Trăn trở với miền Tây: Bài 2: Những dự án kém hiệu quả

Bên cạnh những giải pháp bảo tồn và phát triển cây con đặc sản đang được một số địa phương thực hiện bước đầu cho thấy khả quan, thì trên địa bàn Nghệ An có những dự án khôi phục và phát triển cây, con bản địa không thành công. Nhiều loài dược liệu đang ở mức cảnh báo nguy cấp…

Vịt bầu Quỳ được xem là thứ thực phẩm đặc sản ở vùng miền Tây xứ Nghệ, được nhiều người ưa chuộng, bởi thịt ngon, ít mỡ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, khiến số lượng vịt bầu Quỳ chính gốc ngày càng ít dần. Bởi vậy, tỉnh Nghệ An đã quan tâm thực hiện “Dự án khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ”, nhằm hướng đến mục tiêu đưa loại vịt đặc sản này thành mặt hàng quy mô lớn hơn.

Theo đó, ngày 10/8/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3450/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án hỗ trợ khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ huyện Quỳ Châu giai đoạn 2015-2017. Thời gian thực hiện trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2015 đến năm 2017.

Mục tiêu của dự án này là từng bước phát triển tổng đàn với quy mô lớn, thâm canh cao, chăn nuôi sạch để có được một loại thực phẩm nông sản hàng hoá đặc sản với số lượng nhiều, chất lượng cao, an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời bảo tồn được quỹ gen, khôi phục được những đặc tính tốt, nổi trội ban đầu của giống vịt bầu Quỳ quý hiếm. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc trong vùng dự án.

Theo đó, dự án này sẽ xây dựng 60 mô hình (mỗi năm 20 mô hình) chăn nuôi vịt bầu tập trung với quy mô 1.000 con/lứa/năm, với tổng đàn vịt thương phẩm trong 3 năm đạt 60.000 con, đồng thời để làm giống 40.000 vịt con. Tổng chi phí thực hiện dự án được dự kiến thực hiện là hơn 9 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 3,9 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm hỗ trợ con giống; kinh phí tập huấn, hội thảo tuyên truyền; hỗ trợ thức ăn; thuốc khử trùng, vắc-xin tiêm phòng…

Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, dự án dừng lại, các mô hình không được cấp vịt giống để nuôi, xem như “chết yểu”. Đàn vịt bầu Quỳ lại đứng bên nguy cơ bị mai một. Chỉ có 4 hộ gia đình được thực hiện mô hình của dự án (xã Châu Hạnh 1 hộ, Châu Tiến 1 hộ, Châu Bình 2 hộ). Những mô hình này giờ vắng bóng vịt bầu Quỳ.

Vịt bầu Quỳ được nuôi ở các huyện miền Tây Nghệ An.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Quang Quyền ở bản Minh Tiến (Châu Hạnh), 1 trong 4 hộ gia đình được hỗ trợ từ dự án Hỗ trợ khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ huyện Quỳ Châu giai đoạn 2015-2017. Gia đình ông Quyền có 3 ha đất trang trại, trong đó có 1 ha mặt nước, rất phù hợp để chăn nuôi vịt bầu Quỳ. Thế nhưng, sau khi dự án chết yểu, gia đình ông đã xây ngăn chuồng vịt ngày nào để làm nơi chăn thả mấy con lợn. Các dụng cụ như máng thức ăn, bình uống nước cho vịt… sau mấy năm không sử dụng đành để mốc meo, tấp đống bên góc vườn.

Chúng tôi tìm gặp ông Vi Thế Long – Nguyên Giám đốc Ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quỳ Châu (nay sáp nhập thành Trung tâm DVNN huyện Quỳ Châu), ông Long hiện là Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh. Ông Long cho biết: Thời điểm triển khai dự án cũng chưa làm rõ được hướng phát triển đầu ra cho con vịt bầu. Về lý do dự án chết yểu, ông Long cho biết là do không có vốn để tiếp tục triển khai, bên cạnh đó cũng do đầu ra gặp khó khăn. Con vịt bầu nuôi thời gian lâu hơn các loại vịt khác, và giá cũng đắt hơn, đến tháng thứ 6 vịt không lớn nữa, nếu tiếp tục nuôi thì tốn thức ăn và công chăm sóc. Khó nhất là, trên thị trường có nhiều loại vịt lai được nuôi từ dưới xuôi lên, bán với giá rẻ, nên việc phát triển đàn vịt bầu gặp bế tắc.

Hiện tại trên địa bàn huyện Quỳ Châu, vịt bầu chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình. Còn số nuôi nhiều nhất cũng chỉ 100 con. Anh Kim Đức Hùng ở bản Bình 3, xã Châu Bình nuôi 100 con lấy thịt và làm giống thì cho biết, vịt bầu nuôi dễ, nhưng đầu ra thì khó. Ngoài bột ngô, bột cám lúc nhỏ thì khi vịt lớn thì bổ sung thức ăn nhiều chất xơ như chuối, ngô, đến khi đạt trọng lượng khoảng 2,2 kg thì cắt thức ăn tổng hợp. Anh Hùng cũng thừa nhận đầu ra cho con vịt bầu gặp nhiều khó khăn, chủ yếu bán nhỏ lẻ cho bà con trong vùng.

Theo ông Lê Văn Tám – Phó phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An, khó khăn lớn nhất trong thực hiện dự án hỗ trợ khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ huyện Quỳ Châu giai đoạn 2015-2017, chính là kinh phí có hạn nên việc hỗ trợ cũng có giới hạn.

