Trồng đào mốc bán Tết thu khá ở rẻo cao Nghệ An

(Baonghean.vn) - Đào Kỳ Sơn nổi tiếng có thân cao, cành to, búp hoa nở to. Với độ cao trên 1000m so với mực nước biển, khí hậu lạnh quanh năm, phù hợp cho loại đào mốc phát triển. Nắm được nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân ở Kỳ Sơn đã phát triển các mô hình trồng đào bán vào dịp Tết mang lại thu nhập cao.

Tết này, anh Xồng Bá Lẩu, bản Buốc Mú, xã Na Ngoi đã có một cái Tết đủ đầy nhờ vườn đào nhà mình. Anh Lẩu cho biết: “Hiện nay gia đình đang có vườn đào hơn 800 gốc, toàn bộ là đào đá, đào rêu mốc, trồng đã hơn 10 năm tuổi. Nhờ số gốc đào này mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 80 đến 100 triệu đồng, Tết năm nay đào đắt, thu nhập hơn 100 triệu đồng, đây là khoản thu nhập chính của nhà tôi, nhờ có vườn đào gia đình sắm Tết được khá đầy đủ”.

Gia đình anh Lầu Giống Và, bản Ka Nọi ở cùng xã Na Ngoi cũng trồng đào nhiều năm, nhưng do trước đây gia đình anh chỉ trồng đào ở trên các sườn núi cao để lấy quả ăn hoặc gùi quả về bán, nên việc vận chuyển cành đào ra bán gặp rất nhiều khó khăn, nên hiệu quả từ cây đào mang lại rất thấp.

Nay gia đình anh Và đã tự ươm giống và trồng hơn 500 gốc đào ngay sau vườn nhà, cùng với đó anh cũng dành nhiều thời gian chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng cho cây.

Những mô hình trồng đào mốc ở Kỳ Sơn ngày một nhiều. Ảnh: Lữ Phú
Những mô hình trồng đào mốc ở Kỳ Sơn ngày một nhiều. Ảnh: Lữ Phú 

Anh Và chia sẻ: “Loại đào này rất dễ chăm sóc và phát triển nhanh, sau 3 năm cây đào có thể ra hoa, đến năm thứ 4 là bán cành được. So với bán quả thì bán cành đào vào dịp Tết dễ bán hơn, lợi nhuận mang lại cao hơn. Năm nay, gia đình tôi đã có thu nhập năm đầu tiên từ trồng đào, những năm sau hứa hẹn khấm khá hơn”.

Cây đào rừng đang là loại cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác. Không chỉ có kinh nghiệm, đồng bào Mông trồng đào ở Kỳ Sơn cũng biết áp dụng các kỹ thuật: Cưa cành, cắt tỉa lá, cho đào để đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán và cho hiệu quả kinh tế cao.

Nghề trồng đào đang là hướng đi đúng đắn đem lại hiệu quả kinh tế ở Kỳ Sơn. Từ chỗ trồng lấy quả, từ năm 2010 trở lại đây, trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn đã xuất hiện nhiều mô hình trồng đào mang lại thu nhập ổn định, nhất là các mô hình trồng đào do thanh niên làm chủ. Diện tích cây đào trên địa bàn huyện cũng vì thế mà không ngừng được mở rộng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nhiều người vào bản thu mua đào mốc chở ra thụ trấn Mường Xen bán dịp Tết. Ảnh: Lữ Phú
Nhiều người vào bản thu mua đào mốc chở ra thụ trấn Mường Xen bán dịp Tết. Ảnh: Lữ Phú

“Ngoài chăn nuôi trâu bò, trồng gừng, thì trồng đào bán hoa là một cách làm mới, hiệu quả cao ở Kỳ Sơn. Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 100 hộ có mô hình trồng đào bán hoa, bán cành. Hoa đào của đồng bào Mông Kỳ Sơn trồng có búp nở hoa to, thương lái vào tận vườn thu mua giá cao, thấy dễ bán nên người dân trong xã cũng rất tích cực mở rộng thêm nhiều diện tích, cho bà con cái Tết thêm đủ đầy”, ông Xồng Vả Dềnh - Phó Chủ tịch UBND xã Na Ngoi,  huyện Kỳ Sơn cho biết.

Trước đây bà con Kỳ Sơn trồng đào lấy quả là chính, nay đã có nhiều vườn trồng đào lấy hoa bán Tết. Ảnh: Đào Thọ.
Trước đây bà con Kỳ Sơn trồng đào lấy quả là chính, nay đã có nhiều vườn trồng đào lấy hoa bán Tết. Ảnh: Đào Thọ.

Tin mới