Triển vọng đạt thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn còn xa vời

(Baonghean.vn) -Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tái khởi động đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước, song triển vọng về việc đạt được thỏa thuận cuối cùng vẫn còn xa vời.

Giới phân tích nhận định, ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại sau khi lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nhất trí "đình chiến" trong cuộc gặp song phương ngày 29/6 tại Osaka, thì sự cạnh tranh giành tầm ảnh hưởng toàn cầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn sẽ tiếp tục.

Mặc dù Bắc Kinh có thể cố gắng làm hài lòng Tổng thống Trump bằng một số nhượng bộ trước thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, thì Trung Quốc khó có thể giải quyết các bất đồng về mặt cấu trúc giữa một bên là hệ thống kinh tế do nhà nước chi phối còn một bên là nền kinh tế thị trường mà Mỹ bảo hộ. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty
Chuyên gia David Dollar thuộc Viện nghiên cứu Brookings nhận xét: "Vấn đề ở đây là hai bên vẫn còn khá cách biệt. Trung Quốc đang dần dần mở cửa các thị trường như dịch vụ tài chính và lĩnh vực ô tô, cũng như đưa ra các bước đi cải thiện việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên nước này không sẵn sàng tạo ra sự thay đổi mang tính sâu rộng như đòi hỏi của Mỹ".

Ông ám chỉ tới việc Washington hối thúc Bắc Kinh chấm dứt "Made in China 2025" - một chương trình công nghiệp do nhà nước dẫn dắt với mục đích đưa cường quốc châu Á này chi phối trong lĩnh vực chế tạo công nghệ cao toàn cầu, và thay đổi luật liên quan doanh nghiệp quốc doanh và chính sách công nghiệp.

David Dollar cũng này cho rằng: "Chính quyền Tổng thống Trump cần phải quyết định liệu Mỹ muốn một sự nhượng bộ thực tiễn hay muốn làm leo thang cuộc chiến thương mại".

Các chuyên gia khác cũng có chung quan điểm, cho rằng sự cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh - cũng gia tăng do tham vọng bành trướng toàn cầu của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai, Con đường.

Brad Glosserman - chuyên gia đến từ trường Đại học Tama ở Tokyo, cho rằng kế hoạch 2025 của Trung Quốc gây hoài nghi rằng Bắc Kinh đang tìm cách tận dụng luật và chính sách của nước này nhằm khai thác trật tự quốc tế do Mỹ hậu thuẫn và tự biến mình trở thành cường quốc dẫn đầu trong thế kỷ XXI.

Theo ông Glosserman, điều đáng lưu ý là việc chính quyền Tổng thống Trump có quan điểm cứng rắn với chính sách thương mại và công nghiệp của Trung Quốc cũng nhận được sự ủng hộ của phe Dân chủ Mỹ./.

Tin mới