Triển khai những liều thuốc 'giảm đau' cho nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ vừa phát đi thông điệp mới trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19. Đó là cuộc chiến này còn lâu dài, phải xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, từ đó thích ứng và có cách làm phù hợp.

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt trên toàn quốc. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch, không ban hành quy định riêng, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp… 

Dây chuyền sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp của Nghệ An. Ảnh tư liệu
Dây chuyền sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp của Nghệ An. Ảnh tư liệu

Thông điệp này đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều hy vọng, bởi từ khi xảy ra tình trạng một số địa phương thiếu nhất quán trong quy định về giãn cách xã hội, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng đột biến, cùng với đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất và thiếu lao động trầm trọng. Khó khăn nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, do sử dụng nhiều lao động và quá trình sản xuất liên quan nhiều thủ tục, đầu mối. 

Mấy tuần qua, các đơn vị này không thể xoay xở được giấy đi đường để làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, không kịp xét nghiệm cho người lao động,... Chỉ tính riêng chi phí logistics và tuân thủ các biện pháp chống dịch đã tăng gấp nhiều lần, chưa kể nguy cơ bị phạt hợp đồng vì giao hàng chậm. Tình trạng khó khăn này đã phản ánh vào bức tranh chung của nền kinh tế tám tháng qua. Đó là, 85.500 doanh nghiệp tạm rời bỏ thị trường, tăng 24,2% so cùng kỳ và vượt xa con số doanh nghiệp thành lập mới. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,2% so tháng trước và giảm 7,4% so cùng kỳ, trong đó, mức sụt giảm mạnh nhất thuộc về ngành chế biến, chế tạo vốn là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu 3,71 tỷ USD trong khi sức tiêu thụ của thị trường nội địa tiếp tục giảm mạnh. Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất tháng 8 của một số địa phương giảm mạnh so cùng kỳ, nơi cao nhất giảm đến 60,1%. 

Chính vì vậy, từ khi bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, cộng đồng doanh nghiệp liên tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung một số giải pháp miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải nộp và thúc đẩy thực thi nhanh, hiệu quả và minh bạch các gói hỗ trợ đã được ban hành. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, ách tắc hiện đang nằm ở các địa phương với biểu hiện một số nơi vì mục tiêu chống dịch đã ban hành các quy định “ngăn sông, cấm chợ” làm tê liệt chuỗi lưu thông. 

Để vực dậy doanh nghiệp trong thời điểm đặc biệt khó khăn này, không chỉ chờ cân đối ngân sách để tung ra các gói hỗ trợ chính sách tài chính, tiền tệ mà phải bắt đầu ngay bằng các liều thuốc “giảm đau” cho nền kinh tế. Các cơ quan công quyền chủ động thích ứng và có cách làm phù hợp tình hình mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, không làm phát sinh thêm gánh nặng chi phí. 

Phòng, chống Covid-19 là cuộc chiến toàn diện, trong đó có cả vấn đề kinh tế. Xác định cuộc chiến còn lâu dài đồng nghĩa với việc phải giữ được tăng trưởng kinh tế, giữ sinh kế cho người dân. Phải chắt chiu từng cơ hội để cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động. Cứ một doanh nghiệp có cơ hội sống qua giai đoạn khó khăn này là thêm một cơ hội tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Tin mới