Trẻ em người Mông bẫy chim tìm niềm vui nơi núi rừng

(Baonghean.vn) - Với trẻ em người Mông tại các xã Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ (Kỳ Sơn)... dường như việc đặt bẫy ở rừng đã trở thành 1 nghề được truyền từ đời này sang đời khác. Cách bẫy chim của các em mang tính chất giải trí là chính nhưng trong đó cũng ẩn chứa nhiều “phát minh” lí thú.

Hễ rỗi là Và Bà Nà lại rủ bạn học cùng lớp ra phía sau khoảng đất trống bên vệ rừng đặt bẫy bẫy chim. Mùa Xuân, sương còn chưa tan trên khu vực biên giới xã Nậm Càn nhưng từng đàn chim đã thi nhau hót râm ran khắp nơi.

Một vài ánh nắng len lỏi qua các tán lá rừng rậm rạp còn ướt đẫm làm đàn chim như bừng tỉnh. Chào mào, chích chòe, chiền chiện…nhảy nhót khắp nơi tìm những con sâu, quả rừng để ăn. Đằng sau tán lá là cái bẫy cài sẵn của 2 đứa trẻ người Mông đang đợi chúng.

Những lúc rảnh rỗi, trẻ em người Mông lại rủ nhau vào rừng bẫy chim và xem đó là 1 trò giải trí.
Những lúc rảnh rỗi, trẻ em người Mông lại rủ nhau vào rừng bẫy chim và xem đó là 1 trò giải trí. Ảnh: Đào Thọ

Cái cách bẫy chim của đám trẻ này thực sự làm chúng tôi bất ngờ. Sáng ra, tranh thủ lúc đàn chim rừng còn ủ rũ trên cây, Và Bá Nà cùng bạn cắm 1 cành cây xuống khoảng đất trống chừng 2m2 rồi giăng dây dù nhỏ buộc vào đầu cần. Chiếc cần được níu xuống 1 cách khéo léo vừa đủ bật lên dính vào chân chim. Cách chiếc cần khoảng 5 cm là 1 loại quả rừng đỏ lựng được Bá Nà tìm về để dụ chim vào ăn. Tất cả chỉ có thế nhưng em cho biết đã bẫy được khá nhiều chim sẻ.

Cách đặt bẫy của trẻ em người Mông rất đơn giản chỉ với quả rừng, cần sập và dây dù.
Cách đặt bẫy của trẻ em người Mông rất đơn giản chỉ với quả rừng, cần sập và dây dù. Ảnh: Đào Thọ

Đặt bẫy xong, đám trẻ lấy lá ngụy trang xung quanh để chim không phát hiện được cần sập. Hễ rảnh, chúng lại phân công nhau đi xem bẫy. Bá Nà tiết lộ: “Các bạn người khác cũng hay đi bẫy chim như em. Cách bẫy này ai cũng biết nhưng lâu lâu mới được 1 con thôi”. Hẳn rằng, khi người lớn đang dùng các loại lưới, lồng rập hiện đại để bẫy với số lượng lớn làm cho loài chim ngày càng bị giảm đi về số lượng và chủng loại thì những đứa trẻ người Mông này vẫn vô tư với cách bẫy chim truyền thống chỉ cốt để vui chơi.

Quả rừng được dùng làm mồi, khi chim đậu vào cần sập để ăn chân sẽ mắc vào dây dù.
Quả rừng được dùng làm mồi, khi chim đậu vào cần sập để ăn chân sẽ mắc vào dây dù. Ảnh: Đào Thọ

Sự vắng lặng của buổi sáng vùng cao bị xé tan bởi tiếng hò reo, tiếng cười của bầy trẻ khi 1 chú chim chích bị dính bẫy. 5 - 6 đứa trẻ quây quần lại xem quanh chiếc bẫy khi nghe Và Bá Nà gọi. Chân còn mắc trong dây dù, chú chim nhỏ cố gắng thoát ra ngoài nhưng đã bị đám trẻ tóm lại và gỡ ra. Chúng chuyền tay nhau xem và bình phẩm về “chiến tích” này của Bá Nà.

Thành quả của 1 buổi bẫy chim.
Thành quả của 1 buổi bẫy chim. Ảnh: Đào Thọ

Thường những chú chim này được đám trẻ nhốt riêng ra trong chiếc lồng tự chế bằng tre, nứa đơn sơ để nuôi. Mỗi đứa góp lại dăm con cào cào làm thức ăn cho chim. Hàng ngày chúng chăm sóc rất cẩn thận và lấy đó làm niềm vui. Niềm vui ấy thật đơn giản và bình dị biết bao./.

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN

Tin mới