"Trồng người" nơi cổng trời

(Baonghean) - Ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn - nơi bà con dân bản đang vật lộn với miếng cơm manh áo thì sự học của các em nhỏ cũng lắm thiệt thòi: Thiếu sách vở, quần áo, thiếu điện, thiếu cả bữa cơm no đủ hằng ngày... Thế nhưng, các em vẫn ấp ủ bao khát khao con chữ...
Nhiều học sinh đang “nội trú” trong các lán tạm.
Nhiều học sinh đang “nội trú” trong các lán tạm.
Vượt hơn 300 km, chúng tôi đến xã biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ngôi trường PTDTBT-THCS Nậm Cắn chìm khuất trong sương mù. Thầy Phạm Hồng Thắng - Hiệu trưởng cho biết: “Học sinh ở trường đều là người dân tộc thiểu số, trong đó học sinh người dân tộc Mông chiếm 70%, còn lại là học sinh người dân tộc Thái và Khơ mú, dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền nhưng học sinh nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn: sách vở quần áo ấm, giường, chiếu… Hiện còn hơn 100 em học sinh phải ở lán tạm vì chưa có nhà ở nội trú”.
Các bản của xã Nậm Cắn đều cách xa trường, có bản cách trường tới 20 - 25 km, hầu hết các em phải đi bộ, vì thế nhu cầu ở bán trú của học sinh THCS  rất lớn. Năm 2012, các nhà hảo tâm đã chung tay góp sức, xây dựng nhà ở bán trú cho trường, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của các em. Trường có 248 học sinh nội trú, nhưng số phòng ở chỉ đủ cho khoảng 150 em. Những em còn lại hiện đang ở trong những túp lều dựng xung quanh trường.
Những lúc nghỉ học, các em ra suối  mò cua bắt ốc cải thiện bữa ăn.
Những lúc nghỉ học, các em ra suối mò cua bắt ốc cải thiện bữa ăn.
Em Và Y Xìa (dân tộc Mông) bẽn lẽn: “Rau với muối em mới đưa ở nhà xuống trường đấy ạ. Bọn em được ăn nội trú, nhưng tối, hoặc buổi sáng đói thì nấu ăn thêm để học”. Nhà Vừ Y Xìa ở cách xa trường 25 km, em cùng với hơn 10 bạn khác trong bản ở chung một túp lều. Buổi tối, sau giờ tự học trên lớp, các em trở về túm tụm với nhau cùng soi chiếc đèn pin để ôn bài, hoặc đọc sách và trò chuyện. Dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng các em vẫn hồn nhiên đùa nghịch, thích được đi học, thích được ở cùng nhau…
Ở Trường Tiểu học và THCS bán trú Phà Đánh, nhiều học sinh phải ở và sinh hoạt trong các túp lều tạm bợ, nhỏ bé bằng gỗ, tranh tre. Thầy giáo Bùi Đức Dũng, người đã gắn bó lâu năm với trường chia sẻ: “Trường có tới 209 học sinh nội trú, hầu hết các em là người dân tộc Khơ mú, Thái ở các bản Xắn, Huồi Nhúc, Piêng Hòm… cách trường hàng chục cây số, đường dốc qua núi, qua suối rất nguy hiểm. Nhưng trường lại chưa có nhà bán trú, nên phải dựng tạm nhà tranh tre cho các em ở. Rất mừng là các em đều ham học và chăm ngoan”. Hiện trường đang được hỗ trợ xây 5 phòng ở nội trú, nhưng sau khi hoàn thành cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho khoảng 80 em.
Được biết, hầu hết các trường phổ thông bán trú tại Kỳ Sơn đều có số lượng lớn học sinh có nhu cầu ở nội trú. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của các trường đều rất thiếu thốn, nên việc xây dựng nhà ở nội trú cho học sinh đều phải chờ kinh phí của Nhà nước hoặc các doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ xây dựng.
Bữa ăn của các em sau buổi học
Bữa ăn của các em sau buổi học
Thời gian qua, UBND huyện Kỳ Sơn đã kêu gọi các đơn vị trong và ngoài tỉnh quan tâm, đầu tư nhà bán trú, giúp các em vùng đồng bào thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn. Hiện đã có một số đơn vị nhận đầu tư xây dựng một số công trình nhà ở bán trú, như: Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ được Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tài trợ, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiêu Lưu, do Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh tài trợ; Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Bảo Nam và Hữu Kiệm, được xây dựng từ nguồn đầu tư của tỉnh.
Có mặt tại Trường THCS bán trú Nậm Cắn vào giờ ăn trưa, chứng kiến bữa cơm của các em, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Một nồi cơm trắng to, chỉ có canh rau rừng lõng bõng, cùng với ớt cay, muối trắng và một ít thịt (số thịt này được hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn). Thầy Phạm Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Nậm Cắn chia sẻ: “Nhìn bữa ăn của học sinh, thầy cô giáo chúng tôi rất trăn trở. Nhưng trường cũng chỉ có thể kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn tài trợ của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm, chứ bản thân thầy, cô giáo ở đây cũng còn vất vả…”.
Để khắc phục khó khăn, nhiều trường học bán trú ở huyện miền núi Kỳ Sơn, các thầy, cô giáo cùng học sinh trồng rau ở những bãi đất trống quanh trường để cải thiện bữa ăn cho các em. Cả cô và trò cùng nhau cố gắng khắc phục những khó khăn, thiếu thốn để các em được ấm lòng kiên trì theo đuổi con chữ. Những ngày nghỉ, các em tranh thủ lên rừng, kiếm thêm rau, măng rừng, hoặc lội suốt bắt cá, bắt ốc về cải thiện bữa ăn… Dẫu còn khó khăn, thiếu thốn nhưng với quyết tâm “tìm chữ” của học sinh, nỗ lực nhiệt huyết của giáo viên vùng cao cùng sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, tương lai của con em vùng cao ngày càng thay đổi, tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn… 
Hồ Lài
TIN LIÊN QUAN

Tin mới