Trông người, ngẫm ta...

(Baonghean) - Vài năm trước, bạn tôi sống ở thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) khoe: Cam Cao Phong giờ là nhất cả nước. Tôi cười, nói như thế là bạn chưa mấy hiểu về cam. Nghệ An mình mới là địa phương cam lớn nhất cả nước. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, cam Vinh thơm ngon nức tiếng đã in đậm trong tâm trí người tiêu dùng; đã xuất khẩu sang các nước Đông Âu…

Năm ngoái ra Thủ đô Hà Nội chơi, mấy đứa em sống ngoài này lại nói: Cam Cao Phong giờ đã ăn đứt cam Vinh rồi. Ở đây, siêu thị nào cũng thấy bày bán cam Cao Phong. Có lẽ, cam Cao Phong đã vượt cam Vinh, chiếm vị trí độc tôn. Tôi bảo: Có mà đến mùa quýt mặn!… Sau này, tôi vẫn phải nghe thêm nhiều lời ngợi khen chất lượng cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình nhưng tôi vẫn tuyệt đối không tin. Vì tôi nghĩ, cam Vinh có nhiều yếu tố vượt trội cả về chất lượng và hình thức mà cam ở các địa phương khác không thể nào sánh kịp.

Thế rồi mới đây, được biết về Lễ hội Cam Cao Phong. Hóa ra, cái tỉnh Hòa Bình hay thật, tổ chức hẳn lễ hội cho cam. Lễ hội cam có tới 300 gian hàng, trưng bày và bán sản phẩm cam, quýt, bưởi; bên cạnh đó, còn có các gian hàng du lịch, thương mại tổng hợp, ẩm thực truyền thống các tỉnh vùng Tây Bắc. Chương trình lễ hội thì có các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ sản xuất cam, tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu; và các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam…

Biết về Lễ hội Cam Cao Phong, lại nghĩ về lời bạn và mấy đứa em đã nói. Ừ, cam Cao Phong đã được bảo hành về chất lượng! Thông qua lễ hội, tỉnh Hòa Bình và các nhà sản xuất có sự gắn kết bền chặt với các hội đoàn, doanh nghiệp và người tiêu dùng rộng khắp cả nước. Với sự quan tâm của toàn hệ thống, và sự quan tâm có khoa học, bài bản; chăm bẵm từ khâu sản xuất, quảng bá hình ảnh, cho đến bao tiêu sản phẩm, thì cam Cao Phong tạo được tiếng vang cũng phải thôi. 

Đem chuyện Lễ hội Cam Cao Phong nói với ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN, là đơn vị đã xây dựng nên Chỉ dẫn địa lý Cam Vinh. Thoáng chút buồn, ông cũng mới từ ngoài đó về. Rồi ông kể, ngoài ấy mọi thứ cũng đều như Nghệ An ta cả, trừ khâu quảng bá thông qua lễ hội và sự quan tâm sâu sát hơn của các cấp liên quan. Ở ta hiện đã có một số doanh nghiệp, trang trại lớn quan tâm, xây dựng nhãn hiệu bao bì và các cửa hàng bán cam ở Hà Nội, Vinh nhưng số lượng chưa nhiều.

Sở KH&CN cũng mới trình bộ chủ quản để có được sự hỗ trợ xây dựng thí điểm chuỗi giá trị cây cam. Đồng thời, đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh, Sở VH-TT&DL và huyện Nghĩa Đàn, tại Lễ hội Hoa Hướng dương dịp tháng 12, nên đưa vào một trong những nội dung chính là đặc sản miền Tây xứ Nghệ. Nhưng không biết rồi đây sẽ thế nào…

Nghe trao đổi, tôi hiểu tâm trạng của ông Thành. Sòng phẳng mà nói, ở Nghệ An mình, sự quan tâm của cấp tỉnh, cấp huyện và các sở, ngành không phải không có. Thể hiện là việc đầu tư không ít công sức để xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho Cam Vinh từ tận năm 2007. Rồi sau đó tạo dựng Hiệp hội cam Vinh… Nhưng nhìn lại, các hoạt động nhằm mục tiêu nâng tầm thương hiệu cam Vinh lại ngày càng èo uột, mạnh ai nấy làm. Đến cái nhãn cho cam Vinh đã in ra rồi chỉ để… cất vào tủ.

Sự quan tâm của các cấp đối với cam Vinh bây giờ, nói “có” cũng đúng mà nói “không” cũng chả sai. Trong khi, người sản xuất, tiểu thương thì tư tưởng chụp giật, không quan tâm giữ gìn thương hiệu. Trong mùa cam mà thật giả lẫn lộn. Đến người Vinh ra chợ mua cam cũng ngại, sợ mua nhầm cam Tàu…

Càng nghĩ đến cam Vinh, lại càng nhớ chuyện ngày xưa. Cái ngày mà cam Vinh còn do các nông trường quốc doanh sản xuất. Sản phẩm cam Vinh được xem là một mũi nhọn kinh tế của tỉnh để đem xuất khẩu đổi lấy máy móc, ngoại tệ về cho đất nước. Nghĩ rằng, tỉnh cần phải phát huy cái niềm tự hào ngày xưa đó. Cần xem cây cam là loại cây kinh tế chủ lực để có sự quan tâm đầu tư bài bản, đúng mức và lâu bền. Không nhất thiết phải xây dựng lễ hội cho cam như tỉnh Hòa Bình.

Nhưng cần học tỉnh Hòa Bình để có phương cách quản lý chỉ đạo sản xuất, quảng bá sản phẩm, quản lý thương hiệu; cho đến việc giao kết với các hội đoàn, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Và xa hơn nữa, cần hướng tới việc xuất khẩu cam. Tôi tin, dù là người sản xuất, hay người tiêu dùng cam thì đều rất mừng nếu cây cam có được sự quan tâm như vậy. Vì rằng, là người sản xuất, mong muốn gì hơn khi giá trị lao động ngày một được nâng lên; còn người tiêu dùng, sẽ an tâm với cam Vinh mỗi khi có nhu cầu…

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN