Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức

(Baonghean.vn) - Sáng 14/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Giám đốc Sở Nội Vụ Lê Đình Lý chủ trì hội nghị đầu cầu Nghệ An.

Tham dự hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo các đơn vị, địa phương; các sở, các ngành có liên quan.

Hội nghị đã triển khai những nội dung mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngày 19/6/2015 Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Điểm cầu Nghệ An. Ảnh: An Quỳnh
Điểm cầu Nghệ An. Ảnh: An Quỳnh

Tuy nhiên sau thời gian thực hiện 2 Luật đã phát sinh những bất cập cần khắc phục, đặc biệt là việc luật hóa các chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương theo hướng quy định tiêu chí thành lập tổ chức, sắp xếp tinh gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, quy định hợp lý số lượng cấp phó của tổ chức, giảm hợp lý số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

Từ yêu cầu trên, Chính phủ đã trình và tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020). Luật sửa đổi, bổ sung 05/50 điều của Luật tổ chức Chính phủ và 38/143 điều của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng thời, Hội nghị cũng đã triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản liên quan. Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ 2008 và Luật Viên chức có hiệu lực từ 2010 đã đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và 8 năm thực hiện Luật Viên chức, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như trong công tác tuyển dụng, chính sách thu hút nhân tài, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hay xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức…và một số quy định về chế độ công vụ cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Ngoài ra, các vấn đề về phân biệt giữa công chức và viên chức; vấn đề tại sao các đơn vị sự nghiệp công lập lại quy định có công chức.

Do vậy, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020).

Tại hội nghị, đại diện các điểm cầu đã có ý kiến về vướng mắc khi thực hiện các luật sửa đổi.

Đại diện Bộ Y tế cũng có ý kiến về việc cần làm rõ trách nhiệm hội đồng trường trong việc ban hành vị trí việc làm tại trường đại học công lập theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có chồng chéo với Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Các ý kiến thắc mắc được lãnh đạo Bộ và đại diện Vụ Công chức - viên chức trao đổi cụ thể./.

Tin mới