Trưa ở biển Xuân Châu

Chị là Hoàng Thị Tân, sinh năm 1975. Trên lối mòn chạy ra biển trưa ấy, chị đang tất tả đẩy cái xe kéo, trên xe là 2 đứa trẻ lít nhít con chị. Ngày hôm nay, đây là chuyến thứ 5 chị đẩy xe ra biển. Chuyến đầu lúc 2 giờ đêm, chị mang theo đèn đuốc, lưới trích, cặp lồng cơm và những vật dụng đi biển để tiễn chồng ra khơi. Chuyến thứ 2, thứ 3, thứ 4 là những khi thuyền của những người em chồng lần lượt về bến, chị ra để cùng phụ giúp. Và chuyến này, lúc 13h chiều là khi chồng chị trở về. Chị Tân thả lũ con xuống bãi, lũ trẻ ào ra với bà nội, các chú mự cùng anh chị em của chúng đã ở sẵn trên bãi biển từ khi chuyến thuyền đầu tiên trong gia đình lớn ấy trở về. Chị Tân tất tả đẩy xe ra tận mép nước, kéo thuyền của chồng cùng mẻ lưới trĩu nặng lên bờ. Chị chuyển đồ nghề của chồng lên xe, cất tiếng hỏi thật to, như át đi tiếng sóng: “Bữa nay bố nó về muộn nhất hè. Trúng cá không?”. Hỏi, chỉ như một câu chào vậy thôi, chị cũng không cần câu trả lời của anh chồng đang bận loay hoay xếp lưới. Khi cái thuyền, mà đúng ra là cái bè mảng đơn sơ bằng tre nứa ghép của gia đình chị đã yên vị ghếch đầu trên bãi cùng dãy dài những chiếc bè khác của ngư dân Xuân Châu, thì chị mới thong thả nhìn chúng tôi với một nụ cười rám nắng.

Chị Tân không phải người xóm Xuân Châu này, mà chị người làng Nam Liên- làng muối. Là con cả trong gia đình, chị sớm chịu cái vất vả trên cánh đồng mặn đắng mồ hôi. Học hết lớp 7 là chị đã gắn với cái trang, với những ô nại, với cái kho lúp xúp, với cái nắng cháy mặt. Chị nói, mình đâu thể có giấc mơ nào khác, ngoài giấc mơ về muối, về biển. Tuổi thanh xuân lặng lẽ trôi, chị suýt nữa thì đánh mất cả tuổi trẻ, cả giấc mơ một mái ấm trên cánh đồng lấp lóa trắng và trên những chặng đường nặng trĩu lời rao: Ai muối đơi, nào ai muối???

28 tuổi, chị gặp anh. Là chồng chị bây giờ, người làng chài Xuân Châu. Anh kém chị đến 4 tuổi, nhưng vẻ sương gió dạn dày đã khiến họ thành một đôi cân xứng. Họ nên duyên bởi một đám cưới đơn sơ và chị bắt đầu một trang khác của cuộc đời mình. Của những ngày thức dậy giữa đêm, bập bùng đuốc lửa. Của những ngày vời vợi ngóng về phía trùng khơi, tìm bóng anh trên chiếc bè mảng bé xíu giữa dập dềnh sóng gió, trở về. Của những nỗi quặn thắt gan ruột khi nghe tin bão gần, bão xa, tin giông lốc bất ngờ trên biển…

Lần lượt những đứa con chào đời: Nga (2004) Ngân (2006), Nguyệt (2008)…Nỗi buồn dần đầy lên trong chị khi mong đợi mà vẫn chưa có con trai. Phải có con trai để nối nghiệp đi biển chứ, hơn nữa, chồng chị lại là con trai cả. Chị tự dằn vặt mình không biết đẻ. Lúc nào cũng như gặp thoáng thở dài của chồng, của mẹ chồng. Cũng có thể do chị cứ tưởng tượng ra. Chị lại cố. Lần sinh nở thứ 4, chị đẻ sinh đôi, thở phào, một trai một gái. Và vì thế, hy vọng sẽ có tiếp con trai lại khiến chị sinh thêm nữa. Sau 1 cô con gái thì cuối cùng, đứa con thứ 7 sinh năm 2015 giúp chị thỏa nguyện: là con trai.

