Triều Tiên sẽ chỉ ngừng thử hạt nhân một khi chính quyền Kim Jong-un tiếp tục tại nhiệm

(Baonghean.vn) – Thời gian còn rất ít nếu Mỹ mong muốn ngăn chặn Triều Tiên đạt được năng lực tấn công Mỹ với vũ khí hạt nhân. Nhận ra điều này, chính quyền và các cố vấn bên ngoài đang đưa ra một loạt lựa chọn để gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên hầu hết những đề xuất này đều đã được áp dụng- và thất bại. Một cách tiếp cận thực sự khác biệt là cần thiết. Nếu Washington muốn Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì nước này cũng phải sẵn sàng cho phép chính phủ cộng sản tại Triều Tiên sống sót.

Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ảnh: AP
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Ảnh: AP

Cái giá sẽ đắt, nhưng các lựa chọn khác lại tồi tệ hơn. Triều Tiên đã 5 lần thử vũ khí hạt nhân, và ngày 4/7 vừa qua một tên lửa với năng lượng có thể bay xa ít nhất 5.500 km đã được thử và được xác nhận là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Có rất ít lý do để nghi ngờ sớm hay muộn Triều Tiên sẽ vượt qua trở ngại công nghệ hiện nay để hướng tới mục tiêu của mình: năng lực vươn tới một thành phố lớn của Mỹ với một vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để một tên lửa có thể mang theo, nhưng đủ gồ ghề để chịu được sự khắc nghiệt khi bị quay trở lại bầu khí quyển trái đất.

Các nỗ lực trước đây của Mỹ để ngăn Triều Tiên đi theo con đường này, như hạn chế viện trợ kinh tế, đàm phán đa phương, tấn công mạng, dựa vào sức ép của Trung Quốc, thực sự không “xi nhê” gì với tham vọng quá lớn của Bình Nhưỡng sở hữu năng lực đó. Triều Tiên đã đạt bước tiến vượt bậc trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân những năm trở lại đây. Trong nhiều thập kỷ, cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ đã thất bại khi không nhận ra rằng đối với các nhà lãnh đạo Triều Tiên, năng lực tấn công Mỹ với vũ khí hạt nhân là cách đảm bảo an ninh cao nhất trước các nỗ lực lật đổ nước này của chính quyền Mỹ.

Các biện pháp khác để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng sở hữu ICBM dường như cũng thất bại. Một trận đánh phủ đầu để phá hủy năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên chắc chắn nằm trong danh sách này. Mỹ chắc chắn không thể nắm hết toàn bộ vị trí của các cơ sở chế tạo vũ khí, phần nhiều trong số này bị chôn ngầm dưới đất, nơi mà chúng rất khó bị phá hủy. Ngay cả khi toàn bộ cơ sở này có thể bị phá hủy thì kiến thức về vũ khí vẫn tồn tại trong bộ óc của các nhà khoa học và kỹ sư Triều Tiên. Sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi Triều Tiên có thể tái khôi phục năng lực hạt nhân của nước này.

Quan trọng hơn, hậu quả ngay tức khắc đó là sự hủy diệt đối với người dân Hàn Quốc và có thể là cả Nhật Bản. Khu vực thủ đô Seoul rộng lớn, với 25 triệu người sinh sống, nằm trong tầm ngắm của hàng trăm khẩu pháo và bệ phóng tên lửa của nước láng giềng Triều Tiên. Hàng trăm tên lửa đạn đạo Triều Tiên có thể vươn tới các nơi khác của Hàn Quốc, hoặc Nhật Bản nếu Bình Nhưỡng muốn. Ngoài việc gây thương vong cho hàng nghìn người, thì những vụ tấn công này có thể gây ra khủng hoảng nhân đạo ở quy mô chưa từng có.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi các lực lượng thù địch sử dụng trước
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi các lực lượng thù địch sử dụng trước

Các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng không khả thi. Các lệnh trừng phạt kinh tế của LHQ và Mỹ có rất ít tác dụng. Nước duy nhất có quan hệ kinh tế chủ yếu với Triều Tiên là Trung Quốc. Mặc dù tuyên bố mong muốn chứng kiến một Triều Tiên phi hạt nhân hóa, song cho đến nay Bắc Kinh mới chỉ áp đặt sức ép kinh tế khiêm tốn lên Bình Nhưỡng. Lý do là vì Trung Quốc đánh giá cao động cơ hạt nhân của Triều Tiên và ám chỉ tới lợi ích cá nhân của Trung Quốc.

