Tốt nghiệp loại giỏi, cử nhân sư phạm về xứ núi trồng rừng, phát triển chăn nuôi

(Baonghean.vn) - Tốt nghiệp cử nhân sư phạm loại giỏi, chàng thanh niên vùng đất đỏ Nghĩa Đàn (Nghệ An) không theo đuổi nghiệp “gõ đầu trẻ” mà trở về quê trồng rừng, phát triển chăn nuôi và có nguồn thu nhập lớn.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường lên đỉnh đồi, xung quanh là những vườn keo ngút ngàn, anh Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1990) ở xóm 6, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) cho biết: “Đất ở đây phù hợp với cây keo lai, chỉ cần đầu tư khoảng 10 - 12 triệu đồng/ha, 5 năm sau có thể lãi 60 – 70 triệu đồng”.  

Nguyễn Mạnh Tuấn phát cây, chăm sóc vườn keo. Ảnh: Minh Thái
Nguyễn Mạnh Tuấn phát cây, chăm sóc vườn keo. Ảnh: Minh Thái

Cũng như bao bạn trẻ khác, khi còn học phổ thông, trong suy nghĩ của Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ có con đường học vấn mới giúp mình vững bước trên đường đời. Nhưng khi tốt nghiệp ngành Sinh học (Trường ĐHSP Hà Nội) với tấm bằng loại giỏi, năm 2013, Tuấn lại quyết định từ bỏ giấc mơ bục giảng, trở về quê hương để trồng rừng và phát triển chăn nuôi.

Nguyên do bắt nguồn từ việc Tuấn nhận thấy quê mình đất đai, đồi núi nhiều, là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, từ khi còn nhỏ Tuấn đã cùng bố mẹ lên rừng, phát quang hàng chục ha đất trống, đồi trọc của gia đình nhận khoán. Anh bàn với bố mẹ tiếp tục đầu tư cải tạo rừng già, phía trên cùng trồng các loại gỗ quý như: lim, lát và keo lai, bạch đàn.

Đến nay, sau gần 4 năm Tuấn cùng với gia đình cải tạo trồng được hơn 10 ha rừng với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, anh còn lập trang trại chăn nuôi, đầu tư nuôi 3 lứa lợn mỗi năm (mỗi lứa 70 con), chọn giống lợn chắc thịt, thơm ngon để thuận lợi trong khâu tiêu thụ.

Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ: “Trước đây, tôi nghĩ phải học đại học mới có tương lai, nhưng có bằng đại học lại khao khát được làm giàu trên mảnh đất quê hương. Điều đó thôi thúc tôi về quê trồng rừng, và tôi nghĩ đó là sự lựa chọn sáng suốt”.

Mỗi năm Tuấn xuất bán 1.000-1.200 con gà, thu về 120-150 triệu đồng. Ảnh: Minh Thái
Mỗi năm Tuấn xuất bán 1.000 -1.200 con gà, thu về 120-150 triệu đồng. Ảnh: Minh Thái

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Mạnh Tuấn còn là một cán bộ Đoàn năng động, nhiệt huyết trong các phong trào ở địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thu Hướng – Bí thư Đoàn xã Nghĩa Thịnh cho biết: “Tuấn là người cần cù, chịu khó và có chí làm giàu, là tấm gương trong phong trào lập thân, lập nghiệp và cũng là một cán bộ đoàn gương mẫu”.

Tin mới