TP Vinh: Giá cho thuê hạ thấp kỷ lục, nhiều ốt kinh doanh vẫn phải đóng cửa

(Baonghean) - Dù chưa xuất hiện ca nhiễm Covid -19 nào nhưng thời điểm này nhiều cửa hàng kinh doanh tại TP.Vinh đã ế ẩm. Trong số đó không ít cửa hàng buộc phải đóng cửa. Nhiều chủ ốt đã hạ giá thấp xuống mức kỷ lục nhưng cũng khó tìm được khách thuê.

Ra tết, vợ chồng chị Lê Thị Mai, phường Bến Thủy vay mượn tiền mở shop bán quần áo tại tuyến đường Võ Thị Sáu (TP.Vinh). Vốn là tuyến đường có đông sinh viên, người qua lại đông đúc nên chị Mai hy vọng công việc kinh doanh của mình sẽ gặp thuận lợi trong năm 2020. Tuy nhiên, chỉ mới khai trương khoảng 1 tháng thì chị đã phải tạm ngừng kinh doanh do hàng quán ế ẩm.

Dãy ki ốt đóng cửa im lìm tại phường Trường Thi, TP. Vinh vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Q.A
Dãy ki ốt đóng cửa im lìm tại phường Trường Thi, TP. Vinh vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Q.A

Chị Mai thở dài: “Vợ chồng tôi góp được 100 triệu đồng, vay mượn thêm để có vốn làm ăn nhưng từ thời điểm ra tết đến nay, lượng khách chỉ lác đác vài ba người mỗi ngày, hàng quán ế ẩm nặng. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng hợp đồng 6 tháng đã tốn mất 30 triệu đồng. Tôi đã phải đóng cửa hàng và gặp chủ nhà để yêu cầu giảm số tiền thuê ốt, nếu không thì chúng tôi sẽ trả ốt chứ không thể kinh doanh tiếp trong tình cảnh này được…”.

Không chỉ chị Mai mà đó là tâm lý chung của rất nhiều chủ cửa hàng trên địa bàn TP.Vinh. Hầu hết họ đều nhận định rằng, chưa có năm nào tình hình kinh doanh lại ảm đạm như năm nay, đa số các ki ốt đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, số còn lại thậm chí đã hoàn trả mặt bằng để tìm kiếm con đường làm ăn khác. Để tránh thua lỗ kéo dài, nhiều chủ hàng kinh doanh buộc phải đóng cửa hàng để giảm thiểu các chi phí về mặt bằng, điện, nước, tiền công nhân viên... và chuyển hướng tăng cường sang bán online. Các biển chuyển nhượng, cho thuê ốt kinh doanh xuất hiện khắp các tuyến đường. 

Tại phường Hưng Bình, mặc dù là một trong những phường trung tâm của TP.Vinh, có mật độ dân cư đông, lượng người mua bán tấp nập thì nay cũng chịu cảnh đìu hiu, vắng vẻ. Theo thống kê, toàn phường có 319 ki ốt kinh doanh, tuy nhiên có đến 70% số ki ốt đang trong tình trạng “sống mòn” vì kinh doanh ế ẩm. Trong 1 tuần qua đã có có 42 hộ dân đến trụ sở phường để nộp đơn xin nghỉ kinh doanh vì không thể trụ nổi.  

Ông Hồ Viết Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Bình nhận định: “Nếu thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp thì số lượng ki ốt nghỉ bán, tiểu thương làm đơn xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh sẽ còn nhiều hơn, kéo theo việc thu các khoản thuế phí để nộp vào ngân sách sẽ không thể đạt chỉ tiêu đề ra”.

Các tấm biển cho thuê ốt xuất hiện nhiều trên các tuyến đường nhưng không có người thuê. Ảnh: Q.A
Các tấm biển cho thuê ốt xuất hiện nhiều trên các tuyến đường nhưng không có người thuê. Ảnh: Q.A

Cũng do thị trường ảm đạm mà hiện nay, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.Vinh cũng đang “chạm đáy”. Tại các tuyến đường lớn tại TP.Vinh, giá thuê mặt bằng dao động trên 10 triệu đồng/tháng thì nay đã giảm từ 2 - 3 triệu đồng/tháng tùy vào diện tích.

Đơn cử như tại tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, tuyến phố kinh doanh sầm uất bậc nhất trên địa bàn TP.Vinh hiện cũng đang bị “ngấm đòn” do ảnh hưởng từ Covid-19. Nếu như thời điểm đầu năm 2020, giá cho thuê mặt bằng tại đây dao động từ 15 - 50 triệu đồng/tháng, tùy vào vị trí, diện tích, số tầng thuê thì nay đã giảm mạnh, hiện chỉ từ 10 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đây vẫn là con số cao so mới mặt bằng chung và rất ít người dám bỏ ra thuê vào thời điểm này.

Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất TP.Vinh cũng ế ẩm, vắng lặng. Ảnh: Q.A
Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất TP.Vinh cũng ế ẩm, vắng lặng. Ảnh: Q.A

Để cùng chia sẻ khó khăn với người kinh doanh, nhiều chủ cửa hàng ngoài giảm giá cho thuê xuống mức thấp còn giãn thời hạn nộp tiền thuê ốt cho người thuê để họ tiếp tục vững tâm kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

Tin mới