TP. Vinh thiếu máy móc kiểm định thực phẩm an toàn

(Baonghean.vn) - Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh nêu thực trạng, hiện nay thành phố thiếu máy móc, thiết bị để phát hiện nhanh khi lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm.

Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh giải trình nhiều nội dung về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Nam Phúc
Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh giải trình nhiều nội dung về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Nam Phúc

Vấn đề này được ông Sơn trao đổi tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP Vinh khóa XXI. Trước đó, các đại biểu tại kỳ họp chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh nhiều vấn đề “nóng” như: kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đến người tiêu dùng, việc xử phạt, hậu kiểm sau khi xử phạt các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm có được chặt chẽ hay không? Tình trạng bán đồ ăn vặt tràn lan trước các cổng trường, người dân buôn bán thực phẩm ở các ngõ ngách trong thành phố…

Các đại biểu cũng đề nghị thành phố cần công khai danh sách các cơ sở sản xuất thực phẩm “bẩn” và cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn để người dân theo dõi và yên tâm sử dụng.

Báo cáo giải trình nội dung trên, ông Sơn cho biết, hiện nay toàn TP. Vinh có hơn 32.000 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống… và 14 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Về kiểm dịch thú y, tại các lò mổ đạt 200 con lợn/ngày đêm/lò (đạt tỷ lệ 80%) và 35 con bò/ngày đêm/lò (đạt tỷ lệ 85%).

Trong hai năm 2016 - 2017, đoàn liên ngành thành phố và các xã, phường đã kiểm tra hơn 1.000 cơ sở, xử phạt 270 cơ sở với số tiền gần 400 triệu đồng.

TP Vinh kiểm dịch thú y tại các lò mổ đạt 200 con lợn/ngày đêm/lò (đạt tỷ lệ 80%). Trong ảnh, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Vinh. Ảnh: Nam Phúc
TP Vinh kiểm dịch thú y tại các lò mổ đạt 200 con lợn/ngày đêm/lò (đạt tỷ lệ 80%). Trong ảnh, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Vinh. Ảnh: Nam Phúc

Ông Sơn thừa nhận, công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép (hậu kiểm) chưa được thường xuyên, yếu kém và mang tính thời vụ; tình trạng kinh doanh thực phẩm tươi sống trên vỉa hè, lòng đường chưa được xử lý triệt để. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm còn hạn chế.

Theo ông Sơn, một trong những nguyên nhân “bất khả kháng” không chỉ TP. Vinh mà cả tỉnh đang gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm là thiếu phương tiện, máy móc kiểm định thực phẩm an toàn.

“Việc kiểm tra thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh chế biến chủ yếu mang tính chất hành chính, căn cứ vào giấy tờ đăng ký kinh doanh của họ. TP Vinh đang hướng đến đô thị loại 1 thế nhưng suốt nhiều năm qua chúng tôi kiến nghị với tỉnh xây dựng trung tâm kiểm định thực phẩm quy mô vùng vẫn chưa được. Các phương tiện, máy móc để phát hiện nhanh kết quả khi lấy mẫu các loại thực phẩm chưa có, buộc phải gửi mẫu ra các trung tâm của Trung ương, chi phí cao và mất nhiều thời gian” - ông Sơn nói.

Đề cập đến một số giải pháp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian tới, ông Sơn cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường xử phạt các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, mức phạt sẽ tăng lên 10 lần theo bản cam kết nếu các cơ sở tái phạm; thậm chí cần thiết có thể hình sự hóa mới đủ sức răn đe; xây dựng vùng quy hoạch sản xuất tập trung. Đặc biệt, cộng đồng người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh cũng cần nâng cao nhận thức và “nói không với thực phẩm bẩn”./.

Nam Phúc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới