Trẻ bụi đời ở Hà Nội trên báo Anh

Cây bút Maeve McClenaghan viết trên báo Guardian về nỗ lực giúp đỡ trẻ em lang thang ở Hà Nội của một thanh niên từng chung cảnh ngộ.

Trẻ vô gia cư ngủ trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Reuters

Trẻ vô gia cư ngủ trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Reuters

Khi màn đêm buông xuống tại Hà Nội, đám đông tụ tập quanh hồ Hoàn Kiếm bắt đầu vãn dần. Do Duy Vi quét qua những thanh thiếu niên đang săn Pokemon trên điện thoại, những người phụ nữ tập thể dục và người bán hàng rong rao bán chút hàng còn sót lại.

"Bạn phải biết cách nhận ra những dấu hiệu", Vi nói. "Đôi khi các em ấy trông sẽ nhếch nhác hoặc mang theo túi quần áo, đôi khi là quan sát cách các em ấy ngồi".

Hàng đêm, Vi tìm kiếm trẻ em lang thang ngủ trên đường phố của thủ đô Việt Nam. "Các em được xem như những người bần cùng nhất. Trong tiếng Việt, các em được gọi là trẻ bụi đời", Vi giải thích với cây bút người Anh.

Vi, 29 tuổi, là người phụ trách tiếp cận trẻ bụi đời cho Blue Dragon (Quỹ Trẻ em Rồng Xanh), một tổ chức phi chính phủ do người Australia sáng lập đã giúp đỡ trẻ em đường phố ở Việt Nam từ năm 2004. Anh đã đảm nhận công việc này trong 7 năm.

"Chính tôi cũng từng là trẻ lang thang khi 14, 15 tuổi", Vi nói. "Cha mẹ tôi rất nghèo. Chúng tôi sống trong một ngôi làng nhỏ cách Hà Nội khoảng 130 km. Năm 14 tuổi, tôi quyết định đi kiếm việc làm, nên tôi đã lên một chiếc xe buýt và đến đây".

Trong hai năm, Vi đã ngủ trên sàn một nhà nghỉ và đi đánh giày. Vào ngày nhiều khách, cậu có thể kiếm được khoảng 80p (hơn 20.000 VND). Vi vẫn nhớ cơn đói và nỗi sợ của những ngày đó. "Tôi đã bị đánh đập rất nhiều", anh kể.

Không ai chắc chắn có bao nhiêu trẻ vô gia cư ở Việt Nam. Một báo cáo của Human Rights Watch năm 2006 ước tính có 23.000 trẻ. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ​​cho biết con số chính thức của năm 2014 giảm xuống còn 7.300 trẻ. Nhưng những thống kê này không phản ánh chính xác tỷ lệ trẻ em sống và làm việc trên đường phố, theo Vijaya Ratnam-Raman, người đứng đầu việc bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam. "Trước đây dễ nhìn thấy các em ấy hơn, tuy nhiên, việc ít nhìn thấy các trẻ như vậy không nhất thiết đi đôi với sự sụt giảm trong số lượng thực tế".

Vi giờ đã có một gia đình hạnh phúc với một cô con gái nhỏ. Cuộc gặp gỡ 14 năm trước đã thay đổi cuộc đời anh. Vào một ngày hè rất nóng nực, Vi đang tìm kiếm khách đánh giày thì tình cờ gặp Michael Brosowski, một giáo viên đến từ Sydney. Ông Brosowski đã mở một lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Ông dạy tại một quán cà phê nhỏ vào các buổi chiều chủ nhật.

"Vi thật sự có điểm thu hút", Brosowski nhớ lại. "Cậu ấy rõ ràng là một đứa trẻ thông minh và bạo dạn. Cậu ấy cười tươi với tôi và chỉ nói 'Shoeshine!' (đánh giày) - từ tiếng Anh duy nhất cậu ấy biết. Chúng tôi ngồi trong khoảng sân nhỏ bên ngoài nhà tôi. Cậu ấy đánh giày cho tôi trong khi chúng tôi trò chuyện".

Vi bắt đầu theo học lớp của Brosowski và một năm sau, người thầy của cậu thành lập Blue Dragon. Trung tâm này hiện cung cấp bữa ăn, quần áo và lớp học miễn phí cho hơn 200 trẻ em đường phố một năm. Họ cũng có khu "mái ấm" cho các em, với khoảng 30 giường, và nó luôn kín chỗ.

Vi sống tại trung tâm trong 5 năm, và sau đó trở lại làm việc cho Blue Dragon để giúp đỡ trẻ em từng chung số phận. Anh được gọi là "người tạo ra phép lạ" của tổ chức. "Cậu ấy thuyết phục được những đứa trẻ mà không ai khác có thể tiếp cận", Brosowski giải thích.

"Tôi nghĩ rằng đó là nhờ chúng tôi có điểm chung, cả tôi và lũ trẻ đều đã trải qua vấn đề tương tự nhau", Vi nói.

Do Duy Vi cùng trẻ em đường phố ở Hà Nội. Ảnh: Maeve McClenaghan

Do Duy Vi cùng trẻ em đường phố ở Hà Nội. Ảnh: Maeve McClenaghan

Những người trẻ tuổi khác đã đi theo bước chân của Vi. Blue Dragon hiện có một chương trình đào tạo công tác xã hội chính thức, để giúp thêm nhiều trẻ em đường phố trở thành nhân viên cho tổ chức này, chuyên tiếp cận những người cùng chung cảnh ngộ. Có 4 em vừa hoàn thành chương trình này.

Vi kết hợp chuyến đi hàng đêm của mình với việc tư vấn cho các học sinh quan tâm đến công tác xã hội. Tối nay, một cậu bé 16 tuổi ít nói đã đồng hành với anh.

Anh đi qua quảng trường đông người để trò chuyện với một nhóm cậu bé mà anh quen. Minh (tên đã được thay đổi), 12 tuổi, nhảy lò cò về phía trước khi chống nạng và ôm lấy Vi, cánh tay cậu chằng chịt vết sẹo. Cậu bé bị mất một chân vì bị điện giật và gia đình không đủ điều kiện chữa trị. Vi đang khuyên Minh dừng đi ăn xin và đến khu nhà của tổ chức.

"Có những băng nhóm ở đây", Vi nói, và "tồi tệ hơn, chúng tôi biết có nhiều kẻ ấu dâm đến khu vực này, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Những trẻ em này phải đối mặt với rất nhiều hành vi lạm dụng". Anh kể rằng một đứa trẻ anh gặp đã bị "gạ tình" 6 lần bởi những người đàn ông, trong đêm đầu tiên lang bạt trên đường phố.

Vi nhấn mạnh xây dựng lòng tin là một quá trình cần nhiều thời gian. "Lần đầu tiên gặp những đứa trẻ, bạn biết ngay chúng không kể cho bạn nghe câu chuyện thật của chúng. Vì vậy, ban đầu tôi thường không hỏi quá nhiều. Tôi chỉ cố gắng thân thiện, nói chuyện với các em về thể thao, chẳng hạn như bóng đá, và kể về quãng thời gian là trẻ em đường phố của tôi.

Anh nhớ lại một cậu bé mà anh đã gặp hai năm trước. Cậu bé 14 tuổi trở thành miếng mồi cho những gã ấu dâm và đã dùng ma túy đá để giảm đau.

"Tôi thuyết phục cậu ấy trong nhiều tháng, tôi nói: nếu em cần tiền, bọn anh có thể giúp em, nhưng cậu ấy từ chối. Cậu bé tự hủy hoại chính mình - vẫn tiếp tục trở lại với những kẻ ấu dâm và ma túy", Vi nói.

"Mỗi lần gặp nhau, cậu bé đều khóc. Tôi không biết phải làm gì. Sau ba tháng tiếp cận, tôi đã nói và làm mọi thứ tôi có thể nghĩ ra. Mọi người hỏi tôi tại sao vẫn tiếp tục. Tôi trả lời 'tôi không biết - tất cả tôi có thể làm là làm bạn của cậu ấy'".

Cuối cùng, sự kiên trì của Vi đã được đền đáp. Một năm trước, cậu bé đã đến khu mái ấm, và bây giờ nơi này trở thành nhà của cậu bé. "Cậu ấy không bao giờ quay trở lại cuộc sống cũ", Vi tự hào nói. Sau đó, anh lại tiếp tục đi quanh đường phố, tìm kiếm những mảnh đời khác để giúp đỡ.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Tin mới