Tròn 100 năm Bác Hồ đến với quê hương của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm đến Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) để tìm hiểu kỹ hơn về con đường cứu nước, cứu dân dưới ánh sáng vĩ đại của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917. 
Nước Nga ngày nay.

Nước Nga ngày nay.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến các nước tư bản tiên tiến nhất là Pháp, Mỹ, Anh và các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ… Tại những nơi này, Người đã nghiên cứu những cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu nhất thời cận đại và nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[1]. Người đưa ra kết luận “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”[2].

Tháng 7/1920, Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) ở Pháp đã tác động to lớn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Người nhớ lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc thế thứ ba”[3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh (hàng đầu, thứ nhất từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản vào năm 1924. Ảnh tư liệu lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh (hàng đầu, thứ nhất từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản vào năm 1924. Ảnh tư liệu lịch sử

Tháng 6/1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Liên Xô và ở lại đây đến khoảng đầu tháng 10/1924. Người đến Liên Xô theo lời mời của Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp. Người rất muốn gặp V.I.Lênin để được chỉ dẫn về con đường cứu nước, cứu dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân vào tháng 10/1923 và Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gồm 11 ủy viên. Nhà thơ – nhà báo Liên Xô Osip Mandelstam đã gặp Người và sau đó ông đã viết bài báo “Thăm một chiến sĩ Quốc tế Cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tạp chí Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) số 39 ra ngày 23/12/1923.

Bắt đầu từ cuối năm 1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông. Trường thành lập tại Moscow năm 1921 theo quyết định của Quốc tế Cộng sản nhằm mục đích đào tạo cán bộ cách mạng trước hết cho các nước phương Đông thuộc Liên Xô và các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tại đây, các học viên được trang bị những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, phương pháp tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng. Trong thời gian học tập, học viên sẽ được học các môn quan trọng như chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị, lịch sử phong trào công nhân quốc tế, lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc…

Tháng 6/1924, phát biểu với tư cách đại diện Đại Cộng sản Pháp tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần gửi người bản xứ thuộc địa sang Moscow theo học Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông. Dưới sự giới thiệu của Người, từ năm 1925 đến cuối những năm 1930 đã có hơn 60 sinh viên Đông Dương sang học tập tại trường. Theo một số tài liệu, tới năm 1935, đã có 47 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp. Những sinh viên Việt Nam được đào tạo tại trường trở về Tổ quốc hoạt động đã trở thành nòng cốt của cách mạng, nhiều người đã trở thành lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, trong đó có các Tổng Bí thư của Đảng ta như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập.

Năm 1924, ngoài việc tham dự sự kiện lớn là Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (6/1924), Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dự Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản Thanh niên (6/1924), Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cứu tế Đỏ (7/1924), Đại hội lần thứ ba Quốc tế Công hội Đỏ (7/1924), dự mít-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), dự mít-tinh vì hòa bình thế giới (ngày 6/7/1924) tại Quảng trường Đỏ...

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định sâu sắc, toàn diện về Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức, các thuộc địa làm cách mệnh để đạp đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[4].

Vào ngày 3/2/1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1934-1938, tại Liên Xô, Người theo học Trường Quốc tế Lênin và sau đó làm việc tại Viện Nghiên cứu dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Tháng 8/1938, Người không chọn con đường trở thành cán bộ giảng dạy của Quốc tế Cộng sản mà xin trở về nước.

Giấy thông hành số 1829, do Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Đức cấp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với bí danh “Chen Vang” làm nghề thợ ảnh, ngày 16/6/1923. Ảnh tư liệu lịch sử

Giấy thông hành số 1829, do Đại diện toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga tại Đức cấp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với bí danh “Chen Vang” làm nghề thợ ảnh, ngày 16/6/1923. Ảnh tư liệu lịch sử

Mùa Xuân năm 1941, vào ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ ngày 8/2/1941, Người ở và làm việc tại hang Cốc Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Người đã đặt tên cho núi Pha Tào là núi Các Mác và con suối Khuổi Mịn là suối Lênin. Trên một chiếc bàn đá, Người đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô để làm tài liệu hoạt động cho cách mạng Việt Nam. Những điều này thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô Vorosilop dẫn đầu thăm Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch ngày 20/05/1957. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô Vorosilop dẫn đầu thăm Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch ngày 20/05/1957. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhớ lại: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[5].

Trong bài viết “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” (1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười”[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (1960). Ảnh tư liệu lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (1960). Ảnh tư liệu lịch sử

Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhận định: “Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[7].

Phát biểu tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 12/9/1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã nhấn mạnh: “Do hiểu rõ tầm quan trọng lịch sử vô cùng lớn lao và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười vinh quang, do tiếp thu tư tưởng sáng ngời của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ trong Chủ nghĩa Mác – Lênin bài học và con đường để tìm ra giải pháp cho tất cả các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân áp bức và bóc lột”[8].

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 268

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 280

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 392-393

[7] Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969

[8] Nhiều tác giả, “Fidel Castro và Việt Nam: Những kỷ niệm không quên”, Nxb.Thế giới, Hà Nội, 2020, tr.69

Tin mới