắn sẽ không ủng hộ bất kỳ cuộc đàm phán mới nào giữa Iran và phương Tây.

Đó là chưa kể, xu hướng cứng rắn nếu trở lại sẽ khiến Iran một lần nữa khắt khe và cảnh giác với thế giới như cả một giai đoạn dài “đóng cửa” trước kia. Điều này chắc chắn sẽ khiến không chỉ Mỹ - Iran mà cả các trục quan hệ tại Trung Đông, các hồ sơ nóng khu vực có sự can dự của Iran sớm muộn cũng sẽ có những biến chuyển khó lường!

Người dân Iran đang muốn sự thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ảnh: CNN
Người dân Iran đang muốn sự thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ảnh: CNN

Tin mới