Bây giờ thì chị ngồi trên bãi biển, nhặt lũ cá trích mà chồng chị cùng những người thân trong nhà gỡ từ lưới ra đang giãy giụa trên cát. 4 đứa con bé nhất của chị ồn ã xung quanh với trò trốn tìm trên bè. Đứa nào cũng lấm lem cát bụi, nhưng nụ cười thì tươi roi rói. Tôi hỏi, sao chị lại sinh nhiều con thế? Chị cười. Thì cố có con trai mà. Biết là khổ cả mình, khổ cả con, nhưng biết làm sao? Câu trả lời của chị, cái ánh nhìn của chị, cái lắc đầu rất khẽ của chị như bị bạt đi bởi gió biển, bởi cồn cào tiếng sóng lao vào bờ bãi. Bây giờ thì cố làm lụng, chắt chiu nuôi con thôi, cho nó ăn học, chứ không để thất học như cha mẹ chúng. Chị nói vậy, khi xếp những con cá vào chậu để rửa sơ qua chúng trước khi cân cho anh chàng lái buôn đã kịp đưa xe tải ra tận bãi này để thu mua.

Nhân vật thứ 2 mà tôi muốn kể ấy là anh Bùi Thái Thi, chồng chị Tân. Nước da đen sạm, gương mặt gồ ghề, nhưng ánh nhìn thật hiền hậu, ấm áp. Sau 11 tiếng lênh đênh trên biển một mình một bè, anh trở về với niềm vui cá nặng lưới đầy. Anh nói, bữa nay ước chừng mình đánh được chừng tạ rưỡi cá trích. Mỗi cân cá được lái buôn thu mua giá 15 ngàn. Đi từ 2 giờ sáng, ra khơi tới chừng mươi, mười lăm sải nước (hải lý) anh mới gặp luồng cá này. Sau khi kéo bè lên bãi, anh lại thoăn thoắt rũ lưới cùng với mẹ và các em gái, em rể.

Rồi chậm rãi, anh kể về việc ra khơi trên chiếc bè mảng ghép tre nứa đơn sơ: Khi đẩy bè chạm nước, mình phải chèo tay qua mấy con sóng trào rồi mới nổ máy. Theo cảm giác về những luồng nước mà đi, lấy ngọn đèn làm bạn khi bóng đêm vây phủ và tứ bề mênh mông. Cứ đi miết như thế, hút một điếu thuốc cho đỡ lạnh, căng mắt mà nhìn trên mặt biển đêm, nơi ánh đèn chài rọi xuống, khi nào thấy lũ cá trích nổi xanh trên mặt nước thì buông lưới. Lũ cá dưới ánh sáng đèn và bơi trong biển đêm lạ lắm. Chúng là những mũi tên xanh vun vút dưới mặt nước trong. Anh sẽ trở về khi đã chặn được bầy cá trong lưới. Có những ngày may mắn, gặp được luồng cá lớn, sớm trở về, nhưng cũng có những ngày lênh đênh mãi. Vì thế, thức ăn mà những bà vợ chuẩn bị cho những ông chồng ra khơi bao giờ cũng phải nhiều hơn 2 bữa. Chỉ khi nào “trúng cá”, những người đi biển như anh Thi mới trở về. Và một năm 365 ngày thì cũng gần đó số ngày là anh ra biển.

Thi là con trai đầu trong gia đình có 6 người con. Chỉ có 2 trong số quyết đi làm công nhân xa. Còn 4 người, tạo lập thành 4 gia đình nhỏ nữa lại tiếp tục nghề biển truyền đời. 4 nhà, 4 cái bè mảng cùng song song về trên cát, và 4 gia đình cùng chung sức giúp nhau mỗi khi bè của ai đó cập bờ. Từ khi Thi 12, 13 tuổi anh đã cùng cha mình, ông Bùi Thái Lộc đi biển. Cái cậu bé quen với tiếng sóng từ lúc lọt lòng, nhưng những đêm ra khơi ngày xưa ấy, giữa mịt mùng bóng đêm vẫn rùng mình ớn lạnh. Thi ngồi trên bè, nghe tiếng rít thuốc lào của cha, và mơ tưởng về những luồng cá lớn. Anh kể cha anh đã chỉ cho anh về hướng gió, đường đi của những con nước dưới lòng biển, chỉ cho anh cách nhìn mặt nước để biết khi cá về. 18 tuổi, anh đã có những chuyến đi biển một mình đầu tiên. Và bây giờ thì mặt nước mênh mông, bóng đêm sừng sững, tiếng gió, tiếng cá quẫy…nó quen thuộc như chính hơi thở của anh vậy. Vòm ngực anh quen hít gió biển, tay của anh quen tanh nồng vị cá, mắt anh thuộc từng mắt lưới… Anh chả bao giờ nghĩ mình có thể làm được một cái gì khác ngoài nghề đi lưới nhọc nhằn này. Anh chỉ có thể cảm thấy mình tự do, cảm thấy mình đầy tự tin khi bắt đầu cầm lấy mái chèo, khi đi trên mặt nước, khi quăng những sải lưới.

