Tri ân những "người lái đò"

(Baonghean.vn)- Những ngày này, âm vang bài hát quen thuộc “Bài ca người giáo viên nhân dân” lại được cất lên khắp nơi nơi với những cảm xúc thật đặc biệt.

Bài ca người giáo viên

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1989) giáo viên dạy Mỹ thuật của Trường Tiểu học Lượng Minh (Tương Dương) 5 năm nay. Trước đây, trường có 2 giáo viên Mỹ thuật, vừa rồi một giáo viên chuyển công tác, thành ra cô Thanh phải phụ trách môn Mỹ thuật của 38 lớp tại 9 điểm trường. Bởi vậy, môn học này phải học theo hình thức cuốn chiếu, dạy xong ở điểm trường này sẽ sang điểm trường khác.

Lớp học ghép ở bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Ảnh: Nguyên Khoa)
Lớp học ghép ở bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Ảnh: Nguyên Khoa)

Nhà cô ở ngoài Cửa Rào, vào điểm trường xa nhất là 50km. Thời tiết thuận lợi thì sáng đi, tối về, vị chi là 100km đường rừng mỗi ngày. Nhiều hôm về đến nhà trời đã tối mịt. Nhìn cô giáo bé nhỏ, gầy gò ấy khó mà hình dung nổi “một mình một ngựa” vượt đèo, vượt rừng khi nhá nhem tối.

Những hôm trời mưa, đường bị sạt lở, nhiều đoạn bị đất vùi lấp. Một bên vực, một bên núi lở, chỉ có trai bản chạy xe “cứng tay” mới dám đi, còn các cô giáo thì chịu, phải ở lại trường. Có những đợt phải ở lại cả tuần. Ăn uống kham khổ thì không phải nói nữa, sợ nhất là không có điện, không có nước sạch để dùng. Trời mưa, nước suối cuồn cuộn chảy, tuabin (cù thủy điện mini) không thể hoạt động. Các thầy, cô giáo phải dùng đèn pin để soạn bài. Đèn hết pin thì dùng đèn dầu. Nhà công vụ mỗi phòng chỉ có 2 cái giường cá nhân, nan giường cũng gãy gần hết, một cái tủ gỗ cũ. Trong ánh đèn pin, các thầy giáo, cô giáo kê rương làm bàn để soạn giáo án.

Còn cô Cụt Thị Xáo (SN 1994) là giáo viên mới nhất ở điểm trường bản Xốp Cháo (Trường Tiểu học Lượng Minh) và cũng là giáo viên nữ duy nhất ở điểm trường này. Để đến trường dạy chữ cho học sinh, cô giáo Xáo phải đi 3 chặng: xe máy, ngồi thuyền và lội bộ hơn 1 tiếng đồng hồ. Học trò của Xáo phần lớn là người Khơ-mú. Các em nói tiếng Kinh chưa sõi nên cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu kiến thức.

Giáo án nhiều khi vượt ra khỏi quy định về số tiết bởi có những phần giáo viên phải kiên trì dạy đi dạy lại đến lúc học sinh tiếp thu được mới thôi. “Học sinh ở đây phần lớn là con em Khơ-mú, Thái, hoàn cảnh hết sức khó khăn, bởi vậy, để các em được đến trường đã là một cố gắng rất lớn của các phụ huynh. Nhiều em đi học nhưng không đủ sách vở, dụng cụ học tập”, Xáo chia sẻ. Cũng như các đồng nghiệp khác, Xáo ứng lương của mình gửi ra thị trấn mua sắm sách vở, bút giấy cho học trò. Khi được hỏi lấy gì để bù đắp, Xáo chỉ cười bởi để các em được tiếp tục đến trường là niềm mong mỏi không phải của riêng Xáo, nếu vì thiếu sách, thiếu vở mà học trò phải nghỉ học Xáo buồn lắm.

Những món quà đặc biệt

Ngày 20/11 ở các trường vùng cao thật xúc động và ý nghĩa. Món quà thầy, cô nhận được chỉ là bắp hoa chuối rừng, những lon gạo nếp, những bó cải ngồng hay đơn giản là những cành hoa dại hái dọc đường… Nhưng đáng quý, đáng trân trọng biết bao, bởi đó là tất cả tình cảm, sự trân trọng và nghĩa tri ân mà phụ huynh, học sinh dân tộc thiểu số giành tặng thầy, cô, những người mà đồng bào xem như con của dân bản. Một thầy giáo ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui nhưng đầy cảm động trong ngày lễ 20/11.

Năm ấy, thầy mới chân ướt chân ráo lên vùng biên giới này dạy học và được phân công chủ nhiệm lớp 7. Hôm nhà trường vừa tổ chức mít tinh xong, thầy có việc phải ra Thị trấn Mường Xén. Quá trưa thầy mới trở lại trường, thấy một tốp 7 học sinh đang chờ trước cửa phòng. Thầy mở cửa đón các em vào phòng trò chuyện. Lúc này, từng em lấy ra từ tay nải của mình một ít gạo nếp góp lại cho bạn lớp trưởng để biếu thầy. Ước lượng khoảng hơn 1 kg gạo nếp.

Hoa tặng cô giáo
Hoa tặng cô giáo. Ảnh: Đào Thọ

Ngạc nhiên thầy hỏi: “Các em lấy nếp ở đâu mà đưa đến cho thầy vậy?” Cậu lớp trưởng nhanh nhảu trả lời: “Trước đó, mấy bạn đã thống nhất với nhau, lúc nào lên rẫy giúp bố mẹ gặt lúa thì xin bố mẹ một ít mang về góp lại để tặng quà cho thầy”. Món quà đặc biệt ấy khiến thầy rưng rưng cảm động. Một ngày lễ ấm áp, nhận món quà đặc biệt, đó là điều chẳng bao giờ thầy quên được.

Thầy Đặng Đình Chinh, Tổng phụ trách Đội Trường PTDTBT THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) cho biết: 100% học sinh của trường là người dân tộc Mông. Năm nào cũng vậy, ngày 20/11 học sinh ở đây luôn có những món quà “đặc biệt” và đầy bất ngờ tặng thầy, cô giáo. 20/11 năm ngoái, học sinh ở các bản Liên Sơn, Thăm Hín, mỗi em vác trên vai một bó chè Shan tuyết đến tặng thầy, cô. Hóa ra, khi công việc rảnh rỗi, thầy cô lại rủ nhau vào bản chơi và tiện thể xin ít chè tươi về uống. Học sinh thấy thế nên đến ngày 20/11 mang chè đến tặng. Vậy là 20/11 năm đó, dãy ký túc của thầy, cô trường Nậm Càn đầy chè xanh.

Thầy Đặng Đình Chinh kể, giọng xúc động: “Có một phụ huynh ở bản Nậm Khiên vào chúc mừng thầy chủ nhiệm. Ngồi một lúc, anh ta ấp a ấp úng, lấy từ túi quần ra mấy quả trứng gà tặng thầy. Sau một thoáng bất ngờ, nhận quà mà thầy mắt rưng rưng”.

Thế đấy, ngày 20/11, những giáo viên vùng cao lại nhận những niềm vui thật lớn. Quý hơn hết là tấm lòng của học sinh và dân bản dành cho ngững người gieo chữ ở non cao.

Còn các trường học miền xuôi, học sinh tổ chức các hội thi, hội diễn chào mừng: “Giọng hát hay giáo viên, học sinh”, thi cắm hoa, thi nhảy Aerobic; làm báo tường, tập san. Đặc biệt là cuộc thi “Nét bút tri ân” với những bài viết chân thành, xúc động gửi đến thầy, cô giáo: “Dẫu có bao nhiêu ngày nhà giáo thì cũng không thể tri ân hết tấm lòng thầy, cô. Dẫu có viết bao nhiêu con chữ cũng không thể kể hết công ơn người thầy.

Chính vì thế, những người học trò không lấy gì đền đáp xứng đáng cho bằng những nỗ lực của hiện tại, sự thành công trong tương lai; cũng như nhân cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm món quà tuyệt vời nhất dâng tặng cho những người đưa đò của chúng con. Bởi như Gôlôbôlin đã nói: "Nếu người kỹ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng, thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên. Hãy để chúng con thay người làm đẹp cuộc sống này, thầy cô nhé!”.

Học sinh người Mông tặng thầy nhân ngày 20/11
Học sinh người Mông tặng thầy nhân ngày 20/11
Không chỉ đón nhận tình cảm từ phụ huynh, học sinh mà các thầy, cô giáo còn nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, lãnh đạo  tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi thăm và tặng quà các trường học trên địa bàn tỉnh. Mỗi địa phương đều tổ chức các hoạt động tri ân các thầy, cô giáo. Lãnh đạo Thị xã Hoàng Mai đã tới thăm, chúc mừng và tặng quà cho các thầy, cô giáo tại các trường học trên địa bàn xã miền núi Quỳnh Trang, xã vùng biển Quỳnh Lập và Trường THPT Hoàng Mai. 

Đây là những đơn vị đặc thù, vùng biển, vùng miền núi khó khăn, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực cố gắng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành giáo dục Thị xã Hoàng Mai. Ghi nhận những kết quả các cấp học đã đạt được, lắng nghe những tâm tư, đề xuất của lãnh đạo các địa phương và những người làm công tác quản lý ở các trường học, nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu dạy và học của mỗi địa phương.

Hơn 200 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn thực sự xúc động trong buổi tọa đàm Kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam do huyện tổ chức. Những cựu giáo chức, nay có dịp gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, được lãnh đạo huyện ân cần thăm hỏi, động viên; được tri ân và khuyến khích, những người lái đò tận tụy đã nghỉ hưu nay thêm động lực để cống hiến, vun đắp cho sự nghiệp trồng người bằng những việc làm thiết thực tại địa phương như: Dạy học miễn phí cho học sinh nghèo; tham gia công tác khuyến học, khuyến tài;…

Những bó hoa, những điểm 10 tươi thắm, những bài thơ, những lời ca học sinh tặng thầy; tình cảm tri ân của phụ huynh; sự quan tâm của lãnh đạo các cấp là niềm hạnh phúc, là động lực để những người lái đò tận tụy vững tâm với nghề, nhiệt huyết với trò và thắp sáng bao ước mơ cho những “mầm xanh” tương lai của đất nước…

P.V - CTV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới