Triều Tiên sắp đạt được mục đích, Mỹ bối rối

(Baonghean.vn)- Trong khi các nước liên quan vẫn loay hoay tìm cách ứng phó thì Triều Tiên đang dần tiến đến cái đích cuối cùng: buộc cộng đồng quốc tế phải công nhận năng lực quân sự của họ, từ đó tạo ra “sân chơi” công bằng trên bán đảo Triều Tiên.

Toan tính của Bình Nhưỡng

Chỉ trong vòng 1 tháng, Triều Tiên đã hai lần liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thành công, đánh dấu một thành tựu lớn cho quốc gia chịu lệnh cấm vận suốt hàng thập kỷ qua. Tên lửa ICBM mới nhất của Triều Tiên được phóng hôm 28-7 vượt trội hơn nhiều so với tên lửa đầu tiên được phóng đi hồi đầu tháng, bởi nó được cho là có thể vươn tới các thành phố lớn của Mỹ như Chicago hay New York. Thậm chí, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nhận định, cứ đà này, không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể sớm cho ra đời một ICBM thế hệ mới với năng lực hạt nhân đáng tin cậy vào đầu năm sau, sớm hơn những gì mà các chuyên gia dự báo trước đây.

 Truyền thông Triều Tiên công bố bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un chúc mừng vụ phóng tên lửa thành công hôm 28-7. Ảnh AFP.
Truyền thông Triều Tiên công bố bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un chúc mừng vụ phóng tên lửa thành công hôm 28-7. Ảnh AFP.

Rõ ràng, Triều Tiên đã vượt qua mọi rào cản về chính trị, quân sự và kinh tế mà 5 đời Tổng thống Mỹ đã cố gắng đặt ra nhằm cản đường Bình Nhưỡng. Nói cách khác, Mỹ và quốc tế cứ trừng phạt, Triều Tiên cứ sản xuất và phóng tên lửa. Điều này khiến các cường quốc như Mỹ không khỏi “nóng mặt” và cũng giống như những người tiền nhiệm, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với thách thức không dễ vượt qua trong việc ngăn chặn Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Vấn đề đặt ra là Triều Tiên có thực sự muốn “san phẳng” nước Mỹ? Cái đích cuối cùng của Bình Nhưỡng là gì? Thực tế, nỗ lực chế tạo tên lửa có khả năng vươn tới Mỹ là mục tiêu của Triều Tiên và cho đến lúc này, mục tiêu đó đã trở thành hiện thực. Thế nhưng để phá hủy nước Mỹ bằng hạt nhân là điều khó có thể xảy ra.

Bởi ngay những người chế tạo tên lửa của Triều Tiên cũng phải tính đến cái giá của một cuộc tấn công hạt nhân. Bởi vậy, với tất cả những gì đã xảy ra, có thể thấy, mục đích của chính quyền Bình Nhưỡng không gì khác ngoài sự công nhận quốc tế rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh và tính hợp pháp chính trị. Điều đó cũng có nghĩa nước này sẽ không từ bỏ hạt nhân và tên lửa – những phương tiện răn đe và mặc cả – chừng nào chưa được công nhận.

 “Cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ hết tác dụng

Những vụ thử tên lửa thành công liên tiếp của Triều Tiên một lần nữa đặt ra câu hỏi “nước Mỹ sẽ phải làm gì tiếp theo”. Nổi giận trước vụ tên lửa mới nhất của Triều Tiên, thay vì nhằm vào Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại chĩa mũi tấn công về phía Trung Quốc. Trên Twitter, Tổng thống Trump không ngần ngại tung ra cảnh báo nghiêm khắc rằng, việc Trung Quốc chẳng làm gì với đồng minh Triều Tiên sẽ không được phép tiếp tục diễn ra.

Kể từ khi nhậm chức cách đây hơn nửa năm, Tổng thống Donald Trump cố gắng tiếp cận và giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên bằng một cách thức “an toàn”: đẩy trách nhiệm về phía Trung Quốc. Ông Trump không ít lần bày tỏ sự trông chờ và kỳ vọng về việc Trung Quốc sẽ giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng tên lửa, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bằng cả những lời mật ngọt cũng như đe dọa gây áp lực. Thế nhưng, cho đến nay, có vẻ giải pháp “cây gậy và củ cà rốt” của chính quyền Trump đã không còn phát huy tác dụng.

Thực tế, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị phá sản sau kỳ “trăng mật” đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tháng trước, Mỹ đã trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc, một công ty vận tải và hai công dân Trung Quốc vì cáo buộc các thực thể này có giao dịch với Triều Tiên. Đó có thể là tiền đề để Mỹ tiếp tục gây áp lực về kinh tế và tài chính đối với Bắc Kinh nhằm kìm hãm người láng giềng của mình.

Tuy vậy về phía Trung Quốc, dường như chưa thấy một đấu hiệu nào chứng minh họ “gây áp lực” lên Triều Tiên theo ý muốn của Mỹ. Thứ nhất, Bắc Kinh không muốn Mỹ “đá quả bóng” trách nhiệm về phía mình. Thứ hai, quan hệ Trung – Triều đã không còn nồng ấm như trước, mặc dù Trung Quốc vẫn chiếm 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Hồi đầu năm nay, Triều Tiên cũng đã cảnh báo Trung Quốc về “những hậu quả nghiêm trọng” sau khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu than và chỉ trích chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Xem ra, đã đến lúc Washington phải tìm một giải pháp khác, thay vì trông đợi từ Bắc Kinh.

Tổng thống Donald Trump đối mặt với thách thức trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ảnh Daily Star.
Tổng thống Donald Trump đối mặt với thách thức trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ảnh Daily Star.

Sống chung hay chống lại?

Giới quan sát cho rằng, lúc này, việc ngăn chặn không còn là một giải pháp hoàn hảo cho các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả các biện pháp lâu nay đã được Mỹ và các bên liên quan vận dụng, từ đối thoại đa phương, song phương cho đến sức ép từ các biện pháp trừng phạt… đều không thể ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Giờ có lẽ chỉ còn hai lựa chọn cho nước Mỹ, hoặc là “sống chung” với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân hoặc là chống lại đến cùng.

Trong những tuyên bố gần đây, giới chức Mỹ một lần nữa đề cập khả năng tấn công quân sự vào Triều Tiên. Thậm chí có thông tin cho rằng, Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ ra lệnh tấn công quân sự nhằm vào một cơ sở vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong năm tới.

Và hiện giới chức Lầu Năm Góc đã vạch ra các kế hoạch để xóa sổ một cơ sở vũ khí hạt nhân đang hoạt động phía sâu bên trong một ngọn núi ở Triều Tiên. Tuy vậy khả năng này nếu xảy ra sẽ là kịch bản tồi tệ cho an ninh khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc có lẽ sẽ không chịu “bó tay” nếu Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể đồng tình với Mỹ một khi Triều Tiên có thể “trả đũa” với hai đồng minh của Washington.

Trong bối cảnh như vậy, không ít nhà phân tích cho rằng, tấn công Triều Tiên sẽ cực kỳ mạo hiểm và Mỹ có thể phải học cách “sống chung” với Triều Tiên như với Nga, Trung Quốc và Pakistan -  những quốc gia mà Mỹ chắc chắn không muốn họ sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng buộc phải điều chỉnh để thích nghi với thực tế đó.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới