Trật

Chuyện rằng, có người cha nọ quyết truyền dạy cho con nghề bổ củi. Một lần, trong lúc ngồi quan sát và phân tích các động tác thực hành vụng về của cậu con trai, người cha bực mình lắm. Trong cái tâm trạng không nhiều hào hứng, ông liên tục bổ túc phần “lý thuyết” như sau: “Nghề bổ củi cũng như nghề khác, đòi hỏi phải kiên trì, mưu mẹo, quyết đoán và tất nhiên là phải biết phân phối sức mạnh. Không phải cứ nhắm mắt nhắm mũi bổ liên hồi là được đâu. Phải dùng mắt soi thật kỹ để chọn đúng thớ gỗ, tiếp theo rất quan trọng là nhắm thật chính xác rồi mới vung búa vào đúng vị trí trọng điểm với một lực chẻ phù hợp. Bố thấy mày toàn bổ vào mắt gỗ, lại dùng một lực nhẹ hều như vậy thì chẻ ra làm sao được? Cái này là lực nêm chứ không phải lực cắt nghe chưa!”. Mặc dù được hướng dẫn một cách khá “hàn lâm” và rất tận tình như vậy nhưng nghe chừng cu cậu tiếp thu chậm và ứng dụng vống lắm. Lóc ca lóc cóc mãi mà chả ra được que củi nào. Tức giận quá, người bố đùng đùng nhảy vào làm mẫu. Ông quát lớn: “Đưa búa đây. Đã bổ là phát nào phải trúng phát ấy. Nhè giữa thớ như này này”. Vừa nói ông vừa dũng mãnh lấy toàn bộ sức bình sinh bổ một phát thật mạnh. Bỗng nghe “bịch”, ôi thôi, lưỡi búa bỏ qua thớ gỗ đã đành nó còn chả trúng cả thân cây gỗ nữa mới tệ. Sau 1 vài giây bần thần, ông bố lấy tay chỉ vào cái dấu búa còn cách cây gỗ đến chừng nửa bàn chân rồi hùng hổ giảng giải: “Như ri gọi là TRẬT!”.

Cậu con trai sau đó lẩm bẩm, “Hiểu rồi, trật có nghĩa là… không trúng”! Quả là một bài học đáng giá tham khảo. Trúng và trật là hai câu chuyện khác nhau của cuộc sống. Một viên đạn bay ra khỏi nòng súng nếu trúng đích có thể tiễn đưa một gã kẻ thù về nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng nếu như trật thì tạo ra nguy cơ bị kẻ thù tấn công. Đành rằng cuộc sống không mạch lạc và nghiệt ngã như những viên đạn. Tại một phiên tòa nọ, vị chủ tọa giảng giải với một người đàn ông trước vành móng ngựa rằng: “Bị cáo cần phải biết rằng, mình là đàn ông, đã là đàn ông, đã là người chồng đầu gối tay kề mà bị cáo đánh vợ thì trật rồi”. Gã bị cáo vũ phu liền cãi lại “Tòa nói sai rồi, trật là trật thế nào, tôi đấm một phát giữa mặt, tóe cả máu mũi sao tòa bảo là trật?”. Vị quan tòa bối rối giải thích “Thì đấm trúng mặt nhưng trật đạo lý”. Trúng trật là cả một bao la vấn đề mà tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh mỗi cách nhìn và mỗi chủ thể khác nhau có thể lại đưa ra các luận giải khác nhau.

Có một câu danh ngôn nào đó, đại ý rằng: Khi về già người ta chỉ ân hận về những việc mình không làm chứ không mấy ai ân hận về những việc mình đã làm. Ừ nhỉ, cuộc sống đặt hàng chúng ta vô số việc phải làm nhưng rồi chính những cái đơn đặt hàng đó lại bị chúng ta nhét vào cái ngóc ngách khó tìm nhất của trí nhớ. Thậm chí có khi còn bị chúng ta chủ động giấu biệt tăm biệt tích phía sau những bức bình phong ngụy liêm sỉ. Trong lúc chúng ta lại dễ dàng thỏa hiệp trước những cám dỗ mà dường như chắc chắn chúng ta đã biết trước là “trật”. Chúng ta bình thản và vô cảm trước cái sai, cái đúng, cái nên và cái không nên để rồi đến hôm nay với tư cách thần dân một “cường quốc nhậu” chính chúng ta đã phải giật mình thốt lên “Uống rượu bia lái xe là tội ác”. Chính chúng ta lại phải tặc lưỡi nuối tiếc cho một cái dự án dầu mỏ chết yểu bị chôn vùi cùng hàng trăm triệu đô mãi tận đất nước Venezuela xa xôi. Và cũng chính chúng ta hăm hở mở mang giao thông để rồi mỗi cái trạm BOT dựng lên là một cuộc chiến với chính mình. Nào là trạm “thu phí”, đến trạm “thu giá”, bây giờ là trạm “thu tiền” nghe qua cái tên nào cũng… trật. Trật bởi cái cần thay đổi không phải là những cái tên. Người ta không thể chữa một căn bệnh bằng cách đổi tên căn bệnh đó, cũng như người ta không thể khắc phục đói bụng bằng cách xem đồng hồ. Việc các trạm BOT tìm cách đổi tên mang dáng dấp của một sự trốn chạy nhiều hơn là đối diện với một thực tế không đáng phải hãi hùng. Trật!