Vũ khí hạt nhân có giá trị quân sự không đáng kể với Triều Tiên. Bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào lên Mỹ hay các đồng minh của nước này sẽ dẫn tới sự hủy diệt  nhà nước Triều Tiên. Tuy nhiên, mối đe dọa hạt nhân lại có giá trị chính trị to lớn, như một sự răn đe. Liên minh Mỹ-Hàn có thể xâm lược Triều Tiên và lật đổ chính quyền- như việc Mỹ đã làm tại Iraq năm 2003- một khi liên minh này sẵn sàng chấp nhận sự mất mát về người và của. Đối mặt với cái chết, các nhà cầm quyền Triều Tiên sẽ quyết tâm thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân nếu bị xâm lược. Vậy liệu Washington có đe dọa tới sự tồn vong của chính quyền Bình Nhưỡng?

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, vì lý do này, chính quyền Bình Nhưỡng không sẵn sàng từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và sẵn sàng đáp trả Mỹ, bất kể phải chịu sức ép như thế nào.

Hơn nữa, sự sụp đổ hoặc lật đổ chính quyền Triều Tiên sẽ dẫn tới việc nước này bị nước láng giềng miền Nam “nuốt chửng”, giống như Đông Đức bị Tây Đức sáp nhập. Việc Hàn Quốc bao trùm toàn bộ bán đảo Triều Tiên sẽ tạo ra một quốc gia dân chủ và đồng minh của Mỹ sẽ nằm ngay cạnh cửa ngõ của Trung Quốc. Do đó có thể nhận ra Trung Quốc mong Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hơn là nhìn nước này sụp đổ.

Các hoạt động tiếp tục tại cổng Bắc. Ảnh: Getty
Các hoạt động tiếp tục tại cổng Bắc. Ảnh: Getty

Suy ra, một biện pháp mới có thể được đưa ra để giải quyết khủng hoảng hiện nay: lấy vũ khí hạt nhân của Triều Tiên làm phương tiện mặc cả để nước này sống sót. Không thể phủ nhận rằng việc đảm bảo sự tồn vong của chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un vừa khó khăn vừa khó chịu. Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng từ lâu đã tìm kiếm một hiệp ước hòa bình với Mỹ. Mỹ coi bản hiệp ước này chỉ là mang giá trị biểu tượng, bởi một lệnh đình chiến đã tồn tại trên bán đảo Triều Tiên hơn 60 năm qua.

Tuy nhiên với Triều Tiên, một hiệp ước hòa bình lại thể hiện một sự thừa nhận chính thức của Mỹ rằng Bình Nhưỡng có quyền như một nhà nước độc lập. Nhất là khi Mỹ xác nhận với Trung Quốc rằng nước này sẽ cho phép Triều Tiên tồn tại vĩnh viễn, thì khi đó các nhà cầm quyền Triều Tiên sẽ hài lòng rằng Mỹ không còn có thể đe dọa sự tồn vong của họ.

Dĩ nhiên, những nhà cầm quyền này mong muốn được đảm bảo bằng kho vũ khí hạt nhân hơn là một hiệp ước. Đó là lý do vì sao họ sẽ phải chịu sự trừng phạt kinh tế nếu họ không chấp nhận từ bỏ hạt nhân- chỉ có Trung Quốc mới có khả năng áp đặt. Và để bắt ép Trung Quốc làm điều này, Mỹ đe dọa sẽ áp dụng cái gọi là “lệnh trừng phạt thứ cấp” lên các thực thể Trung Quốc kinh doanh với Triều Tiên nếu Bắc Kinh không gây sức ép lên Bình Nhưỡng.

Một quốc gia khác lợi ích cần được cân nhắc: Hàn Quốc. Chính quyền Seoul hiểu rằng một sự “nuốt chửng” bất ngờ Triều Tiên sẽ rất tốn kém và đau đớn, hơn rất nhiều sự tái thống nhất tại Đức.

Lợi ích của Hàn Quốc có được, đầu tiên là sự cải cách của Triều Tiên và mở cửa nền kinh tế trong một vài thập kỷ trước khi thống nhất với Hàn Quốc. Đặc biệt, với sự đảm bảo rằng Mỹ-Hàn không lật đổ họ, các nhà cầm quyền Triều Tiên sẽ có đủ tự tin trong vấn đề an ninh để cho phép cải cách kinh tế hơn nữa.

Mặc dù khó dự đoán về hậu quả của một hiệp ước giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng về việc cho phép chính quyền Triều Tiên tồn tại vĩnh viễn, thì lợi ích về mặt an ninh đối với Mỹ và các đồng minh sẽ rõ ràng ngay lập tức: các chương trình tên lửa tầm xa và hạt nhân của Triều Tiên sẽ được ngăn chặn hoàn toàn.

Không có gì đảm bảo cách tiếp cận được nêu trong bài viết này sẽ mang lại thành công, song rõ ràng rằng tất cả các cách tiếp cận khác được tiến hành từ trước đến nay đều thất bại. Đã đến lúc thử điều gì đó mới./.

Lan Hạ

(Theo National Interest)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới