Trung - Nga ‘thăng hoa’ nhờ Mỹ?

(Baonghean) - Ngày 5/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu có chuyến công du Liên bang Nga. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh 2 nước chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Chuyến công du lần này của người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc không chỉ thắt chặt quan hệ mà như giới quan sát đánh giá, đây là 2 đối tác “đồng bệnh tương lân”. Trung - Nga sẽ còn cùng nhau tìm giải pháp để đối phó với đối thủ hàng đầu là Mỹ vốn đều đang có khúc mắc và căng thẳng với cả Mockva và Bắc Kinh.

Liên thủ lợi ích

“Nền kinh tế Trung - Nga đang bổ sung cho nhau, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy Mockva - Bắc Kinh xích lại gần nhau” Đây là những gì mà dư luận đang nhận định về mối quan hệ Nga - Trung cũng như mục đích chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Kể từ năm 2013 đến nay, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã có 28 cuộc gặp gỡ, mới nhất là cuối tháng 4 vừa qua khi Tổng thống Putin tham dự diễn đàn “Vành đai, Con đường” ở Bắc Kinh. Trong các cuộc gặp, hai bên không ngần ngại khẳng định rằng, quan hệ hai bên đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử quan hệ song phương. Báo chí Trung Quốc còn nhấn mạnh, sau 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã đạt mức độ tin cậy cao nhất, cấp độ hợp tác cao nhất và giá trị chiến lược cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay!

Cũng không khó lý giải cho những bước thắt chặt quan hệ nhanh chóng giữa Nga và Trung Quốc. Về phía Nga, kể từ năm 2014 khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Nga từ đó đến nay liên tục phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt, bao vây cấm vận của Mỹ và các đồng minh châu Âu. Mặc dù thời gian gần đây, các nước châu Âu do bất đồng về lợi ích với Mỹ đã có quan điểm nới lỏng hơn thậm chí để ngỏ khả năng hợp tác với Nga, nhưng không vì thế các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ hoàn toàn.
Trong bối cảnh bị “o ép” như vậy, việc Nga lựa chọn các đối tác tiềm năng khác, điển hình là Trung Quốc có lẽ là động thái tất yếu. Không chỉ đa dạng hóa đối tác để thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế, Nga còn tìm kiếm sự ủng hộ địa chiến lược của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Cực đang nóng lên từng ngày, cũng như tăng cường tiếng nói và vị thế trong các điểm nóng khu vực và thế giới như Triều Tiên, Iran hay Venezuela…

Về phía Trung Quốc, hẳn nhiên, những thiệt hại khôn lường từ cuộc chiến thương mại ngày càng căng với Mỹ là động lực mạnh mẽ khiến Bắc Kinh đến gần với Mockva hơn bao giờ hết. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu như trước đây Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu hàng nông sản từ Mỹ và Canada thì nay dự kiến sẽ mở rộng các đối tác mới.

Trung Quốc vốn là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới được cho là đã ngừng mua sản phẩm này từ Mỹ do căng thẳng từ cuộc chiến thương mại. Rõ ràng, động thái này sẽ mang đến cơ hội tuyệt vời cho Nga nhưng cũng là một đòn cảnh cáo gửi đến Mỹ.

Theo số liệu của các tạp chí kinh tế, giá đậu nành tại Mỹ đã giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến người nông dân Mỹ. Trong khi đó, năng lượng - cụ thể là khí đốt cũng là một trong những lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thể hợp tác. Với một bên là nguồn cung lớn đang cần tìm đầu ra cho năng lượng như Nga và một bên đang có nhu cầu rất lớn về dầu lửa, khí đốt phục vụ nhu cầu khổng lồ trong nước như Trung Quốc, cái bắt tay Trung - Nga chẳng khác nào như “cá gặp nước” trong bối cảnh hiện nay!

Đối tác hay đồng minh?

Với những nền tảng vô cùng tốt đẹp đã có thời gian qua, cộng thêm bối cảnh khách quan thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này được dự báo sẽ phủ bầu không khí hợp tác và phát triển tích cực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostok, Nga tháng 9/2018. Ảnh: Reuters
 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostok, Nga tháng 9/2018. Ảnh: Reuters
Dự kiến, hai bên sẽ ký kết 30 thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm lần này, đáng chú ý trong đó có tuyên bố về một kế hoạch toàn diện cho việc phát triển và hợp tác chung giữa hai nước và văn kiện về các vấn đề liên quan đến sự ổn định chiến lược quốc tế.
Các thỏa thuận khác sẽ tập trung vào hàng loạt vấn đề như thương mại, năng lượng và đầu tư. Đây sẽ là những bước đệm không thể tốt hơn cho hợp tác thương mại giữa hai nước vốn đã tăng 24,5%, lên mức 108 tỷ đôla Mỹ vào năm ngoái. Hiện Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Trung Quốc. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo còn cùng nhau thưởng thức buổi gala hòa nhạc về tình hữu nghị hai nước; Chủ tịch Trung Quốc cũng sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế lần thứ 23 ở St.Peterburg.

Đại sứ Trung Quốc tại Nga Lý Huy mới đây cũng nhấn mạnh những tiềm năng hợp tác lớn giữa hai bên như năng lượng, không gian, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thương mại hay khuôn khổ Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Quỹ Con đường tơ lụa…

Thế nhưng dư luận đặt câu hỏi, cùng là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, song trùng lợi ích trong hàng loạt vấn đề như vậy, liệu Nga và Trung Quốc có vượt lên tầm đối tác để trở thành đồng minh chiến lược hay không?

Mỹ đang vô tình thúc đẩy Nga - Trung lại gần nhau hơn. Ảnh: Getty
Mỹ đang vô tình thúc đẩy Nga - Trung lại gần nhau hơn. Ảnh: Getty
Trước hết cần khẳng định một thực tế, sợi dây gắn kết chính giữa 2 quốc gia hiện nay là sự đối đầu với Mỹ trên các mặt trận khác nhau. Với Nga - Mỹ là căng thẳng trong vấn đề Crimea, Syria hay Trung Đông còn với Trung - Mỹ là cuộc cạnh tranh vị thế địa chiến lược tại châu Á và cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Thế cũng có nghĩa, rất có thể quan hệ hai bên sẽ “bớt ấm nóng” nếu căng thẳng với Mỹ giảm đi. Bên cạnh đó, mặc dù có bổ sung lớn cho nhau về kinh tế - thương mại, nhưng nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu là Trung Quốc và nền kinh tế chưa lọt Top 10 thế giới như Nga cũng có những chênh lệch đáng kể về quy mô cũng như dân số, quân sự.

Đó là chưa kể, hiện nay Trung Quốc và Nga dù không tuyên bố rõ ràng nhưng cũng tự phân định ngầm rằng, Nga sẽ không cản trở việc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á còn Trung Quốc sẽ không có động thái nào ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế của Nga ở Trung Đông hay châu Âu. Thế nhưng, không ai trả lời được rằng, liệu những ranh giới mong manh này có bền vững hay sẽ bị cắt đứt bất cứ lúc nào? Vì thế, đã có chuyên gia nhận định rằng, quan hệ Nga - Trung có thể là đối tác thân thiết vì những lợi ích chiến lược trước mắt nhưng về lâu dài, khó có thể hình thành một mối quan hệ đồng minh thân cận. Đây chắc chắn cũng sẽ là sợi chỉ đỏ chi phối chuyến thăm Nga lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Tin mới