Trên mạng đang lan truyền chóng mặt clip người phụ nữ đèo con không đội mũ bảo hiểm liên tục vượt đèn đỏ nhưng trên áo lại in chiếc logo “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Câu khuyến cáo trên áo chị ấy đúng bao nhiêu thì cái hành vi của chị trật bấy nhiêu. Chị ấy đáng trách, tất nhiên rồi, nhưng trong số đang ném đá chị ấy chắc không thiếu những cơ thể nồng nặc hơi men. Nếu hạn chế xã hội được coi như những căn bệnh thì có lẽ không căn bệnh nào đáng sợ hơn “Nói một đàng, làm một nẻo”. Ai có thể nghĩ rằng một quan chức từng ký hàng ngàn bản cáo trạng luận tội kẻ khác lại có thể trật đến mức dâm ô bé gái 8 tuổi. Ai có thể nghĩ rằng một cộng đồng cán bộ sáng ngời lại có thể trật đến mức cấu kết với nhau để cướp điểm trong một kỳ thi “dã man” thế kia. Hành vi của chị gái vượt đèn đỏ ấy nào khác chi mấy vị quan từng chỉ đạo cấp dưới treo tấm khẩu hiệu “Cấm gian lận trong thi cử”. Nói rất trúng, thực hiện rất trật.

Trên các trang mạng và báo chí mấy ngày vừa rồi đang tranh luận về một cái “án” kỷ luật đối với cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp. Có hai luồng ý kiến ngược chiều nhau, một là cần kỷ luật nghiêm khắc. Thầy cô bắt học sinh quỳ là một hình phạt thể chất có tính dã man, nhục mạ thậm chí vi phạm nhân quyền, xâm phạm thân thể của trẻ em – đối tượng được pháp luật ưu tiên bảo hộ. Còn một luồng ý kiến thì cho rằng: Việc giáo viên phạt học sinh quỳ trong lớp là bình thường. Cá nhân tôi lên án việc giáo viên dùng nhục hình với học sinh, tôi cũng kinh hãi việc giáo viên bắt học sinh liếm ghế hay uống nước lau bảng. Nhưng đừng “kẻ thù hóa” giáo viên. Đừng cứ hễ giáo viên “lên hình” là ném, là chửi là văng cả tôn ti trật tự cơ thể ra ngoài vùng miệng. Đừng bắt những người thầy phải khu trú trong những chuẩn mực cứng nhắc. Hãy xem động cơ mục đích của họ trước khi tung hô cái quyết định kỷ luật làm nức lòng những học sinh cá biệt kia có phải tốt hơn không? Có những cái sai cần phải nghiêm trị lập tức nhưng cũng có những cái sai cần phải bình bĩnh cân nhắc… Việc dùng sinh mệnh nghề nghiệp của một con người với mục đích trám cho chỗ hổng của bức tranh nghiêm minh (nếu có) thì quả là nghiệt ngã, trật.

Câu “thương cho roi cho vọt” đã dường như hoàn thành sứ mệnh và lùi xa vào dĩ vãng. Pháp luật tân thời không ấu trĩ đến mức cho cô giáo phạt quỳ học sinh, nhưng pháp luật cũng đâu dở hơi đến mức cho phép bố mẹ đánh đòn con trẻ! Vậy tại sao một ông bố đét mông con có khi còn được khen, trong lúc cô giáo lỡ tay ném một viên phấn cảnh cáo từ xa cũng bị cư dân mạng gào lên như thể tội đồ? Việc cô giáo nào đó triệu cậu học trò đầu têu lên quỳ trước lớp có thể sai sót về mặt phương pháp sư phạm nhưng cách đối xử với sai sót ấy liệu đã đủ “sư phạm” hay chưa? Nó có sơ ý hạ thấp sự tôn trọng của phụ huynh và học sinh đối với người thầy và nó có vô tình gieo lên người thầy sự sợ hãi? Một quyết định đúng sẽ mang lại một kết quả tích cực, một quyết định sai là hậu quả khôn lường. Lại nhớ lời cậu bé học bổ củi đầu bài viết “Trật có nghĩa là không trúng”, nếu vậy xin đừng ra những quyết định theo kiểu “trúng thì trúng, trật thì trật”.