Sau 2 năm thực hiện, dự án dừng lại, các mô hình không được cấp vịt giống để nuôi, xem như “chết yểu”. Đàn vịt bầu Quỳ lại đứng bên nguy cơ bị mai một.  Ảnh: Xuân Hoàng
Sau 2 năm thực hiện, dự án dừng lại, các mô hình không được cấp vịt giống để nuôi, xem như “chết yểu”. Đàn vịt bầu Quỳ lại đứng bên nguy cơ bị mai một. Ảnh: Xuân Hoàng

Năm 2016, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và Phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2020”, trong đó có cây chè hoa vàng.

Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5ha cây chè hoa vàng, đạt năng suất 7,5 tạ, chi phí đầu tư cho 1ha hơn 140 triệu đồng được lấy từ guồn vốn của các Chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo vệ được 90ha cây chè hoa vàng tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi kết thúc đề án, toàn huyện chỉ bảo tồn được 81,3/90 ha; riêng trồng mới chỉ đạt được 2/5ha chỉ tiêu đề ra.

Cây chè hoa vàng sau khi đào về được người dân trồng dưới tán cây trên nương rẫy. Ảnh: Tiến Đông
Cây chè hoa vàng sau khi đào về được người dân trồng dưới tán cây trên nương rẫy. Ảnh: Tiến Đông

Theo đánh giá của UBND huyện Quế Phong, nguyên nhân của việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu còn khó khăn hạn chế, trong đó diện tích cây chè hoa vàng không đạt chỉ tiêu đề ra bởi việc xây dựng kế hoạch và quán triệt đề án chưa rộng rãi, một số diện tích chưa chăm sóc, bảo vệ đúng kỹ thuật nên làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của đề án…

Chè hoa vàng là dược liệu có giá trị kinh tế cao. (ảnh: Chế biến chè hoa vàng). Ảnh: Lâm Tùng
Chè hoa vàng là dược liệu có giá trị kinh tế cao. (ảnh: Chế biến chè hoa vàng). Ảnh: Lâm Tùng

Nghệ An có rất nhiều nguồn gen quý hiếm đang có nguy cơ mất dần hoặc thoái hóa cần lưu giữ, bảo tồn như: Các giống lúa nếp cẩm, lúa nếp nại, lúa lốc, vừng Nga Chiếng, khoai sọ, khoai vạc, khoai từ, khoai lang vàng, cây lạc sen, lạc cúc, cây bưởi hồng Quang Tiến, cây quýt tắt, cà chua Tương Dương.

Ngoài ra, một số đối tượng có giá trị kinh tế cao cần nghiên cứu nhân giống và khai thác như xoài Tương Dương, cây lùng, cây thông chóc, cây quế Quỳ, cây trầm hương, chè gay Anh Sơn, sa mu dầu, sao Nam Hải… Cây dược liệu có:  đẳng sâm, hoàng đằng, thạch hộc, kê huyết đằng, cẩu tích, sa nhân, thiên niên kiện, thổ phục linh…

Một số giống bản địa, quý đang có nguy cơ tuyệt chủng như: Trâu Thanh Chương, trâu Na Hỷ, bò H’mông, ngựa H’mông, dê cỏ Nghệ An, hươu sao, lợn Sao Va, lợn cỏ, lợn Mẹo (lợn H’mông), gà ác, vịt cỏ, vịt bầu Quỳ, ngỗng cỏ Nghệ An, ngan trâu, bò vàng. Một số loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, quy hiếm: Cá chép, cá lăng, cá nheo…

Trâu, bò Mông được thương lái ưa chuộng. Ảnh: Quang An.
Trâu, bò Mông được thương lái ưa chuộng. Ảnh: Quang An.

Ngày 22 tháng 11 năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 5529/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2014 đến 2020. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020,  Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở Khoa học và Công nghệ) đã bổ sung 17 nguồn gen loài cây dược liệu quý hiếm vào danh mục Đề án khung: Cây dược liệu mú từn; cây trà hoa vàng; đẳng sâm; cây quế Qùy; cây ba kích (Quế Phong). Bảo tồn và phát triển 2 nguồn gen giống lúa tẻ thơm Khẩu cháo hom, Khẩu chắm lao (Kỳ Sơn và Quế Phong). Bảo tồn quỹ gen trâu Thanh Chương; nguồn gen ngan trâu (Con Cuông); ngựa Mường Lống; gà trụi lông cổ (Kỳ Sơn) và một số nguồn gen khác.

Theo đánh giá của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở Khoa học và Công nghệ), số lượng nguồn gen quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được bảo tồn/đối tượng nguồn gen dược liệu bản địa quý, hiếm đã được phát hiện, đưa vào danh mục còn quá ít, nên dễ mất sự đa dạng, dễ bị mất giống và suy giảm số lượng loài, nhiều loài dược liệu đang ở mức cảnh báo nguy cấp hoặc sẽ nguy cấp rất cao.

Công tác bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi và cây dược liệu chưa gắn chặt với bảo vệ, khai thác và phát triển, việc sử dụng nguồn gen thường ở quy mô nhỏ, tập trung nghiên cứu ở mức thấp… chưa chú trọng nghiên cứu chuyên sâu để sản xuất thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân. Đặc biệt, trong ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm cụ thể nhằm thương mại hóa và phát triển bền vững còn rất hạn chế. Hiện nay công tác bảo tồn nguồn gen mới chỉ tập trung vào nhiệm vụ thu thập, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen mà chưa làm được nhiều các nội dung nghiên cứu, đánh giá nguồn gen. Đây là một nội dung quan trọng cần thiết để lựa chọn các đối tượng lưu giữ, bảo tồn phù hợp với định hướng khai thác, sử dụng nguồn gen một cách hợp lý và có hiệu quả…