Trạm vũ trụ Trung Quốc rơi xuống Trái Đất ngày càng nhanh

Những mảnh vỡ cỡ 100 kg từ trạm Thiên Cung 1 của Trung Quốc có thể rơi xuống Trái Đất, gây thiệt hại nghiêm trọng nếu trúng khu dân cư.

Trạm Thiên Cung 1 trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: CMSE.
Trạm Thiên Cung 1 trên quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: CMSE.

Các chuyên gia dự đoán trạm vũ trụ Thiên Cung 1 nặng 8,5 tấn của Trung Quốc sẽ đâm xuống Trái Đất trong khoảng từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018 sau khi Cơ quan vũ trụ Trung Quốc mất kiểm soát đối với trạm vào tháng 9/2016, Independent hôm qua đưa tin.

Điều đáng lo ngại là các chuyên gia không biết chính xác vị trí tàu sẽ rơi xuống hoặc nơi các mảnh vỡ tiếp đất. Quỹ đạo của trạm vẫn đang hạ thấp dần và trong những tuần gần đây, trạm bắt đầu rơi nhanh hơn.

"Hiện nay, điểm gần Trái Đất nhất của trạm cách mặt đất chưa đến 300 km và trạm đang ở vùng khí quyển dày đặc. Tốc độ rơi đang ngày càng nhanh hơn. Tôi dự đoán trạm sẽ đâm xuống trong vài tháng tới, trong khoảng cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018", tiến sĩ Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Harvard, cho biết.

 Trạm Thiên Cung 1 thực hiện phi vụ ghép nối với tàu vũ trụ năm 2013. Video: YouTube.

Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đang theo dõi trạm Thiên Cung 1 và cho biết sẽ cảnh báo nếu nguy cơ va chạm xảy ra. "Sẽ rất tồi tệ nếu những mảnh vỡ từ con tàu này rơi xuống khu dân cư, nhưng cũng có khả năng nó sẽ rơi xuống biển hoặc khu vực không người ở", Thomas Dorman, một nhà theo dõi vệ tinh nghiệp dư, nhận định.

Phần lớn trạm vũ trụ sẽ bốc cháy trong khí quyển khi rơi trở lại Trái Đất. Nhưng tiến sĩ McDowell nhấn mạnh một số bộ phận có thể nặng tới 100 kg khi đâm xuống bề mặt Trái Đất, gây ra thiệt hại lớn. Theo ông, người dân có thể chỉ được cảnh báo trước vài giờ về nơi trạm vũ trụ rơi xuống.

Trạm Thiên Cung 1 bay lên vũ trụ vào tháng 9/2011. Đây là cơ sở để Trung Quốc tạo ra một tổ hợp không gian lớn hơn vận hành trên quỹ đạo Trái Đất vào năm 2020. Con tàu đã thực hiện một số nhiệm vụ ghép nối, bao gồm phi vụ Thần Châu 8 không người lái năm 2011 và phi vụ Thần Châu 10 có người lái năm 2012.

Theo Văn phòng kỹ thuật không gian có người lái Trung Quốc (CMSE), trạm Thiên Cung 1 trang bị các thiết bị quan sát Trái Đất và máy do thám môi trường không gian. CMSE cho biết trạm Thiên Cung 1 đã thu thập một lượng lớn dữ liệu khoa học có giá trị trong nghiên cứu tài nguyên khoáng sản, đại dương và rừng, theo dõi môi trường sinh thái và thủy sinh, sử dụng đất, địa nhiệt và kiểm soát thiên tai.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới