Trở lại những bản làng vượt biên đi bán bào thai

(Baonghean.vn) -Tròn nửa năm sau khi Báo Nghệ An phát hiện và thông tin rộng rãi, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều kẻ chuyên dụ dỗ phụ nữ sang Trung Quốc bán bào thai. Trong khi đó, để phòng ngừa thực trạng này tiếp tục diễn ra, công an phải đưa cả những phụ nữ mang bầu ở địa phương vào “danh sách quản lý”

Quản lý bà bầu

Tròn nửa năm sau khi thực hiện loạt phóng sự điều tra về tình trang phụ nữ huyện vùng cao này vượt biên sang Trung Quốc đẻ sau đó bán con, chúng tôi quay trở lại xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn). Đây được xem là một trong những “điểm nóng” khi có hơn 20 phụ nữ được xác định qua Trung Quốc bán bào thai chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt là tại bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Những bản này chủ yếu là người dân tộc Khơ Mú.

Bản Đỉnh Sơn 1 là nơi sinh sống của đồng bào người Khơ Mú.
Bản Đỉnh Sơn 1 là nơi sinh sống của đồng bào người Khơ Mú.

Những ngày đầu tháng 6, con đường bê tông ngoằn nghèo dẫn vào bản Đỉnh Sơn 1 vắng hoe. Mùa này, người dân ở đây thường lên rẫy cách khá xa bản, phải mất nhiều tiếng chờ đợi, chúng tôi mới gặp được chị Lữ Thị H. (37 tuổi). Chị là một trong những phụ nữ qua Trung Quốc bán bào thai trở về mà Báo Nghệ An đã đề cập trong loạt bài trước đây.

“Không dám đi nữa đâu. Có trả tiền tỷ cũng không bán con nữa, thương lắm”, chị H. nói.

Người phụ này kể rằng, sau khi Báo Nghệ An đăng tải, chính quyền địa phương, công an thường xuyên đến gặp chị. Họ đến vừa để lấy lời khai, cũng vừa để vận động, tuyên truyền. Thông qua những cuộc gặp gỡ đó, chị mới dần nhận ra được sai lầm của 2 vợ chồng.... “Mình sai rồi. Cũng chỉ vì cái nghèo nó thôi thúc. Nhưng bây giờ dù có chết đói cũng không bán con nữa”, H. nói.

Công an làm việc với những phụ nữ vừa trở về sau khi sang Trung Quốc bán con.
Công an làm việc với những phụ nữ vừa trở về sau khi sang Trung Quốc bán con.

Nhiều tháng nay, Công an các xã ở Kỳ Sơn thường có một danh sách quản lý khá đặc biệt. Những người nằm trong danh sách này không phải là con nghiện, cũng chẳng phải thành phần bất hảo thường xuyên gây rối. Họ đơn giản chỉ là những phụ nữ trên địa bàn đang mang thai.

Đó là một trong những biện pháp mà Công an huyện Kỳ Sơn triển khai từ đầu năm nay để phòng ngừa tình trạng mua bán bào thai xảy ra ở địa phương này.

Theo Trung tá Lô Văn Thao - Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn, sau khi lên danh sách, công an xã có trách nhiệm chia từng người, từng bản để quản lý. “Đồng chí nào được giao phụ trách quản lý phụ nữ nào thì phải đến gặp người đó ít nhất 2 lần mỗi tuần. Quá trình đến gặp phải mặc trang phục công an, phải vào tận nhà và nhìn thấy bà bầu vẫn còn ở đó rồi mới ra về làm báo cáo. Ngoài ra, chỉ cần nghe ngóng được một chút thông tin nào đó cũng phải xuất hiện ngay để ngăn chặn họ qua Trung Quốc bán con”, Trung tá Thao nói và cho hay, việc quản lý này chỉ kết thúc sau khi bà bầu sinh con tại địa phương.

Trong danh sách này, công an cũng tập trung chú ý hơn đối với những phụ nữ người Khơ mú, những người đang mang bầu con thứ 3 trở lên. Đây là những mục tiêu dụ dỗ của những kẻ chuyên đưa phụ nữ qua Trung Quốc bán bào thai. “Ở một số bản, nếu mang bầu đứa thứ 3 trở lên, mình mà quản lý không chặt thì chắc chắn sẽ đi bán”, Trung tá Thao nhận định.

Moong Thị Oanh và mẹ là những nhân vật mà Báo Nghệ An đã phản ánh trong loạt bài về việc dụ dỗ hàng xóm qua Trung Quốc bán con. Hiện Oanh đã bị cơ quan điều tra khởi tố.
Moong Thị Oanh và mẹ là những nhân vật mà Báo Nghệ An đã phản ánh trong loạt bài về việc dụ dỗ hàng xóm qua Trung Quốc bán con. Hiện Oanh đã bị cơ quan điều tra khởi tố.

Khởi tố nhiều phụ nữ

Theo Công an huyện Kỳ Sơn, việc mua bán bào thai là thủ đoạn rất mới của tội phạm mua bán người, các đối tượng hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng này chủ yếu đi tới các vùng có nhiều đồng bào Khơ mú sinh sống, nhắm tới những phụ nữ mang thai vỡ kế hoạch, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nhận thức kém để dụ dỗ. Chúng thường đánh vào tâm lý “sợ bị phạt vì sinh con thứ 3” của người dân, đồng thời đưa ra những lời dụ dỗ như “nếu đưa con sang Trung Quốc sinh thì vợ chồng vừa được tiền, vừa không phải vất vả nuôi con. Con sinh ra sẽ được chăm sóc tử tế...”.

Sau khi nhận lời, hai bên bắt đầu thỏa thuận giá cả. “Tất cả những hoạt động này được tiến hành bí mật, có móc nối chặt chẽ với các đối tượng người Việt Nam ở Trung Quốc. Hình thành đường dây kín đáo. Khi đã có sự thỏa thuận, đối tượng thường không trực tiếp xuất hiện mà chủ yếu sử dụng điện thoại để liên lạc, hướng dẫn đường” - Trung tá Thao kể.

Moong Thị Lý, một trong những kẻ đưa phụ nữ Kỳ Sơn qua Trung Quốc bán con hiện cũng đã bị khởi tố.
Moong Thị Lý, một trong những kẻ đưa phụ nữ Kỳ Sơn qua Trung Quốc bán con hiện cũng đã bị khởi tố.

Ngay sau khi Báo Nghệ An phản ánh, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến chỉ đạo do vướng mắc một số quy định nhưng đến nay vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào được ban ra để xử lý tình trạng này.

Trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có 5 tội liên quan đến hành vi mua bán người nhưng không nhắc đến việc mua bán bào thai. Trong khi đó, để cấu thành tội phạm thì phải có bị hại. Tuy nhiên, trong các vụ án này không có bị hại nên không thể xử lý được. Bị hại ở đây chính là những đứa trẻ, là những bào thai. Nhưng nhiều chuyên gia luật cho rằng, bào thai chưa phải là con người...

Tuy vậy, để tạo được sự răn đe, từ đầu năm đến nay, Công an Kỳ Sơn đã khởi tố 4 phụ nữ về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép với mục đích bán bào thai. 3 trong số 4 phụ nữ này đều là nhân vật mà Báo Nghệ An đã đề cập tới. Họ là những kẻ chuyên đi dụ dỗ phụ nữ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn để đưa sang Trung Quốc bán con, tuy nhiên do luật chưa quy định rõ nên cơ quan điều tra chỉ có thể khởi tố tội danh này.

Một trong số đó là Moong Thị Oanh (32 tuổi, bản Chà Lắn, xã Hữu Lập). Nhiều năm trước, Oanh bỏ chồng, qua Trung Quốc làm thuê rồi kết hôn với một người đàn ông bản địa. Đầu năm 2018, biết người hàng xóm Lương Thị Mùi (48 tuổi, đang mang thai đứa thứ 6 có gia cảnh khó khăn), mẹ con Oanh liền tiếp cận dụ dỗ qua Trung Quốc bán bào thai với lời hứa sẽ trả 60 triệu đồng.

Một trong những phụ nữ đi bán bào thai ở Trung Quốc trở về.
Một trong những phụ nữ đi bán bào thai ở Trung Quốc trở về.

Sau khi vượt biên, Mùi được đưa về nhà riêng của vợ chồng Oanh. Bị giam lỏng ở đây 35 ngày, Mùi sinh được 1 bé trai bụ bẫm. Oanh sau đó bế bé trai này đi bán. 20 ngày sau khi sinh con, Mùi được 2 mẹ con Oanh dẫn về Việt Nam. Tuy nhiên, không như lời hứa ban đầu, về đến bản Chà Lắn, Mùi chỉ được Oanh trả 4 triệu đồng cho đứa con đã bán. Vợ chồng anh Thương sau đó đến trình báo với ban quản lý bản để nhờ những người có uy tín trong bản đến gây áp lực, đòi tiền.

Ngoài ra, còn một nhân vật khác chúng tôi đã đề cập là Lữ Thị Khươn (bản Đỉnh Sơn 1). Khươn chính là người chuyên đưa những phụ nữ ở bản này qua Trung Quốc bán bào thai. Thời điểm đăng tải loạt phóng sự, do sợ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, chúng tôi đã không tiết lộ tên thật của người phụ nữ này. Mặc dù vậy, trước khi bị khởi tố, Khươn đã kịp bỏ trốn. Hiện cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.  

Đồng thời với việc khởi tố những kẻ trong đường dây mua bán bào thai, Trung tá Lô Văn Thao cho biết, thời gian qua Công an Kỳ Sơn cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền để mục đích phòng ngừa. Trong đó, đặc biệt tập trung ở 9 xã có người dân tộc Khơ mú sinh sống. Công an huyện này đã phải chuẩn bị nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền như tài liệu tuyên truyền bằng miệng, tài liệu đọc qua loa phát thanh của địa phương, xây dựng các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích....

Ngoài ra, công an cũng thành lập các tổ công tác, mỗi tổ khoảng 4 đồng chí chủ yếu là cán bộ có kỹ năng dân vận và thông thạo tiếng Khơ mú để phối hợp với chính quyền trực tiếp xuống tận hộ gia đình để tuyên truyền. Sau khi họp dân, tổ công tác sẽ tổ chức cho các cặp vợ chồng ký cam kết không bán con.

Trục lợi từ nỗi đau của người khác

Tiên cùng các nạn nhân trong vụ tai nạn được cơ quan chức năng đưa về quê.
Tiên cùng các nạn nhân trong vụ tai nạn được cơ quan chức năng đưa về quê.
Gần nửa năm sau khi được đưa về quê, sức khỏe của chị Xeo Thị Tiên (37 tuổi, bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu), đã ổn định trở lại. Chị Tiên là 1 trong 5 phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn bị tai nạn giao thông ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), gần 9 tháng trước khiến 1 người tử vong, 4 người còn lại bị thương nặng. Họ gặp nạn khi đang trên hành trình bán bào thai mà Báo Nghệ An đã có loạt bài phản ánh tròn nửa năm trước.

Không chỉ là người trực tiếp đi bán con, trước khi đi Tiên còn rủ thêm người hàng xóm Moong Thị Lâm khiến chị này phải bỏ mạng. Lúc đó, Lâm đang mang thai tháng thứ 8. “Ân hận lắm rồi”, Tiên nói, khuôn mặt đầy vẻ sợ hãi khi nhớ lại chuyến xe định mệnh nơi xứ người.

Vụ tai nạn giao thông này xảy ra ở xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), vào ngày 20/9. Công an huyện Lâm Chương sau đó đã điều tra và bắt được lái xe gây tai nạn. Buộc lái xe phải chi trả tiền viện phí và bồi thường cho những người bị thương. Sau khi xuất viện, Tiên cùng 3 phụ nữ khác bị tạm giữ ở đây.

Trong khi đó, ở quê nhà Kỳ Sơn, nghe tin vợ gặp nạn nhiều tháng không thể trở về, chồng Tiên, anh Ốc Văn Long không khỏi lo lắng. Nhưng từ nhỏ đến giờ, Long chưa một lần rời xa khỏi cái xó núi này, tiếng Kinh thì bập bẹ, anh chẳng dám tự tin qua xứ người tìm vợ. Lúc này, Long tìm đến Moong Văn Tình - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chiêu Lưu vì biết ông này thường xuyên đi Trung Quốc.

Cho rằng đây là cơ hội kiếm tiền, Tình đề nghị “Nếu gia đình có muốn đưa chị Xeo Thị Tiên về thì đưa 15 triệu đồng đây”. Anh Long sau đó phải vay mượn khắp nơi mới đủ số tiền đó để đưa cho Tình. Tuy nhiên, theo lời chị Tiên, khi sang tới Trung Quốc, gặp chị tại bệnh viện, Tình chỉ dọa nạt chị chứ không đưa chị về Việt Nam.

Moong Văn Tình tại cơ quan điều tra.
Moong Văn Tình tại cơ quan điều tra.

Đến tháng 1/2019, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cùng với Công an tỉnh Nghệ An và Tổ chức Bảo vệ trẻ em Rồng Xanh đã đưa chị Tiên cùng 3 phụ nữ khác trong vụ tai nạn này về tới huyện Kỳ Sơn để bàn giao cho gia đình. Chị Tiên nói rằng, để được về Việt Nam, Tình không hề có một công lao gì. Sau khi được đưa về nhà, vợ chồng chị Tiên đến đòi lại số tiền 15 triệu nhưng vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã vẫn nhất quyết không trả lại và cho rằng, họ được trở về là do công của ông ta... Sau nhiều tháng không đòi được tiền, ít ngày trước, vợ chồng chị đã làm đơn tố cáo Tình lên công an.

Nghi vấn nằm trong đường dây buôn người

Trùng hợp, ngay sau khi gửi đơn tố cáo, Cơ quan điều tra Công an huyện Kỳ Sơn cũng lập tức khởi tố, bắt Moong Văn Tình để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tài Điều 140, BLHS năm 1999. Tuy nhiên, vị cán bộ xã này bị khởi tố trong một vụ án khác, còn tố cáo của vợ chồng Tiên cùng như một số nghi vấn khác về vị cán bộ này, công an vẫn đang tiếp tục xác minh.

Theo đó, ngày 8/5, Công an Kỳ Sơn tiếp nhận đơn trình báo của anh Xeo Văn Toàn (44 tuổi), trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn tố cáo Tình chiếm đoạt số tiền 48 triệu đồng của vợ chồng anh. Theo điều tra của công an, khoảng tháng 4/2016, chị Lữ Thị Thúy (vợ anh Toàn) bị Công an huyện Tương Dương khởi tố hành vi “Mua bán người” nhưng được cho tại ngoại. Đến ngày 1/5/2016, Tình gọi chị Thúy đến nhà để “bàn bạc”. Tại đây chị Thúy đưa cho Tình 500.000 đồng để mua bia uống. Sau khi uống bia xong, chị Thúy nhờ vả Tình xin để giảm án, Tình yêu cầu đưa số tiền 30 triệu đồng để lo liệu. Chị Thúy đồng ý và đưa 30 triệu đồng cho Tình.

Bản Đình Sơn 1, nơi những phụ nữ xem việc bán con như một cách kiếm tiền.
Bản Đình Sơn 1, nơi những phụ nữ xem việc bán con như một kế sinh nhai.

Mấy ngày sau, Tình lại tiếp tục gọi điện cho chị Thúy chuẩn bị thêm 18 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng để lo việc cho Thúy, còn 8 triệu đồng ông ta nói là vay tiền cá nhân. Tin tưởng vị cán bộ xã có quan hệ rộng, chị Thúy lập tức đồng ý. Tuy nhiên, không như mong đợi của người phụ nữ này, ngày 22/9/2016, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Thúy 4 năm tù giam nhưng chưa phải thi hành án do đang phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Sau khi về địa phương, Thúy tới nhà Tình để hỏi vì sao nhận tiền rồi mà không lo được cho Thúy thì ông ta nhiều lần tỏ thái độ thách thức, dọa nạt.

Trung tá Lô Văn Thao cho biết, sau khi bị bắt, Moong Văn Tình luôn tỏ thái độ không hợp tác. Tuy nhiên, với những chứng cứ thu thập được của cảnh sát, ông ta sau đó đã phải cúi đầu nhận tội. Liên quan đến việc vợ chồng chị Xeo Thị Tiên tố cáo Tình chiếm đoạt 15 triệu đồng, bước đầu công an cũng đã xác định có việc này. Ngoài ra, Tình còn bị tố cáo trong quá trình sang Trung Quốc, ông ta đã nhận tiền bồi thường từ thủ phạm gây tai nạn giao thông nhưng sau đó không đưa cho các nạn nhân. “Tất cả những tố cào này chúng tôi vẫn đang chờ bản dịch các hồ sơ, tài liệu từ Trung Quốc gửi qua đồng thời lấy lời khai nhiều nhân chứng khác để tiếp tục làm rõ”, Trung tá Thao nói.

Đến nay, pháp luật vẫn chưa được điều chỉnh để xử lý loại tội phạm liên quan đến mua bán bào thai.
Đến nay, pháp luật vẫn chưa được điều chỉnh để xử lý loại tội phạm liên quan đến mua bán bào thai.

Còn ông Lương Thịnh Vượng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu nói rằng, Tình (45 tuổi), sau khi đi bộ đội về thì làm Xã đội trưởng của Chiêu Lưu. Anh ta sau đó làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh của xã, trong quá trình làm việc rất năng nổ. Tại Đại hội vừa được tổ chức, Tình tiếp tục trúng cử vào chức vụ này nhiệm kỳ 2. “Tuy nhiên, từ lâu tôi cũng đã nghi ngờ Tình vì có những dấu hiệu rất bất thường. Ở miền núi, vợ chỉ làm nông nhưng có xe ôt ô xịn để đi”, ông Vượng nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, hàng ngày cứ sau giờ làm việc, Tình lại chạy xe vào các bản người Khơ mú để “to nhỏ” với người dân ở đây "một cách rất bí ẩn". Còn những ngày cuối tuần, anh ta lại thường có mặt ở Trung Quốc. “Tôi chỉ quản lý cán bộ vào giờ hành chính. Với anh Tình, cứ cuối ngày thứ Sáu lại sang Trung Quốc rồi đến tuần sau về. Có lần tôi hỏi, anh ấy còn nói "Nếu bác muốn sang Trung Quốc thì em đưa đi, dễ lắm". Tôi cũng nghi nghi liệu có phải anh Tình nằm trong đường dây đưa người đi nước ngoài không”, ông Vượng nói.

Chiêu Lưu là một trong những xã có số lượng người sang Trung Quốc làm việc trái phép đông nhất của Nghệ An. Đặc biệt là đối với người dân tộc Khơ mú. Cũng theo Chủ tịch UBND xã, hầu như ngày nào ở xã này cũng có 1 người trở về từ Trung Quốc hoặc lên đường sang bên đó. Nhiều phụ nữ qua đó làm việc thường có con với đàn ông Trung Quốc rồi mang về địa phương cho gia đình chăm sóc. 

Pháp luật vẫn chưa được điều chỉnh
Gửi báo cáo đến Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn trước thềm phiên chất vấn trong Kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, lực lượng Công an đã phát hiện khá nhiều vụ buôn bán trẻ em, bào thai qua Trung Quốc.
Đơn cử, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn, mang thai sang Trung Quốc sinh con rồi bán.
Tuy phát hiện khá nhiều vụ việc, nhưng theo báo cáo của Bộ trưởng Tô Lâm, việc xử lý còn khá nhiều vướng mắc. Đối với các vụ việc dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con đem bán, bản chất của hành vi là “mua bán trẻ em”, nhưng do không giải cứu được nạn nhân (cháu bé) và không có tài liệu, căn cứ nào xác định được mẹ nạn nhân đi Trung Quốc (chỉ có lời khai của mẹ nạn nhân và lời khai của đối tượng), nên việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Công an một số địa phương phát hiện một số vụ việc khi các đối tượng đang trên đường đưa người phụ nữ mang thai đi Trung Quốc để sinh rồi bán con cho người Trung Quốc, nhưng giai đoạn này, người mẹ chưa sinh, nên nếu truy tố về tội “mua bán người” hoặc “mua bán người dưới 16 tuổi” theo Điều 150, 151, Bộ Luật hình sự thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này. Hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh đối với hành vi mua bán bào thai.
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: VnExpress
Theo báo cáo của Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, việc xử lý buôn bán trẻ em, bào thai còn khá nhiều vướng mắc. Ảnh: VnExpress
Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hình sự năm 2015, phần liên quan đến tội phạm mua bán người; Luật Phòng, chống mua bán người, nhất là liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán,... còn chậm.
Năm 2018, Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ về phòng, chống tội phạm đã đề ra rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 8 văn bản, nhưng đến nay mới ban hành được Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 11/2/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Việc nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm mua bán người, tổ chức mang thai hộ,  mua bán bào thai ở một số địa phương còn bị động, chủ yếu phát hiện qua đơn tố giác của người bị hại hoặc gia đình nạn nhân. Một số vụ đã rõ đối tượng phạm tội và có đủ chứng cứ chứng minh hành vi mua bán người, đã xác định được nạn nhân, nhưng nạn nhân chưa được giải cứu hoặc chưa đến trình diện với cơ quan tư pháp, khiến các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương còn chưa thống nhất trong việc giải quyết vụ án.

Thêm vào đó, theo Bộ Công an, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; mang thai hộ xuyên quốc gia gặp nhiều khó khăn. Việc chưa thống nhất được tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của Việt Nam với một số nước, đặc biệt là với Trung Quốc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tra vụ án, giải cứu nạn nhân; việc trả lời ủy thác điều tra của phía nước ngoài còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra của vụ án mua bán người.

Tin mới