Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông có thể nguy hiểm hơn Biển Đông

(Baonghean.vn) - Khi đề cập tới các tranh chấp lãnh thổ tại châu Á, tranh chấp Biển Đông luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, Biển Hoa Đông, “lò lửa” căng thẳng ít được biết tới hơn, có nhiều khả năng bùng phát một cuộc xung đột quốc tế.

Ảnh 1: Quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Ảnh: AP
Quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông. Ảnh: AP

Chuyên gia Ryan Hass thuộc chương trình chính sách đối ngoại của Viện nghiên cứu Brookings cho hay: “Mặc dù thu hút ít sự quan tâm hơn, song tranh chấp trên Biển Hoa Đông có thể gây ra nguy cơ lớn hơn kéo Mỹ vào cuộc xung đột với Trung Quốc hơn là các tranh chấp khác trên Biển Đông”.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo trên Biển Hoa Đông với diện tích khoảng 130.000 km. Tokyo gọi đây là quần đảo Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, khu vực gần các tuyến đường vận chuyển chính và giàu dự trữ năng lượng.

Ông Hass giải thích: “Có nguy cơ lớn hơn xảy ra sự cố ngoài ý muốn giữa các lực lượng Trung Quốc và Nhật Bản đang hoạt động trên Biển Hoa Đông”, viện dẫn tới “tần suất các chiến dịch bay gần sát có sự tham gia của các máy bay Trung Quốc và Nhật Bản, thiếu vắng đi các cơ chế giảm thiểu rủi ro chín muồi và thiếu sự thống nhất giữa Bắc Kinh và Tokyo về cách hành xử có thể chấp nhận được”.

Ảnh 2: Các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AP
Các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AP

Chuyên gia này cho rằng Nhật Bản là đồng minh thân cận của Mỹ, do đó nếu xung đột Nhật - Trung nổ ra thì nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể buộc phải can dự do Washington đang tìm cách bảo vệ các đồng minh cũng như duy trì khu vực biển và không phận cởi mở.

Ngoài ra, theo ông Hass, nếu Bắc Kinh từ chối cho phép các tàu hoặc máy bay hoạt động theo luật pháp quốc tế, điều này cũng khiến Nhà Trắng phản ứng.

Chuyên gia Hass còn cho biết đối với Trung Quốc và Nhật Bản, “các sự kiện trên Biển Hoa Đông đều có ý nghĩa quan trọng bởi cả hai nước đều muốn thông qua vấn đề này để chứng tỏ mình là các cường quốc châu Á.

Ông Hass nêu rõ những căng thẳng trước đó giữa Tokyo và Bắc Kinh đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận, khiến các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh và Tokyo ít có không gian chính trị để giảm thiểu căng thẳng leo thang.

Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, các tàu của Trung Quốc liên tiếp hoạt động gần các đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông trong những năm gần đây, trong khi các tiêm kích của Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận chung với các máy bay của Mỹ trên vùng lãnh thổ này.

Theo ông Hass, động thái này trái ngược với tình hình trên Biển Đông, nơi các vấn đề được xem đã rơi vào bế tắc. Chuyên gia Hass nhấn mạnh: “Trên Biển Đông, Washington chỉ có khả năng buộc Bắc Kinh ngừng các hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo hoặc khiến nước này chấm dứt triển khai khí tài quân sự trên các đảo này khi viện tới một cuộc xung đột quân sự.

Tương tự, Trung Quốc không thể ép buộc Mỹ ngừng hoạt động trong khu vực mà không xảy ra nguy cơ xung đột quân sự lớn, sẽ khiến lực lượng Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất bại và có khả năng dẫn tới việc các đảo này bị tàn phá nhanh chóng”.

Chuyên gia Hass nhận định mối đe dọa xung đột tại khu vực giàu tài nguyên này được giảm thiểu một khi “các biện pháp giảm thiểu rủi ro trên Biển Đông mang tính chín muồi” hơn ở Biển Hoa Đông, đồng thời lưu ý Washington và Bắc Kinh có cách thức để ngăn chặn các vụ đụng độ mất an toàn./.

Lan Hạ

(Theo CNBC)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới