TP HCM sắp chi 3.200 tỷ đồng để tăng thu nhập cho cán bộ

Người hoàn thành tốt, hoặc xuất sắc nhiệm vụ, được tăng thu nhập gấp 0,6 lần trong năm nay, đến năm 2020 sẽ tăng 1,8 lần.

Ngày 9/11, tại hội nghị triển khai Quyết định của UBND TP HCM về ủy quyền và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội), Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết, tổng dự toán để chi cho việc này khoảng 3.200 tỷ đồng.

Trong đó khối quận huyện là 1.980 tỷ đồng, còn lại là khối hành chính sự nghiệp của thành phố. Con số này là chỉ tính trong năm nay, dự tính năm 2019 sẽ là 7.236 tỷ đồng. Tiền được lấy từ các nguồn: cải cách tiền lương năm trước chuyển sang; cải cách tiền lương trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm; ngân sách cấp huyện, thành phố...

Theo Nghị quyết của HĐND thành phố ban hành hồi tháng 3, cán bộ xuất sắc được tăng tối đa 0,6 lần mức chi hiện tại. Năm sau là 1,2 lần và gấp 1,8 lần vào năm 2020. Việc chi thu nhập tăng thêm sẽ được tính từ quý II năm nay.

3.200 tỷ đồng chỉ là con số dự toán mà Sở Tài chính đưa ra, vì còn 13 đơn vị, quận huyện chưa nộp dự toán về cho sở. Hiện, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của thành phố là khoảng 130.000 người, chưa kể cán bộ không chuyên trách ở các phường, xã, thị trấn.

TP HCM sắp chi 3.200 tỷ đồng để tăng thu nhập cho cán bộ ảnh 1

Mỗi công chức của TP HCM phải phục vụ 700 người. Ảnh: Tuyết Nguyễn.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm, căn cứ chi thu nhập tăng thêm dựa trên đánh giá của người quản lý trực tiếp cán bộ. Ở cấp sở, Giám đốc sẽ đánh giá cấp phó, còn Giám đốc sở sẽ do UBND thành phố đánh giá qua sự tham mưu của Sở Nội vụ.

Tiêu chí đánh giá theo thang điểm 100 với 4 mức xếp loại. Tuy nhiên, chỉ có 2 mức hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới được chi thu nhập tăng thêm. Quy trình đánh giá là: người được đánh giá tự đánh giá mình, đồng nghiệp tham gia đánh giá và quyết định cuối cùng là phiếu đánh giá của thủ trưởng. 

"Việc đánh giá dựa trên các tiêu chí cơ bản, tùy theo điều kiện, đặc điểm công việc nhưng thực hiện trên nguyên tắc giao việc cụ thể, đánh giá cụ thể. Vì vậy người quản lý không nên giao việc chung chung", ông Lắm nói.

Công chức TP HCM có năng suất làm việc gấp đôi các tỉnh thành

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, do dân số thành phố đông nên mỗi công chức phải phục vụ 700 người (trung bình cả nước là 350) nên công việc của cán bộ là rất nhiều.

"Việc triển khai đề án thu nhập tăng thêm là động lực cho cán bộ, công chức phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn", ông Nhân nói và đề nghị hết quý 1 năm 2019 sẽ sơ kết việc thực hiện đề án này. 

Mục đích của việc ủy quyền là để người dân được đáp ứng các quyền mà pháp luật cho phép tốt hơn, doanh nghiệp thì kinh doanh thuận lợi, hiệu quả hơn. "Các sở ngành nên chủ động thực hiện sổ tay hướng dẫn các việc được ủy quyền, để cán bộ nắm chắc khi giải quyết công việc", Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị.

Yêu cầu các đơn vị chuẩn bị nguồn nhân lực, tập huấn để đáp ứng nhiệm vụ được giao, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm khẳng định đây là trách nhiệm rất nặng nề nhưng sở ngành phải làm để lãnh đạo thành phố tập trung làm việc khác. Ông lưu ý việc đánh giá cán bộ phải thật chuẩn xác, nếu không sẽ gây tình trạng so bì, bằng mặt nhưng không bằng lòng.

"Đơn vị nào để xảy ra dư luận không tốt thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố", ông Liêm nhấn mạnh.

Thống kê từ năm 2013 đến 2017 cho thấy, năng suất lao động của TP HCM gấp 2,7 lần bình quân cả nước; năng suất phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gấp 1,5 lần. Tuy nhiên, tổng thu nhập của công chức TP HCM đang được áp dụng như cả nước - chưa tương xứng, chưa đáp ứng được mức chi phí sinh hoạt thực tế tại thành phố.

Tin mới