Trang trại ở Nghệ An “cửa đóng then cài” vì sợ dịch tả lợn châu Phi

(Baonghean.vn) - Với tổng đàn trên 38.000 con lợn cùng với 31 trang trại lợn lớn nhỏ nên khi nhận được tin dịch tả lợn đã xuất hiện tại xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn đã tập trung chỉ đạo địa phương dập dịch, cùng với đó yêu cầu các xã phải nâng cao tinh thần phòng chống dịch ở mức cao nhất, nhất là tại các vùng uy hiếp, vùng đệm.

Ngay sau khi loa phát thanh của xã thông báo dịch tả lợn đã xuất hiện tại xã Nam Nghĩa, ông Nguyễn Đình Thủy ở xóm 5A, xã Nam Thanh (giáp ranh với xã Nam Nghĩa) đã lên kế hoạch bảo vệ đàn lợn của mình một cách nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Đình Thủy ở xóm 5A, xã Nam Thanh tăng cường rắc vôi từ đầu ngõ không để dịch lây lan sang trại của mình. Ảnh: Quang An
Ông Nguyễn Đình Thủy ở xóm 5A, xã Nam Thanh tăng cường rắc vôi từ đầu ngõ không để dịch lây lan sang trại của mình. Ảnh: Quang An
Ông Thủy cho biết: Nhà tôi có 2 chuồng với trên 100 con lợn, bao gồm 20 lợn nái và lợn thịt. Trước khi xảy ra dịch trên địa bàn huyện, tôi đã tự ý thức chăm sóc đàn lợn của mình bằng cách vệ sinh chuồng trại thường xuyên, không nhập lợn ngoài về. Giờ dịch xảy ra, tôi đóng cửa trại tuyệt đối không cho người lạ ra vào; đồng thời tăng cường rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng hàng ngày.

Là địa phương tiếp giáp với xã Nam Nghĩa, có tổng đàn lợn lớn, lại nằm trong vùng uy hiếp dịch, do đó, chính quyền và người dân xã Nam Thanh đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu vào thời điểm này. Hầu hết các trại lợn đã “cửa đóng then cài”, người chăn nuôi ở trong trang trại 24/24 giờ để giám sát đàn lợn chặt chẽ.

Pha chế thuốc tiêu độc khử trùng tại điểm chốt xã Nam Nghĩa để phun các phương tiện qua lại vùng dịch. Ảnh: Quang An
Pha chế thuốc tiêu độc khử trùng tại điểm chốt xã Nam Nghĩa để phun các phương tiện qua lại vùng dịch. Ảnh: Quang An

Theo ông Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh: Toàn xã hiện có 2.489 con lợn, trong đó có 7 trang trại lợn, 26 gia trại; chiếm đến 60% tổng đàn lợn của địa phương. Xã đã cấp 40 lít hóa chất cho 17 xóm, tập trung triển khai phun tiêu độc khử trùng trên các tuyến đường chính của xã, đường nội xóm. Với đặc thù là xã có nhiều gia trại, trang trại nên sắp tới xã sẽ quán triệt các chủ trại cùng người làm nghề giết mổ trên địa bàn nâng cao ý thức phòng chống dịch.

"Bên cạnh đó, tại các xóm 7A, 2A, 4A, 5A tiếp giáp với xã Nam Nghĩa đã có dịch nên hiện chúng tôi đã tăng cường cung cấp vôi bột, hóa chất cho các xóm này; đồng thời cắt cử người tuần tra thường xuyên. Nếu có tình trạng vận chuyển, giết mổ lợn phải lập tức báo cáo với chính quyền để xử lý”.

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn

Tiêu hủy 77 con lợn ở Nam Nghĩa (Nam Đàn). Ảnh: Thúy Tình
Tiêu hủy 77 con lợn ở Nam Nghĩa (Nam Đàn). Ảnh: Thúy Tình

Xã Nam Anh cũng là địa phương có tổng đàn lợn lớn của huyện Nam Đàn với trên 4.000 con, con số này đã giảm mạnh so với cách đây vài tháng do các hộ dân không tái đàn trong thời điểm "nhạy cảm" này.

Ông Nguyễn Hữu Dương ở xóm 3, xã Nam Anh - chủ trại lợn lớn nhất trên địa bàn xã với 1.000 con cho biết thêm: "Sau khi xem báo đài, thấy dịch tả đã xảy ra trên địa bàn huyện, tôi khá lo lắng, tuy nhiên cũng tự ý thức được việc tăng cường phòng chống dịch là việc làm cấp bách lúc này. Tôi quán triệt người làm không được cho người lạ vào, nếu người trong gia đình ra vào cũng phải phun hóa chất khử trùng. Bên cạnh đó tuyệt đối không dùng thức ăn tại các khách sạn, nhà hàng mà chỉ dùng thức ăn công nghiệp, dừng hẳn mọi hoạt động xuất bán lợn vào thời điểm này".

Ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đàn cho biết: Huyện đã công bố dịch rộng rãi cho các địa phương và người chăn nuôi được biết. Quan điểm nhất quán của huyện là đặt công tác dập dịch, ngăn ngừa dịch lây lan là việc làm cấp bách lúc này. Tại xã Nam Nghĩa đã thành lập 2 điểm chốt, mỗi điểm 4 người chia làm 2 ca sáng tối giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn ra vào địa bàn 24/24 giờ.

Đồng thời, những xã vùng uy hiếp dịch như Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Thái, Vân Diên và vùng đệm như Nam Anh, Nam Xuân, thị Trấn… phải đặt mức cảnh giác cao nhất; kiểm tra đàn lợn thường xuyên, lập tức báo cáo ngay nếu có hiện tượng lợn ốm chết bất thường.

Tin mới