Biển chỉ thực sự xa lạ với anh, khi trời giông gió. Nó như biến thành một con người khác, gầm gừ và bất an. Nhưng rồi, vượt lên trên tất cả những điều ấy, Thi đã trở thành một người nghệ sỹ trên chiếc bè của mình, trên những con sóng của mình, dũng mãnh trở về từ lòng biển, vì phía bờ xa kia có một người đàn bà đứng đợi anh. Người đàn bà đứng đợi cùng với cái xe kéo lưới, và dưới chân cô ấy là lũ con đang mải vui đùa. Chúng chưa biết những phấp phỏng trong lòng người đàn bà “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”. Chưa biết mối lo trong lòng người cha lo 9 miệng ăn, mong con được học hành để cuộc sống sau này không còn vất vả như bố mẹ.

Trên bãi biển hôm ấy, tôi còn gặp bà Ngô Thị Huề, mẹ của anh Thi, chị Bùi Thị Lệ, anh Phan Văn Nhiên là em gái, em rể anh Thi. Gặp cả những cô con dâu còn lại trong gia đình bà Huề, 4 đứa trẻ con anh Thi và những đứa trẻ khác trong gia đình lớn ấy. Bà Huề kể với tôi về cuộc đời “chỉ biết có sóng và gió” của bà: ông nội của bà, cha bà rồi sau này cả chồng bà đều là ngư dân, đều đi bè mảng. Chồng bà đã rời bỏ bà mà đi sau cơn bạo bệnh. Bà kể về cái làng nhỏ bé Xuân Châu, mở mắt ra là có sóng. Về những người đàn bà như bà, như con dâu, con gái của bà quen đứng trong cát mà ngóng ra phía trùng khơi. Về nước mắt và những vành tang trong mùa gió lốc. Về nhà ông Ngãi mất 3 người trên biển. Về trận cuồng phong dữ dội ngày 3/4/1983.

282 hộ dân Xuân Châu có tới gần 100 hộ gắn với nghề biển, gắn với những nhọc nhằn mặn đắng tanh nồng. Chả có thuyền lớn, những hộ dân chài chỉ đi bè mảng, ra lộng. Giấc mơ của họ giờ chỉ là trời yên bể lặng, tôm cá đầy thuyền.

Chúng tôi rời bãi biển Xuân Châu khi chuyến xe tải đón cá vừa bốc xong những thùng cá cuối cùng. Chị Tân nói, mai đưa chồng ra biển xong, chị sẽ tranh thủ về bán muối để kiếm thêm ngày trăm bạc nuôi con. Chị vẫn quen thuộc cung đường bán muối tận mạn Đô Lương. Giá mà mình đẻ ít đi, có lẽ đỡ vất. Chị nói vậy, với chút ngậm ngùi. Lũ trẻ con chị đang tranh nhau chỗ nấp trên chiếc bè mà lúc này anh Thi đang lúi húi lau lại dầu máy. Anh nói, nhất định sau này, 2 đứa con trai của anh phải mua chiếc thuyền lớn hơn, hiện đại hơn mà đi biển.

Trên con “đường công vụ” rời biển Xuân Châu, mấy người dân đang lao xao mời chúng tôi mua cá trích nướng. Mấy năm nay, nhiều người đã biết tới biển Diễn Kim hoang sơ. Cá trích tươi nướng ngay bên đường được nhiều du khách mua về. Chị Phạm Thị Khuyên đang quạt bếp than trong căn chòi nhỏ ven đường kể rằng, một ngày chị bán được chừng 2 yến cá cho khách qua đường. Mong sao bãi biển Xuân Châu sắp tới trở thành địa điểm du lịch, nhiều người ghé đến. Cuộc sống người dân biết đâu sẽ khấm khá hơn.

Chúng tôi vẫy tay tạm biệt những người đàn bà đang đứng dầm chân trên cát dưới mép sóng xa, như vẫn thấy những đôi mắt thăm thẳm sau bóng cờ đỏ đã bạc màu mà gió reo phần phật trên những mũi thuyền lúc này ghếch lên bãi cát dài bình yên ngơi nghỉ…